Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, đại hội đã nhất trí mục tiêu doanh thu đạt gần 1.312 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 91 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 31% và 38% so với thực hiện năm 2021.
Về cơ cấu doanh thu dự kiến, bánh tươi chiếm 50%, bánh trung thu chiếm 23%, bánh khô chiếm 21%, hạt điều sơ chế chiếm 2%, còn lại đến từ dịch vụ cho thuê, khác.
Để hiện thực hóa mục tiêu, BNA sẽ đầu tư đẩy mạnh, chuyên nghiệp hóa về quy mô và chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng ưu thế thương hiệu Bảo Ngọc, năng lực sản xuất để xây dựng phát triển những mã hàng có khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng bánh kẹo.
Cụ thể, Bảo Ngọc sẽ đẩy nhanh độ phủ thị trường các sản phẩm hiện có như bánh khô, bánh tươi truyền thống. Bên cạnh đó là mở rộng phát triển các sản phẩm mới về bánh tươi công nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2022, Bảo Ngọc phấn đấu lên vị trí top 3 thị phần và doanh số bánh tươi toàn quốc, số 1 thị phần và doanh số bánh tươi miền Bắc.
Đặc biệt, trong năm nay, Bảo Ngọc sẽ triển khai mục tiêu M&A ngành bánh khô, đồ uống để khai thác tối ưu những lợi thế đã có sẵn, mở rộng thương hiệu Bảo Ngọc. Mục tiêu xa hơn, đến năm 2024, Bảo Ngọc sẽ M&A các đơn vị nước ngoài, thực hiện hóa chiến lược đa quốc gia, đầu tư vào nhà máy nước ngoài để phát triển song phương hoặc đa phương đưa những nông sản đặc sản Việt Nam sang nước ngoài.
Đáng chú ý, trong những năm tới, Bảo Ngọc có tham vọng đưa các dược liệu quý trở thành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhằm phòng ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Qua đó, Công ty sẽ mở rộng được hệ sinh thái và đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông, cộng đồng và xã hội.
“Những ngành nghề Bảo Ngọc tham gia đầu tư phải đáp ứng được các tiêu chí tiên quyết: dung lượng thị trường tham gia đủ lớn, tiềm năng phát triển, tốc độ tăng trưởng và nguy cơ để Công ty xác định được vòng đời của ngành”, ông Lê Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT đánh giá.
Đại hội cũng đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Cụ thể, BNA sẽ phát hành gần 6 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2021. Thời điểm phát hành sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt và ủy quyền cho HĐQT lựa chọn.
Ngoài ra, năm 2022, Bảo Ngọc dự kiến phát hành 990.000 cổ phiếu (chiếm 4,95% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), với giá chào bán ưu đãi là 10.000 đồng/CP.
Tổng giá trị phát hành là hơn 9,9 tỷ đồng, Bảo Ngọc sẽ bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Công ty. Thời gian chào bán trong năm 2022 hoặc trong quý I/2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Nhìn lại năm 2021, Bảo Ngọc ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất là 1.004,256 tỷ đồng, tăng 168,1% so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 82,564 tỷ đồng, tăng 205,4%. Để đạt được kết quả này, Công ty đã chú trọng đẩy mạnh phát triển doanh số, đồng thời cắt giảm các khoản chi phí.
Ông Trần Xuân Vinh, Tổng giám đốc BNA đánh giá, năm 2021 - 2022 là năm bản lề trong chiến lược phát triển dài hạn của Bảo Ngọc. Đồng thời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, với việc Bảo Ngọc chính thức đưa vào vận hành khai thác ổn định các hệ thống kinh doanh mới, bao gồm cung cấp bánh cho các chuỗi siêu thị và hệ thống phân phối.
Tại phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về mục tiêu trọng tâm năm 2022, ông Thuấn cho biết, Bảo Ngọc sẽ tập trung về đào tạo, hoạch định nguồn nhân lực. Điểm nhấn là năm 2022, Công ty sẽ nâng vị thế của trung tâm đào tạo thành viện đào tạo học viên đảm bảo chất lượng nhân lực cho Công ty.
Bên cạnh đó, Bảo Ngọc sẽ khai thác triệt để các kênh phân phối cũng như mở rộng các kênh để tăng độ bao phủ tại thị trường miền Nam, miền Trung. Sau đó, Công ty sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới, sớm nhất là nhãn hiệu Kisshu với sản phẩm chủ lực là bánh bông lan. Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ thực hiện kỳ vọng đưa dược liệu trở thành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2022, ông Trần Xuân Vinh thông tin, dự kiến trong quý đầu năm, doanh thu của Bảo Ngọc đạt 288 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 19,3 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 18% và 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cổ phiếu BNA, trong cuộc trò chuyện bên lề với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Thuấn chia sẻ, Bảo Ngọc chủ trương đưa BNA trở thành cổ phiếu cơ bản của một doanh nghiệp kinh doanh cơ bản. Điều này xuất phát từ giá trị doanh nghiệp và tầm nhìn chiến lược của Công ty.
“Tuy nhiên, biến động giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác từ thị trường trong nước, thị trường quốc tế, xu hướng chung, cũng như các yếu tố vĩ mô và những thông tin có khả năng tác động”, ông Thuấn nhìn nhận.