ĐHĐCĐ của Hapro: Năm 2021, bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 7/5, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro, mã chứng khoán HTM - UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận; Tờ trình sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh công ty; Tờ trình sửa đổi điều lệ, quy chế nội bộ…
ĐHĐCĐ của Hapro: Năm 2021, bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản

ĐHĐCĐ đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự kiến đạt 1.109 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 33,2 triệu USD; lợi nhuận trước thues là 38,45 tỷ đồng.

Năm 2021, Tổng công ty tiếp tục xây dựng và triển khai phương án đổi mới hoạt động kinh doanh thương mại bán lẻ, thực hiện tái cơ cấu hệ thống. Căn chỉnh hệ thống hình ảnh và nhận diện các địa điểm bán lẻ, quan tâm đến việc phát triển mảng kinh doanh online. Đồng thời thực hiện các giải pháp để tạo bứt phát cho mảng kinh doanh xuất khẩu.

Theo BCTC riêng, tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản công ty là 3.002 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 906 tỷ đồng (bằng 91% kế hoạch), giá vốn hàng bán chiếm 784 tỷ đồng; lợi nhuận gộp đạt 115 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 11,9 tỷ đồng (bằng 122% kế hoạch).

Hợp nhất năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Hapro đạt 946 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 123 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuê âm 50 triệu đồng.

Năm 2020, tổng tài sản và nguồn vốn giảm 9,42% so với đầu năm, tương ứng giảm 312,25 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 168,8 tỷ đồng; các khoản tiền và tương đương tiền giảm 94,6 tỷ đồng; các khoản đầu tư giảm 57,8 tỷ đồng.

Năm 2020, xuất khẩu là mảng chủ lực của Hapro nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid nên kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và không đạt kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu công ty mẹ đạt 25,21 triệu USD (bằng 84% kế hoạch) với 16.676 tấn hàng hóa các loại tương ứng với gần 948 container. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm hạt điều, hạt tiêu, gạo, cà phê, thực phẩm chế biến.

Do không đạt kế hoạch đề ra nên công ty không chia cổ tức.

Tại ĐHCĐ, Tổng công ty cũng đã thông qua tờ trình bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh: Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; xây dựng nhà để ở; xây dựng nhà không để ở.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc đề xuất thông qua bổ sung ngành nghề mới này để chuẩn bị cho thời gian tới, Hapro sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án.

Chia sẻ về một số dự án đầu tư dang dở, ông Sơn cho biết, Dự án Trung tâm thương mại Trương Định công ty mẹ Hapro thực hiện, dự kiến đến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành. Còn một số dự án của công ty thành viên như dự án số 26 Cao Thắng do CTCP Thực phẩm Hà Nội – HAF triển khai đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid; Dự án Trung tâm thương mại Bắc Qua do CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua (HAF nắm giữ 53% vốn), Tổng công ty đang trực tiếp vào cuộc và hy vọng cuối năm 2021 dự án sẽ được khởi động trở lại.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc Tổng công ty sẽ triển khai dự án nào trong thời gian tới, ông Sơn cho biết, hiện nay, Tổng công ty đang chờ văn bản chấp thuận của thành phố. “Để thận trọng, khi nào có văn bản chấp thuận, chúng tôi sẽ báo cáo với cổ đông sau”, ông Sơn nói.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng 7/5, cổ phiếu HTM tăng nhẹ 0,8% lên 12.700 đồng/CP.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục