ĐHCĐ Vicem Hà Tiên (HT1): Quý I báo lỗ 9 tỷ, cổ đông nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu 184 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHCĐ năm 2025 của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) đã thông qua đặt mục tiêu kinh doanh với tổng doanh thu hơn 7.162 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 4% so với thực hiện 2024; trong khi lãi sau thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) tới 184 tỷ đồng, tăng gần 211%.
ĐHCĐ Vicem Hà Tiên (HT1): Quý I báo lỗ 9 tỷ, cổ đông nghi ngờ tính khả thi của mục tiêu 184 tỷ đồng

Ngoài ra, Công ty đặt chỉ tiêu sản xuất xi măng và clinker hơn 10 triệu tấn, mục tiêu tiêu thụ gần 6,4 triệu tấn, tăng lần lượt hơn 7% và 5% so với thực hiện 2024.

Công ty nhận định, năm 2025, ngành xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, thị trường dự báo tiếp tục mất cân đối do cung vẫn vượt cầu; xuất khẩu cũng sẽ gặp nhiều thách thức do nhu cầu thế giới giảm, xu hướng bảo hộ ngành sản xuất trong nước của các quốc gia và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng ngày càng gia tăng.

Phần thảo luận do ban chủ toạ giải đáp:

Báo cáo của HT1 cho thấy nguồn cung xi măng vẫn dư thừa nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp, vì sao ban lãnh đạo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho năm 2025, trong khi quý I báo lỗ 9 tỷ đồng?

Ông Đinh Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT: Quá trình xây dựng kế hoạch cho năm 2025 đã được rà soát kỹ lưỡng, dựa trên việc đánh giá toàn diện năng lực nội tại, phân tích thực trạng hoạt động hiện tại, cùng với việc nghiên cứu xu hướng thị trường và dự báo những biến động có thể xảy ra. Từ đó, kế hoạch được thiết lập gắn liền với các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo khả năng triển khai thực tế.

Mặc dù mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là đầy thách thức, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Tổng giám đốc: Quý I/2025 lỗ sau thuế 9,7 tỷ đồng, tuy nhiên đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 25 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Riêng lợi nhuận tháng 3 đã đạt 51 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực.

Một yếu tố hỗ trợ quan trọng là thị trường phía Nam đang thiếu clinker do giá xuất khẩu tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nội địa. Nhờ vậy, sản lượng xi măng quý I của Hà Tiên tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5 và 6, sản lượng dự kiến đạt 1,72 triệu tấn – mức tăng mạnh giúp tối ưu chi phí cố định.

Song song với đó, khối sản xuất của Công ty cũng đã cắt giảm đáng kể chi phí trong tháng 3, qua đó tạo đà tăng trưởng lợi nhuận. Công ty kỳ vọng lợi nhuận quý III sẽ đạt khoảng 123 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi tháng khoảng hơn 40 tỷ. Với đà này, ban lãnh đạo tin tưởng mục tiêu 980 tỷ đồng lợi nhuận cả năm là khả thi.

Ông Đinh Quang Dũng nhấn mạnh thêm, sản xuất xi măng mang tính thời vụ, quý I thường ghi nhận kết quả thấp hơn do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Theo đó, sản lượng, tiêu thụ và hiệu quả hoạt động trong quý đầu năm thường không cao bằng các quý khác. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được kỳ vọng sẽ bù đắp vào các quý hoặc mùa cao điểm xây dựng trong năm. Đây là một đặc điểm thường thấy mà các cổ đông quan tâm ngành cần lưu ý.

Việc Mỹ áp thuế phòng vệ thương mại lên một số mặt hàng xây dựng liệu có ảnh hưởng đến ngành xi măng Việt Nam, và doanh nghiệp đã có những giải pháp gì để phòng ngừa rủi ro từ chính sách thuế quan quốc tế này?

Ông Đinh Quang Dũng: Việc Mỹ quay trở lại với chính sách bảo hộ thương mại, điển hình là gia tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến ngành xi măng, dù không trực tiếp. Mặc dù doanh nghiệp không xuất khẩu xi măng sang Mỹ và sản lượng xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng áp lực cạnh tranh gia tăng từ nguồn xi măng giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn sang khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Ngoài ra, việc khó xuất khẩu khiến một lượng lớn xi măng quay trở lại tiêu thụ nội địa, làm gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Tác động lên chi phí sản xuất được đánh giá là không lớn, nhưng vẫn cần lưu ý. Một số thiết bị, phụ tùng hoặc nguyên liệu nhập khẩu có thể chịu ảnh hưởng từ biến động chuỗi cung ứng toàn cầu, gây tăng giá hoặc chậm trễ nguồn hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu những vật tư này trong cơ cấu chi phí là không cao và doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, dự phòng từ trước.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, chiến lược của doanh nghiệp là tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa, được kỳ vọng tăng trưởng nhờ các dự án đầu tư công quy mô lớn như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Ban điều hành cũng đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, bao gồm kiểm soát chi phí, mở rộng thị phần trong nước và điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt theo biến động cung cầu.

Trước áp lực dư cung trong nước, liệu doanh nghiệp có tính đến phương án đẩy mạnh xuất khẩu xi măng như một giải pháp cân bằng thị trường và giảm tải cho tiêu thụ nội địa?

Ông Đinh Quang Dũng: Hoạt động xuất khẩu hiện chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng và không phải là chiến lược trọng tâm. Doanh nghiệp xác định thị trường xuất khẩu chỉ mang tính phụ trợ, hỗ trợ cân đối cung cầu khi cần thiết, trong khi trọng tâm vẫn là duy trì và mở rộng thị phần trong nước.

Thị trường nội địa vẫn là thị trường truyền thống, nơi doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, mạng lưới phân phối vững chắc và đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Hiện tại, hàm lượng CO2 trong quá trình sản xuất xi măng đã được kiểm soát đến đâu? Tại Vicem Hà Tiên, giải pháp đốt rác thay cho than đá đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả. Việc đốt rác như vậy giúp giảm bao nhiêu chi phí cho mỗi tấn xi măng sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Lập, Thành viên HĐQT: Hiện nay, tất cả các sản phẩm xi măng của Vicem Hà Tiên đều ghi nhận mức phát thải dưới 600 kg CO2 cho mỗi tấn xi măng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang triển khai lộ trình thu hồi khí CO2 từ khí thải trong sản xuất. Cụ thể, Công ty đã bắt đầu tại nhà máy Bình Phước, và sắp tới nhà máy Kiên Lương cũng sẽ được đưa vào lộ trình này. Lượng CO2 thu hồi sẽ được hóa lỏng và cung cấp cho một đơn vị bên ngoài. Toàn bộ kế hoạch này đang được Vicem Hà Tiên trình lên Tổng công ty VICEM để xin chủ trương triển khai các bước tiếp theo trong giai đoạn chuyển đổi xanh.

Về vấn đề nhiên liệu thay thế đốt rác, tại nhà máy Bình Phước, hiện tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế đã đạt 40%, bao gồm các loại rác thải công nghiệp như da, vải, bùn thải,... Trong khi đó, nhà máy Kiên Lương đã triển khai ở mức 20%. Theo tính toán, cứ mỗi 1% nhiên liệu thay thế được áp dụng, doanh nghiệp tiết kiệm được từ 3.000 đến 5.000 đồng/tấn xi măng.

Như vậy, với mức 40% hiện tại tại nhà máy Bình Phước, chi phí tiết kiệm ước đạt từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn, tính trên tổng công suất nhà máy Bình Phước đạt khoảng 2,1 triệu tấn/năm, còn Kiên Lương khoảng 1,5 triệu tấn/năm.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục