ĐHĐCĐ bất thường SHS: Phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, giá 12.000 đồng/CP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/1, CTCP chứng khoán SHS tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng. 
ĐHĐCĐ bất thường SHS: Phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1, giá 12.000 đồng/CP

Cụ thể, Đại hội đã thông qua phương án phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới) với giá phát hành 12.000 đồng/cp. Vốn huy động được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu thị tường, thực hiện sau khi UBCKNN chấp thuận chào bán trong năm 2022.

Sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của SHS sẽ tăng lên 6.505 tỷ đồng. Đại hội cũng thông qua tất cả các nội dung mà HĐQT trình.

Trao đổi với các cổ đông tại đại hội, lãnh đạo SHS đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS, năm 2021, doanh thu hoạt động của SHS tăng hơn 40%, song chi phí chỉ tăng 10% so với 2021. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Với mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong nhóm chứng khoán, EPS của SHS hiện đạt 5.800 đồng/CP, thuộc nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao nhất ngành.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHS cho biết, với đà phát triển mạnh mẽ như vậy, năm 2022 Công ty có nhiều cơ hội tiếp tục thành công.

SHS đã xây dựng chiến lược kinh doanh trong 5 năm tới, tập trung vào hiện đại hóa công nghệ, chuyển đổi số, đưa SHS trở thành công ty hàng đầu, tập đoàn tài chính vững mạnh, uy tín trong khu vực.

Công ty tiếp tục tập trung vào 3 thế mạnh bao gồm đầu tư; dịch vụ (môi giới, margin, nâng cấp phần mềm giao dịch, giao dịch sản phẩm phái sinh…). Bên cạnh đó, SHS tiếp tục phát huy thế mạnh về giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Hiển cho biết thêm, HĐQT có chủ trương đầu tư nguồn lực để SHS tập trung mạnh về mảng tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, với 3 mảng thị trường có nhiều tiềm năng. Cụ thể, năm 2022 và các năm tới chủ trương của Chính phủ là thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN. Bên cạnh đó xu thế của thế giới và nền kinh tế Việt Nam là các hoạt động M&A, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Ngoài ra, chủ trương của Bộ Tài chính là lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. 3 lĩnh vực này là trọng tâm cả kinh doanh và tái cấu trúc của SHS. Theo đó, sẽ nâng cao đội ngũ tư vấn của SHS, đưa công nghệ vào các hoạt động, bổ sung nhân sự trẻ, có năng lực được đào tạo trong, ngoài nước, thu hút nhân sự có tiềm năng trong lĩnh vực tư vấn về đầu quân…

“Đây là các hoạt động cốt lõi, theo đúng định hướng và bản chất của TTCK là kênh huy động vốn trung dài hạn của DN. HĐQT coi trọng vấn đề này và tập trung trong năm 2022 cũng như các năm tới’, ông Hiển khẳng định.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục