Những câu hỏi nóng
Tại Đại hội, cổ đông đặt câu hỏi với Ban Điều hành về việc HSC có thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC khẳng định là không và chắc chắn không thao túng được, vì nguồn vốn lớn, phải kết hợp nhiều thứ, không thể nói sâu, nhưng HSC không thao túng chỉ số cổ phiếu và thị trường phái sinh. Nếu có dấu hiệu, các cơ quan chức năng cũng sẽ cảnh báo.
Ngoài ra, cổ đông cũng chất vấn về việc cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đăng ký bán quyền, gây áp lực, tâm lý xấu đến xu hướng giá cổ phiếu HSC, nhưng hiện HFIC không bán được thì có điều kiện mua không, vì sao HFIC muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại HSC?
Trả lời câu hỏi này, đại diện HFIC cho biết, đầu tư vào HSC là khoản đầu tư hiệu quả nhưng là tổ chức được sở hữu 100% vốn bởi UBND TP.HCM, nên phải tuân thủ một số quy định khắt khe đối với các khoản đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm…
HFIC vẫn mong muốn đồng hành cùng HSC, nhưng theo quy định thì phải bán ra số quyền này và giá bán cũng rất khắt khe, nên chưa thực hiện được, cuộc đấu giá đã không thành công. Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích cổ đông Nhà nước đã thống nhất trình UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện quyền, nhưng thực tế là cần phải chờ ý kiến của Thủ Tướng Chính phủ mới quyết được.
Được biết, trong năm 2018, HSC chưa thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn như kế hoạch và sẽ thực hiện trong năm 2019. Theo đó, HĐQT HSC có tờ trình phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu ESOP trong năm 2019.
Trong đó, ngày 21/2/2019, Công ty đã chốt danh sách cổ đông để phát hành gần 86,4 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán gần 86,4 triệu cổ phiếu, giá phát hành 14.000 đồng/CP. Thời gian dự kiến giao dịch cổ phiếu phát hành là tháng 7/2019.
Đồng thời, HSC sẽ phát hành gần 6,5 triệu cổ phiếu, giá 14.000 đồng/CP cho 141 người trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Công ty.
Kế hoạch lợi nhuận 681 tỷ đồng là khả thi
ĐHCĐ HSC đã thông qua kế hoạch năm 2019 với tổng doanh thu 1.666 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 kỳ vọng đạt 681 tỷ đồng. Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) năm 2019 được dự đoán ở mức 17,6%. Cổ tức dự kiến 15% bằng tiền mặt.
Mức cổ tức này thấp hơn mức 25% trong năm 2018, nhưng với lượng vốn tăng thêm trong năm 2019, nếu quy về như năm 2018, tỷ lệ này tương đương 3.500 đồng/CP của năm 2018. Theo Ban điều hành HSC, đây cũng là áp lực lớn đối với Ban điều hành.
Kế hoạch của HSC được xây dựng dựa trên giả định giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 6.500 tỷ đồng, thị phần môi giới đạt mức 12,3% (trong đó thị phần cá nhân tăng từ 9,7% lên 10,8%; còn tổ chức tăng từ 23,1% lên 25%), thị phần phái sinh đạt 20% và dư nợ ký quỹ bình quân HSC năm 2019 dự đoán ở mức 4.000 tỷ đồng (năm 2018, dư nợ cho vay ký quỹ bình quân là 3.933 tỷ đồng).
Cổ đông thắc mắc, Công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng, trong khi lợi nhuận giảm và trong khi quý I/2019, lợi nhuận đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Vậy kế hoạch liệu có khả thi?
Trả lời câu hỏi này, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC cho biết, HSC đã có sự tự tin nhất định khi đưa ra kế hoạch 2019 dựa trên tất cả những yếu tố vừa chủ động và bị động của thị trường, như tính thanh khoản và diễn biến của VN-Index. Trên tinh thần là HSC sẽ bám sát kế hoạch đề ra, còn nhiều yếu tố tác động đến kết quả cuối cùng.
Còn về kết quả kinh doanh quý I/2019, theo ông Johan, việc so sánh giữa quý I năm nay và quý I năm ngoái không được phù hợp, vì quý I/2018, thị trường đang ở đỉnh cao.
Thông thường, quý I là quý kém sôi động nhất so với cả năm do kỳ nghỉ Tết kéo dài. Hiện kết quả của các công ty chứng khoán khác cũng đều có sự giảm lớn so quý I/2018.
Dự báo chưa nâng hạng trong 2019
Nói về khả năng nâng hạng thị trường trong năm 2019, ông Johan cho rằng, vướng mắc lớn nhất là sở hữu nước ngoài, nếu không giải quyết được thì nâng hạng sẽ rất thách thức.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cũng cho rằng, khả năng nâng hạng trong năm nay là khó.
"Tôi nghiên cứu sơ qua tiêu chí để Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi, trong đó giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề lớn và chưa có giải pháp nào ngay trước mắt có thể giải quyết. Ngoài ra, thị trường Việt Nam cần một trung tâm thanh toán bù trừ hiệu quả hơn. Và cần chờ đợi Luật Chứng khoán sửa đổi", ông Giang nói.
Năm 2018, HSC đánh dấu một năm thành công của HSC trong vai trò là ngân hàng đầu tư, nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, chính điều này khiến cổ đông lo lắng về rủi ro mà HSC có thể gặp phải.
Ông Giang cho biết, tạo lập thị trường mang lại lợi nhuận cho HSC, nâng kích cỡ quỹ ETF lên đến 5.700 tỷ đồng. HSC còn có kế hoạch tạo lập thị trường cho nhiều sản phẩm khác như trái phiếu doanh nghiệp; tạo lập thị trường chứng quyền có đảm bảo - là sản phẩm mới.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận, việc làm nhà tạo lập cũng có những rủi ro và HSC hành động rất cẩn thận.
“Phòng ngừa rủi ro thì khó nói hẳn một giải pháp, nhưng khi càng làm nhiều, càng có nhiều kinh nghiệm, từ đó phòng ngừa rủi ro tốt hơn”, ông Giang nói.
HSC cũng chia sẻ thẳng thắn về rủi ro trong cho vay ký quỹ, năm 2018, công ty không gặp trường hợp rủi ro nào, quản lý rất tốt việc cho vay ký quỹ. Hiện dư nợ ký quỹ gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước 2018, HSC có mất tiền ở 2 trường hợp là TTF, CDO và trường hợp sắp mất vốn là HQC người sử dụng vốn vay dùng sai mục đích, không phục vụ giao dịch. Từ đó HSC rút kinh nghiệm và điều chỉnh điều kiện cho vay.