Nội dung nóng nhất tại đại hội là phương án tăng vốn năm 2022. Đại hội đã thông qua phương án phát hành hơn 518 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu và đấu giá công khai, trong đó 268,3 triệu cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phần; 250 triệu cổ phiếu được đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường tính đến ngày HĐQT có nghị quyết chào bán.
Trước đó, Bamboo Capital đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho đối tác với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 10% gồm 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, công ty phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Dự kiến, sau khi thực hiện thành công việc chào bán ra công chúng, trả cổ tức và ESOP, vốn điều lệ của Bamboo Capital tăng gấp đôi từ 5.063 tỷ đồng lên 10.549 tỷ đồng.
Việc tăng vốn theo chia sẻ của lãnh đạo BCG là nhằm tạo ra sự cân đối với tài sản của doanh nghiệp. “Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của BCG đạt trên 40.000 tỷ đồng. Việc Tập đoàn phát triển nhanh, lượng tài sản hình thành lớn khiến chúng ta phải đối mặt với bài toán: lợi nhuận có thể đạt rất cao, đột biến trên vốn nhỏ, nhưng rủi ro cũng là rất cao, khi biến động lớn có thể mất hết.
Trong khi đó, nền kinh tế đang trong kỷ nguyên có nhiều biến động, do đó HĐQT đã quyết định đề xuất tăng năng lực vốn để đảm bảo an toàn, bền vững cho tập đoàn, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi trường hợp xảy ra tập đoàn vẫn đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả cho cổ đông ở mức khá”, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch BCG trao đổi với các cổ đông.
Mục tiêu BCG theo đuổi là giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ từ 2,7 hiện nay xuống 2 trong năm nay, nếu điều kiện thuận lợi có thể đưa về 1.
Trong các năm qua, nhiều dự án đã được BCG triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả cao, chứng minh năng lực phát triển dự án của Tập đoàn. Đây tiếp tục là chiến lược BCG theo đuổi để có dòng tiền về, đảm bảo hiệu quả cho các cổ đông.
Lấy ví dụ, mảng bất động sản của tập đoàn hiện trải rộng từ bất động sản nghỉ dưỡng, khu dân cư, khu phức hợp và cả khu công nghiệp. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng chiếm khoảng 30% danh mục đầu tư. Các dự án nghỉ dưỡng đa phần nằm ở các khu vực đắc địa và đón lượng khách du lịch lớn. Đặc biệt, công tác bán hàng rất thuận lợi, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện để nhanh chóng bàn giao và ghi nhận doanh thu.
“Quan điểm của tập đoàn là không áp lực phải đưa ra thị trường nhiều dự án mà đi theo chiến lược lựa chọn những dự án tốt, hiệu quả, pháp lý đảm bảo và phân bổ đều trong tất cả các phân khúc để hài hòa rủi ro và nắm bắt cơ hội của thị trường”, ông Nam nói.
Với quan điểm gia tăng tính minh bạch và áp lực quản trị hiệu quả với ban điều hành các công ty con, cũng như huy động các nguồn lực để phát triển doanh nghiệp, BCG sẽ triển khai IPO và niêm yết Nguyễn Hoàng, BCG Land, BCG Energy.
Trước đây, ĐHCĐ của Nguyễn Hoàng thông qua kế hoạch đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, nay Công ty sẽ niêm yết luôn trên HNX. Xung đột quân sự Nga – Ukraine đã tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu gỗ, thị trường của doanh nghiệp rộng mở, bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng vừa M&A thành công một doanh nghiệp sở hữu vùng trồng hơn 2.500 ha. Việc niêm yết sẽ được thực hiện trong quý II năm nay.
Với BCG Land, hiện BCG đang nắm giữ 62% cổ phần, gần 30% được sở hữu bởi Tracodi. Sau IPO, BCG dự kiến hạ sở hữu xuống còn 51%. IPO dự kiến thực hiện trong quý III năm nay.
Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất hơn 7.250 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2021; lợi nhuận sau thuế dự tăng gấp 2,2 lần lên 2.200 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.263 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 522 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 17,4% mục tiêu doanh thu và 23,7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo chiến lược dài hạn đã được Tập đoàn xây dựng, BCG hướng đến mục tiêu lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng vào năm 2025.
Một số thảo luận đáng chú ý
BCG sử dụng đòn bẩy khá cao, cụ thể trên báo cáo tài chính quý 1/2022 có thể hiện 9.000/15.000 tỷ đồng là nợ vay trái phiếu. Vậy các quy định và dự thảo sửa đổi mới về trái phiếu có ảnh hưởng như thế nào đối với các hoạt động của công ty? Đối với các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai, ban lãnh đạo có phương án thay đổi gì không?
Ông Nguyễn Hồ Nam: Thời gian qua nhiều thông tin trên thị trường gây hoang mang dư luận về trái phiếu doanh nghiệp.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có trao đổi thẳng thắn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là xu thế phải hướng đến, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế. Thời gian qua khung pháp lý chưa được hoàn thiện nên có những trường hợp con sâu làm rầu nồi canh. Sắp tới, không phải siết hay huỷ diệt thị trường trái phiếu mà là tạo ra khung pháp lý để việc phát hành trái phiếu được an toàn hơn, quản lý tốt hơn, bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp.
BCG có phát hành trái phiếu trung và dài hạn để huy động nguồn vốn triển khai các dự án, chủ yếu là dự án năng lượng (chiếm 80-90%) và một phần BĐS. Đồng vốn đều được đưa vào các dự án có hiệu quả, có dòng tiền tốt.
Khi phát hành, chúng tôi đều sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp là các CTCK để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Thời gian tới, khung pháp lý mới về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, các doanh nghiệp trong đó có BCG đều sẽ phải tuân thủ các quy định mới.
Về mặt quản lý rủi ro, tổng tài sản của tập đoàn hiện đạt trên 40.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có hơn 8.000 tỷ đồng thì việc phát hành TPDN trị giá 9.000 tỷ đồng về mặt cơ cấu là rất an toàn. Trong quá khứ BCG phát triển rất nhanh, việc huy động nguồn vốn mọi kênh để phát triển dự án, đến 2020 các dự án được đưa vào hoạt động đúng tiến độ, hiệu quả và thần tốc.
Chúng tôi ý thức được rằng cần hạ bớt tỷ lệ nợ/vốn nên 2021 đã giảm 7,4 xuống 3,5 lần. Đến hôm nay tỷ lệ này của chúng ta chỉ còn 2,7 lần. Theo kế hoạch của HĐQT trong năm 2022 sẽ đưa tỷ lệ này xuống dưới 2 để trở thành một tập đoàn có cơ cấu nợ ổn định, bền vững.
Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch mảng BĐS nghỉ dưỡng ngoài Bamboo Capital ở Quảng Nam và Bình Định, tập đoàn có tham vọng tiếp tục mở rộng trong thời gian tới hay không?
Ông Nguyễn Thanh Hùng: Đối với danh mục đầu tư của BCG Land hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phát triển một loạt dự án như dự án ở TP Gia Nghĩa (Đăk Nông) và đang đề xuất quy hoạch khu nghỉ dưỡng ở hồ Đạ Tẻ 800 ha và quy hoạch 1 số dự án khác ở Long An, Sóc Trăng.
Lộ trình 2022 đến 2025, ngoài việc tập trung BĐS nghỉ dưỡng còn tạo ra quỹ đất để phát triển các loại hình khác để phân bổ đồng đều hơn như khu đô thị quy mô lớn hoặc mảng BĐS KCN. Hiện nay dự án KCN Cát Trinh (tỉnh Bình Định) chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành việc đầu tư trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các KCN tại TP Tân An (Long An), các KCN tại tỉnh Bến Tre.
Dự án Malibu Hội An đã bàn giao đến đâu? Bao giờ bàn giao shophouse ở Hội An D’or?
Ông Nguyễn Hồ Nam: Dự kiến trong tháng 7 này chúng ta sẽ hoàn thiện phần khách sạn và bàn giao cho đơn vị vận hành để đưa vào hoạt động, phù hợp thời điểm phục hồi du lịch sau đại dịch. Tôi hi vọng dự án sẽ có kết quả khả quan.
Việc bán hàng tại Dự án Malibu đã hoàn tất, khi mở cửa triển khai vận hành cũng là thời điểm ghi nhận doanh thu và lợi nhuận về mặt kế toán. Trước đây chúng ta toàn ghi nhận vào khoản mục phải trả thì nay chuyển thành doanh thu và lợi nhuận. 90 căn villa của Malibu, chúng ta bắt đầu công tác bán hàng trong 1-2 tháng tới.
Dự án Hội An D’or đã bán 90% shophouse, thành công ngoài mong đợi. Chúng ta dự kiến làm các event bán hàng nhưng vì vị trí rất chiến lược nên chưa tổ chức sự kiện nào đã bán được gần hết hàng nên Công ty sẽ đẩy nhanh công tác thi công để bàn giao. Dự kiến 18 tháng tới sẽ bàn giao.
Chúng ta có thể mở cửa trước để kinh doanh phần shophouse ngay trong năm nay. Đây là dự án tại địa điểm đặc thù với lượng du khách trong điều kiện bình thường là 7 triệu khách/tháng. Vừa qua, Hội An D’or tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhân sự kiện kích hoạt du lịch Hội An, có hơn 6.000 du khách tham gia.
Quy hoạch điện 8 đã rõ ràng hơn, BCG có kế hoạch gì mới với các dự án điện gió và điện mặt trời không?
Ông Phạm Minh Tuấn: Cuối tháng 4 có tin vui là Hội đồng thẩm định năng lượng quốc gia đã phê duyệt dự thảo Quy hoạch điện 8. Theo bản dự thảo này, Chính phủ tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, nâng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trên tổng nguồn phát.
Với sự phát triển nhanh của các dự án năng lượng mặt trời, hiện tại Chính phủ dừng phát triển năng lượng mặt trời, các dự án sẽ được rà soát hàng năm; tuy nhiên điện áp mái tiếp tục được khuyến khích. Chúng ta sẽ phát triển 500MW các dự án điện áp mái trong thời gian tới và kỳ vọng tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi, Chính phủ sẽ tiếp tục cho phép phát triển các dự án điện mặt trời về điện gió, Tập đoàn đang thương thảo hợp đồng EPC dự án Khai Long 1, và tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý với dự án Khai Long 2 và 3. Kế hoạch không có gì thay đổi.