Tại ĐHCĐ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC - mã chứng khoán: VCI) tổ chức ngày 24/6, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, mảng ngân hàng đầu tư của VCI có các thương vụ có giá trị khoảng 2 tỷ USD, sẽ được ghi nhận vào các năm sau.
Nếu không có Covid-19 sẽ chốt 1 thương vụ giá trị 1,5 tỷ USD. Còn trong tình hình hiện tại, trong năm nay, Công ty chỉ có khả năng hoàn thành thương vụ này khoảng 40%, nhưng chắc chắn sẽ hoàn thành trong tương lai.
Năm 2020, VCI đặt kế hoạch doanh thu 1.390 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng, giảm 35,6% so với thực hiện năm 2019.
Theo lãnh đạo VCI, kế hoạch lợi nhuận năm 2020 không đáng kể so với tiềm năng của Công ty. Nhưng từ năm 2021, Công ty sẽ lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn 2016 - 2017, mục tiêu tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu mà không phải phát hành thêm.
"Trong 3 năm tới, phấn đấu phải có lợi nhuận trước thuế trên 3.500 tỷ đồng, như vậy mỗi năm lợi nhuận trước thuế là 1.200 tỷ đồng", lãnh đạo VCI nói.
Tại đại hội cổ đông, cổ đông cũng bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban Kiểm soát. Danh sách ứng cử có ông Lê Phạm Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Lothamilk và ông Nguyễn Lân Trung Anh, Tổng giám đốc Phoenix Holdings cùng do nhóm cổ đông chiếm 19,17% vốn đề cử.
Ngay tại đại hội, VCI bổ sung thêm tờ trình cho phép Tổng giám đốc Tô Hải và những người có liên quan được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến việc sở hữu từ 25% đến 35% số cổ phần có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Đại hội cũng thông qua việc bán cổ phiếu quỹ và phát hành 1,2 triệu cổ phần theo chương trình lựa chọn (ESOP) cho cán bộ công nhân viên năm 2020.
Về phương án bán cổ phiếu quỹ, VCI sẽ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ đã được Công ty mua lại từ nhân viên nghỉ việc theo chương trình ESOP (tính đến thời điểm gần nhất) với giá bán 12.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành cổ phần cho CBCNV và bán cổ phiếu quỹ dự kiến được sử dụng bổ sung vốn lưu động Công ty và giảm nợ vay ngân hàng.
Một số nội dung thảo luận
Vì sao miễn chào mua công khai với ông Tô Hải?
Tính đến ngày 21/1/2020, ông Hải nắm giữ hơn 31,5 triệu cổ phiếu VCI, tương đương 19,17% vốn. Theo quy định, nếu một cổ đông hay nhóm cổ đông muốn sở hữu trên 25% thì phải chào mua công khai.
"Hiện, tôi và gia đình đã sở hữu gần con số đó, do vậy, muốn nâng sở hữu phải thực hiện chào mua công khai. Trong đợt giảm giá mạnh trong dịch Covid-19, giá cổ phiếu xuống thấp nhưng tôi không thực hiện mua vào được. Chào mua công khai thì sẽ không thực tế về mặt tỷ lệ và có thể giá sẽ không hợp lý. Do đó, tờ trình thông qua không chào mua công khai để tôi có thể mua được lượng cổ phiếu mong muốn", ông Hải lý giải.
Xin Công ty biết kết quả ước lợi nhuận quý II, tình hình phát hành trái phiếu?
Ông Tô Hải: Lợi nhuận trước thuế quý II khoảng 200 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm khoảng 300 tỷ đồng.
Tổng số lượng trái phiếu phát hành khoảng 2.000 tỷ đồng và được thực hiện hàng năm tùy theo thị trường và nhu cầu vay ký quỹ.
Công ty nhận định thị trường từ đây tới cuối năm thế nào?
Ông Tô Hải: Đặc thù năm nay khác năm trước dẫn đến khó dự báo diễn biến thị trường. Kế hoạch kinh doanh của Công ty năm nay xây dựng trên điểm cơ sở là 850 điểm, dao động trong khoảng 800 - 850 điểm. Nhưng cũng tuỳ thuộc triển vọng kinh tế. Khả năng đạt được kế hoạch 2020 không quá khó.
Công ty có chiến lược kinh doanh cho 3 mảng chính là môi giới, tự doanh và ngân hàng đầu tư (IB)?
Ông Tô Hải: Mảng môi giới phải theo luật chơi thị trường, mà luật chơi hiện nay do các công ty chứng khoán vốn ngoại có nguồn vốn rẻ quyết định. VCI cũng chủ động huy động các nguồn vốn giá thấp để phục vụ khách hàng, vừa qua chúng tôi huy động nguồn vốn 8 triệu USD. Nếu điều kiện cho phép sẽ tập trung vào huy động vốn từ nước ngoài, nguồn vốn ngắn hơn nhưng chi phí rẻ hơn và phù hợp với thời hạn cho vay margin trên thị trường hơn. Các khoản vay nước ngoài là vay tín chấp.
Định hướng mảng tự doanh không đổi, vẫn tập trung vào cổ phiếu tốt theo định hướng dài hạn và gặt hái thành công trên chiến lược này.
Đối với mảng IB, những năm trước, tập trung ngành tăng trưởng tốt. Chẳng hạn, Công ty trước tập trung vào ngành ngân hàng, nay quay lại hàng tiêu dùng. Những năm tới sẽ tập trung nhiều vào mảng này. Đến thời điểm này, nhiều công ty ở Việt Nam trong ngành tiêu dùng vẫn còn tương đối rẻ. Trên thế giới, PE ngành này trên 25, còn ở Việt Nam vẫn đang tương đối tốt.
Trước đây tỷ trọng doanh thu các mảng IB, môi giới và tự doanh theo tỷ lệ khoảng 4:4:2, nhưng năm nay có thể bị đảo ngược thành 2:4:4. Tức là cơ cấu doanh thu có 40% môi giới, 40% tự doanh và 20% IB. Năm nay sụt giảm mạnh hoạt động IB nhưng vẫn đạt khoảng 250 tỷ đồng.
Công ty có chiến lược tự doanh thế nào?
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT: Theo quy định, Công ty không được dùng quá 50% vốn chủ sở hữu để tự doanh. Công ty cũng không quá đặt nặng vào tự doanh cổ phiếu niêm yết để cạnh tranh với khách hàng. Đối với khẩu vị rủi ro tự doanh, Công ty không chấp nhận có rủi ro.