ĐHCĐ VSH: “nóng” vì bất thường

(ĐTCK-online) Hiện chưa đàm phán được giá bán điện năm 2010 và 2011 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) vẫn dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2011 vào ngày 2/12 tới sau nhiều lần trì hoãn.
ĐHCĐ VSH: “nóng” vì bất thường

Cổ đông đang nghi ngại về khả năng thành công của kỳ ĐHCĐ "có một không hai" này khi họ không biết kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2010 và 2011 trình ĐHCĐ được VSH xây dựng trên cơ sở nào bởi phương án giá điện vẫn chưa được chốt?

 

Nhiều điều bất thường…

Chưa đầy một tháng nữa, ĐHCĐ của VSH mới diễn ra, nhưng bức xúc của cổ đông đã "nóng" ngay từ thời điểm này. Theo một số cổ đông, ĐHCĐ của VSH quá… bất thường bởi nhiều lẽ: gần hết năm mà chưa thể tiến hành; đến nay vẫn chưa công bố tài liệu tới cổ đông và khi chưa đàm phán được giá bán điện, cơ sở nào để VSH trình chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức năm 2010 và 2011 để ĐHCĐ thảo luận trước khi thông qua.

Một NĐT cá nhân không giấu được bức xúc khi nói: "Không thể chấp nhận được khi đến thời điểm này VSH vẫn chưa chốt được giá bán điện cả cho năm 2010 và 2011. Không ít lần Công ty công bố hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan, mà gần đây nhất là 9 tháng năm 2011, VSH đạt 262 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với 201 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lãi như vậy, tại sao hai năm liên tục, VSH không ứng một đồng cổ tức nào? Thật đen đủi khi nắm giữ cổ phiếu này…".

"Vấn đề là lợi nhuận trên được tính trên cơ sở nào? Tôi đã nhiều lần gọi điện thoại cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thanh và Tổng giám đốc Võ Thành Trung để hỏi cho rõ, nhưng không cách nào liên lạc được… Có gì khuất tất mà tại sao VSH lại có sự không minh bạch như vậy?", NĐT trên đặt câu hỏi.

 

… và 3 câu hỏi của NĐT tổ chức

Gắn bó với VSH khá lâu, đại diện một NĐT tổ chức cho biết, ít nhất có 3 câu hỏi gửi tới lãnh đạo VSH trước ĐHCĐ và nếu những thắc mắc này không sớm được giải đáp thoả đáng, thì sẽ tiếp tục chất vấn lãnh đạo VSH tại ĐHCĐ.

Thứ nhất, tại sao VSH lại cho EVN nợ tới 500 tỷ đồng trong nhiều năm qua, mà không có biện pháp thu nợ hiệu quả, trong khi Công ty đã phải huy động vốn qua nhiều kênh, trong đó có 3 lần tăng vốn để trang trải cho nhiều hoạt động, nhất là để triển khai Dự án Thủy điện thượng Kon Tum có tổng vốn đầu tư lên đến 5.744 tỷ đồng?

Thứ hai, được biết, lãnh đạo VSH, trong đó có 3 uỷ viên HĐQT độc lập trong quá trình đàm phán giá bán điện cho EVN đã chấp nhận phương án lùi, nghĩa là giá bán điện cho năm 2010 và 2011 tối thiểu bằng năm 2009 với mức 563 đồng/kWh, nhung lý do gì mà đến nay EVN vẫn chưa chấp thuận? Có thông tin VSH đã nhờ Bộ Công thương can thiệp để giải toả bế tắc trong quá trình đàm phán giá bán điện, nhưng kết quả ra sao?

Thứ ba, VSH có kế hoạch trả cổ tức không, nếu có thì cụ thể là bao nhiêu và được xây dựng trên cơ sở nào khi chưa đàm phán được giá bán điện?

Một vấn đề gây bức xúc cho NĐT tổ chức là xét trong mối quan hệ giữa quyền lợi của Nhà nước, Doanh nghiệp và cổ đông, thì quyền lợi của cổ đông đang quá thiệt. Thực tế, một trong những lý do quan trọng khi đưa ra quyết định giải ngân vào VSH là NĐT kỳ vọng khi Công ty dần hết khấu hao, lợi nhuận sẽ tăng lên. Thế nhưng, điều này đã thực sự bị "dội gáo nước lạnh" khi trong quá trình đàm phán giá bán điện, EVN đưa ra lý lẽ khó thuyết phục là cùng với việc dần hết khấu hao, VSH cần phải giảm giá điện… Đây là lý do EVN đòi giảm giá mua điện của VSH xuống còn hơn 400 đồng/kWh, trong khi mức giá thấp nhất mà VSH chấp nhận được là 563 đồng/kWh.

Theo phân tích của NĐT tổ chức trên, thì đòi hòi của EVN không hợp lý, chẳng khác nào đẩy VSH, NĐT vào chỗ chết. Thực tế, quyền lợi của Nhà nước trong quá trình cổ phần hoá VSH đã được đảm bảo, khi ngay trong đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Nhà nước đã bán được cổ phần với giá cao, mang lại nguồn thặng dư vốn không nhỏ. Đó là chưa kể, phần vốn nhà nước do EVN làm đại diện đã dần được thoái theo từng giai đoạn với mức giá hời.

T.Văn
T.Văn

Tin cùng chuyên mục