ĐHĐCĐ 2024 MSB: Chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu, sự cố gần đây không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - sàn HOSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 và thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB phát biểu tại ĐHCĐ 2024 Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB phát biểu tại ĐHCĐ 2024

Trong phần chất vấn, trước câu hỏi của cổ đông liên quan đến sự việc khách hàng mất tiền tại MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết: “Đây là cơ hội để Ban Lãnh đạo MSB giải trình với các cổ đông và khách hàng. Ngân hàng phát hiện ra sự việc, chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng làm rõ và sẽ tôn trọng quyền phán quyết của cơ quan pháp luật”.

Hàng năm, các ngân hàng đều có khoản dự phòng để xử lý các vấn đề liên quan đến rủi ro. Có những vấn đề không chỉ đến từ khách quan mà còn có sự chủ động và các ngân hàng đều mất một khoản tiền lớn để xử lý vấn đề này.

“MSB nói riêng và các ngân hàng nói chung đều phải chịu chi phí cho những chủ ý từ phía khách hàng”, ông Linh nói và nhấn mạnh thêm, những khách hàng chân chính tham gia các giao dịch, dịch vụ tiền gửi của MSB đều được đảm bảo quyền lợi. Sự việc xảy ra vừa qua không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Ngân hàng.

“Số dư tiền gửi của Ngân hàng vào tháng 1/2024 là trên 58.000 tỷ đồng, tháng 2 là 60.000 tỷ đồng và gần đây nhất là 62.000 tỷ đồng. Các số liệu cho thấy, sự cố gần đây không ảnh hưởng đến hoạt động của MSB”, ông Linh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng An, Phó chủ tịch HĐQT MSB nhấn mạnh: "Không riêng MSB mà các ngân hàng nói chung, khi cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, các khách hàng sẽ được ngân hàng thanh toán đầy đủ mọi quyền lợi. Còn khi khách hàng cấu kết với nhân viên ngân hàng để lợi dụng kiếm tiền của ngân hàng, ngân hàng không những không có trách nhiệm mà thậm chí có thể khách hàng còn bị truy tố.

Nếu lỗi của Ngân hàng, Ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm”.

Đối với phương án tìm cổ đông chiến lược nước ngoài, Tổng giám đốc MSB cho biết, Ngân hàng vẫn để ngỏ phương án này trong năm 2024 bởi các cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp MSB quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng thông tin, phần phí trả trước (upfront fee) sau khi MSB ký hợp đồng với Prudential đã ghi nhận hết trong năm 2023.

Năm 2024, Ngân hàng sẽ tăng vốn từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Số lượng cổ phiếu tối đa phát hành thêm là 600 triệu, kế hoạch và thời gian triển khai cụ thể sẽ xin ý kiến cổ đông giao MSB thực hiện, tùy theo diễn biến thị trường và tình hình kinh doanh của MSB.

“Bên cạnh nâng cao bộ đệm rủi ro, việc tăng vốn còn tạo thêm nguồn lực thúc đẩy mạnh hơn tiến trình số hóa cũng như các dự án phục vụ chiến lược phát triển bền vững trong hành trình xanh hóa ngân hàng”, Đại diện MSB cho biết.

Trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, MSB đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 18% (tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ). Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát việc kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.

Về định hướng năm 2024, ngân hàng chú trọng hoạt động quản lý và đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn chi phí thấp thông qua việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn và các nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.

Về phát triển bền vững, MSB định hướng tiên phong phát triển đa dạng sản phẩm và danh mục khách hàng, dự án tài chính xanh, tài chính bền vững cho cả hai cấu phần tài sản nợ - tài sản có, phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ quốc tế tốt nhất.

Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng tài trợ cho khách hàng lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Đây là cơ sở quan trọng để MSB thu hút nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đa dạng hóa nguồn thu nhập, tiếp tục đẩy mạnh tăng thu nhập từ phí dịch vụ thông qua các giải pháp bán chéo, tận dụng hệ sinh thái của đối tác tài chính…, đồng thời tối ưu vị thế dẫn đầu của MSB về các hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 23/4, cổ phiếu MSB tăng 1,1% lên 13.700 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 3,44 triệu đơn vị.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục