ĐHCĐ TNG: Đầu tư sản xuất vải, mở rộng sang hàng y tế

(ĐTCK) Sáng 17/5, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại (TNG) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Cổ đông đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc hạ giá vốn, mở rộng ngành hàng và kế hoạch đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh.
ĐHCĐ TNG: Đầu tư sản xuất vải, mở rộng sang hàng y tế

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, toàn bộ các đơn hàng tồn trong quý I sẽ được bàn giao hết trong tháng 5-6. Cho đến thời điểm này, TNG chưa phải sử dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Riêng doanh thu hàng khẩu trang cho đến thời điểm này đã đem lại cho TNG 100 tỷ đồng, biên lợi nhuận ở ngành hàng này cao gấp đôi so với hàng gia công cho đối tác nước ngoài.

Hiện các đơn hàng khẩu trang xuất khẩu của Công ty đã vượt quá năng lực sản xuất và Công ty phải thực hiện gia công một phần với các đối tác bên ngoài. TNG cũng đang tiến hành thủ tục đăng ký tiêu chuẩn đồ bảo hộ y tế và khẩu trang theo tiêu chuẩn Mỹ để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2020, TNG tiếp tục đầu tư một số dự án lớn như giai đoạn 1 nhà máy Võ Nhai (vừa đưa vào hoạt động từ 7/4/2020), cụm khu công nghiệp Sơn Cẩm, máy móc sản xuất khẩu trang, và đặc biệt đầu tư máy sản xuất vải sử dụng trong đồ bảo hộ y tế xuất khẩu.

TNG thông qua phương án phát hành 16.133.319 cổ phần, trong đó phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 là 5,2 triệu cổ phần, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động 3,5 triệu cổ phần; chào bán cho cổ đông hiện hữu 7,39 triệu cổ phần. Giá không thấp hơn mệnh giá.

ĐHCĐ TNG: Đầu tư sản xuất vải, mở rộng sang hàng y tế ảnh 1

Công ty cũng dự kiến thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ 300 tỷ đồng để tăng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2019, TNG chia cổ tức 16%, trong đó 8% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu. Năm 2020, Công ty dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức 16%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc TNG có dự kiến mua cổ phiếu quỹ nữa hay không, ông Thời cho biết, hiện giá cổ phiếu TNG đã hồi phục trên 13.000 đồng/cổ phần nên Công ty không có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ mà sẽ tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.

Công ty có chuyển nhượng Dự án Khu công nghiệp Sơn Cẩm hay chuyển nhượng luôn để hiện thực lợi nhuận? Ông Thời cho biết, dự án này có tiềm năng nên TNG sẽ tự triển khai.

Trước mối quan tâm của nhà đầu tư về việc TNG cần hạ chi phí vốn xuống thấp hơn hiện nay, Chủ tịch Công ty cho biết, so với một số đơn vị trong ngành như MSH, chi phí vốn của TNG đang cao hơn và Công ty đặt mục tiêu năm nay phải hạ xuống mức 80%. Nếu tỷ trọng hàng ODM từ hàng khẩu trang và đồ may y tế tăng lên, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, thậm chí còn thấp hơn 80%.

TNG cũng thừa nhận không thành công trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng thời trang và dự kiến sẽ thu hẹp mảng này, chủ yếu bán hàng qua kênh bán buôn.

Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu 4.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 230 tỷ đồng.

TNG đặt mục tiêu sẽ cán mốc doanh thu tỷ USD trong vòng từ 7-10 năm tới.

Ông Trần Đình Thông, nhà đầu tư đã mua vào số lượng lớn cổ phiếu TNG chiếm hơn 6% vốn của Công ty trong đợt đại dịch vừa rồi đã được bầu vào HĐQT của TNG nhiệm kỳ 2020-2025.

Anh Việt - Dũng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục