Đây là chia sẻ của ông Võ Quốc Khánh, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTC Land tại Đại hội cổ đông sáng nay (25/4).
Ông Khánh cho biết, ngành bất động sản đang có nhiều thông tin không tích cực tác động tới tâm lý nhà đầu tư, với người trực tiếp triển khai, làm cho mọi người nghĩ rằng, bất động sản là phân lô bán nền, là đầu cơ hớt váng. “Chúng tôi khác, không muốn làm chụp giựt, mà phát triển đường dài, sẽ tham gia đầu tư hạ tầng cùng Tập đoàn Đèo cả”, ông Khánh nói
Hiện nay quy hoạch hạ tầng đã rõ, hợp tác cùng Đèo Cả phối hợp để triển khai các Dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tiếp tục mở rộng quỹ đất mới để kết nối với sự phát triển của hạ tầng giao thông, triển khai các nền tảng bất động sản tiện ích, bất động sản dịch vụ, nâng tầm chất lượng sống, tạo ra các không gian sống văn minh hiện đại. TTC Land sẽ phát triển quỹ đất trên nền tảng đã có và tiếp tục phát triển thêm dựa trên định hướng này, ông Khánh nói.
Năm 2022, TTC Land đặt mục tiêu kinh doanh 2.135 tỷ đồng doanh thu thuần và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 27% và 24% so với thực hiện năm 2021.
Kết thúc quý I, TTC Land ghi nhận doanh thu 395 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, gấp đôi so với quý I/2021, đạt khoảng 25% kế hoạch.
TTC Land sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án như Panomax, Tamashi, Selavia, Jamona Heights, Charmington Iris… và nâng cao tỷ lệ lấp đầy tại các sàn như: STM TTC Plaza Đức Trọng, Belleza, Jamona Heights.
Đồng thời, Công ty tìm kiếm khách cho thuê tại các dự án mới như: STM Tân Sơn Nhất; STM Tamashi Đà Nẵng.
TTC Land cũng tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án đang triển khai để đưa vào kinh doanh, xây dựng và chuẩn bị cho các năm tiếp theo như: Panomax, Charmington Dragonic, TTC Plaza Đức Trọng, Chamington Tamashi, Jamona Golf & life, Charmington Iris, Charmington Tân Sơn Nhất.
Trong năm 2022, TTC Land dự kiến tăng vốn từ 3.664 tỷ đồng lên 4.653 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty trả cổ tức 8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện quyền 25:02, tương ứng phát hành thêm 29,3 triệu cổ phiếu;
Phát hành gần 51,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 14%, giá chào bán 14.000 đồng/cp. Dự kiến phát hành trong năm 2022. Kế hoạch sử dụng vốn chi tiết uỷ quyền cho HĐQT quyết định và chủ động điều chỉnh khi cần thiết.
Và phát hành cổ phiếu ESOP 5%, tương ứng phát hành thêm 18,32 triệu cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/cp (dựa trên giá trị sổ sách cuối năm 2021 là 13.738 đồng/cp), hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Chia sẻ tổng quan, lãnh đạo TTC Land cho biết, nguồn thu từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư cho các dự án hiện hữu của công ty như Panomax River Villa, Charmington Tamashi… cũng như tìm kiếm phát triển những dự án mới thuộc các khu đô thị vệ tinh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Tây Ninh hoặc những nơi cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ như Phú Quốc, Bình Thuận…
Trong ĐHCĐ lần này cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.
Ngày 4/4/2022, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thùy Vân đã có đơn từ nhiệm với lý do theo nguyện vọng cá nhân.
Theo đó, Đại hội đã tiến hành bầu nhân sự thay thế. Kết quả, bà Huỳnh Bích Ngọc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT; ông Đặng Hồng Anh giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT và ông Võ Quốc Khánh tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc TTC Land.
Việc trở lại của bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Hồng Anh được kỳ vọng sẽ mang lại sự chuyển mình mạnh mẽ của TTC Land, tăng cường chiến lược phát triển đến 2025.
Thảo luận tại đại hội:
Ông Võ Quốc Khánh, đại diện ban Chủ toạ đã trả lời những thắc mắc của các cổ đông.
Tổng quỹ đất công ty đang sở hữu bao nhiêu, qua công ty con liên kết là bao nhiêu?
Tổng quỹ đất là 320 ha, bao gồm thị trường TP.Hồ Chí Minh ở các quận trung tâm 4 ha, Biên Hoà 180 ha, Củ Chi 13 ha, Long An 40 ha, Phú Quốc đang thực hiện đầu tư và hoàn thiện thiện pháp lý lý cho dự án 90 ha.
Bên cạnh đó, ở Bảo Lộc, Bình Dương, và một số quỹ đất quanh Hồ Chí Minh đang nghiên cứu quỹ đất tương đối lớn, thông qua hợp tác với Đèo Cả, tập trung bám sát vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đón đầu các dự án cao tốc và hạ tầng trọng điểm kết nối với quỹ đất.
Dự án Selavia Phú Quốc thì TTC Land có sở hữu cổ phần không?
Dự án thuộc sở hữu cổ phần của Tập đoàn mẹ, riêng TTC Land là đơn vị phát triển, phân phối và hợp tác đầu tư dự án này. TTC Land sẽ được cộng hưởng lợi ích, hiệu quả từ dự án.
Siết tín dụng và trái phiếu ảnh hưởng gì đến hoạt động TTC Land?
Đây là tình hình chung, thời gian vừa rồi có nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này. Tuần trước tôi có ra Hà Nội gặp mặt các đối tác tín dụng và tham vấn, lắng nghe ý kiến của một số đối tác, cơ quan quản lý thì được biết đây là động thái làm trong sạch thị trường và giúp ngành BĐS phát triển lành mạnh.
Theo đó, việc siết chỉ với các khoản vay không đúng, sai mục đích, còn nếu làm đúng, làm thực, vào các dự án khả thi, thì có cơ hội, dĩ nhiên, cũng có khó khăn hơn nhưng TTC Land đủ sức thuyết phục đối tác và tổ chức tín dụng.
Công ty có kế hoạch M&A dự án Khu phức hợp Selavia không?
Công ty đang làm việc với lãnh đạo tập đoàn để từng bước M&A và hợp tác dự án này. Tôi là CEO dự án này 14 năm, từ những ngày đầu, đây là 1 trong 5 dự án lớn nhất tại Phú Quốc, Tập đoàn đã triển khai hơn 12 năm. Dự án gần như đã hoàn tất pháp lý và đền bù, đang dồn sức xây dựng để sớm ra mắt. Dự kiến đến cuối quý II này, nhiều thông tin về dự án sẽ được công bố.
Bên cạnh đó, các công ty khác trong tập đoàn cũng sở hữu một số dự án, đã thành hình, thì công ty cũng sẽ thực hiện hợp tác kinh doanh, M&A, phân phối.
Kế hoạch kinh doanh 2022 có khả thi trong bối cảnh không thuận lợi lắm cho ngành bất động sản. Chia sẻ chiến lược tăng trưởng 3 năm tới ra sao?
Ngành nào cũng có lúc thuận lúc thách thức. Kế hoạch của TTC Land thì đã được cân nhắc kĩ và nỗ lực thực hiện.
Doanh thu năm nay sẽ đến từ việc bàn giao và ghi nhận dự án Carillon 7, Panomax, và một phần từ hợp tác kinh doanh, phân phối dự án Selavia Phú Quốc.
Trong năm nay, Công ty mở bán các dự án đã lo xong pháp lý, chào bán thêm các dự án liên kết trong tập đoàn, M&A và thực hiện phân phối.
Trong 3 năm tới, cần nhắc đến vấn đề khó khăn nhất của bất động sản vẫn là pháp lý. Dòng vốn trong mọi tình huống luôn nằm ở đó, không ở ngành này sẽ ở ngành khác, không vào trực tiếp sẽ vào gián tiếp, việc này có khó khăn nhưng không đáng lo. Những chính sách có thay đổi nhất định, câu chuyện đúng - sai khó nói, nhưng có những biến chuyển tương đối bất ngờ - là khó khăn nhất cho ngành bất động sản.
Đối với TTC Land, Công ty sẽ làm các dự án đủ lớn. Trong đó, có 2 yếu tố quan trọng khi phát triển quỹ đất là pháp lý và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì TTC Land có quan điểm định hướng là “làm đúng ngay từ đầu, bởi với ngành bất động sản ta cần phải làm vậy, sai rồi là không quay lại được”.
Bởi vậy, TTC Land phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, định hình lại sản phẩm, định hình nguồn cung… tránh giật cục, thắng 1 dự án thì tăng rất cao, nhưng kẹt 1 dự án thì đi xuống dốc. Bởi vậy, khi lựa chọn đối tác và phát triển quỹ đất phải đi từ đầu, thậm chí đi từ nghiên cứu quy hoạch hạ tầng, theo sát định hướng của Nhà nước.
Với dự án đang có mà pháp lý dở dang, TTC Land sẽ dồn sức giải quyết dứt điểm trong năm nay và năm sau. TTC Land cố gắng xử lý gọn câu chuyện cũ và ra hàng trong 1-2 năm tới.
Trong tổng quỹ đất 320 ha thì bao nhiêu là đất sạch?
Quỹ đất đã giải phóng mặt bằng khoảng 70% tổng diện tích, còn 60 - 70 ha dự án đang làm tại Phú Quốc thì còn phải giải phóng mặt bằng. Một số dự án đã triển khai xây dựng hạ tầng đã và đang làm 1/500, một số ra hàng năm nay.