Đại hội thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng (tương đương năm 2022); lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng (tăng 2,73% so với năm trước); dự kiến chi trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông tối thiểu 16% (trong đó, 8% cổ phiếu, 8% tiền mặt).
Để đạt được những mục tiêu này, TNG tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm may xuất khẩu cho khách hàng có thương hiệu là những nhà bán lẻ lớn trên thế giới và các hãng thời trang có thương hiệu, uy tín (Deathcalon, Nike, ANF, Adidas, Tomtailor...); tập trung triển khai các dự án nghiên cứu chế tạo sản phẩm phục vụ tự động hóa lĩnh vực may mặc; cung cấp, ký kết các hợp đồng phần mềm; tập trung thúc đẩy hoạt động bán và cho thuê đất tại Cụm công nghiệp Sơn Cẩm...
Cổ đông biểu quyết các nội dung tại đại hội |
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 1.051 tỷ đồng lên 1.445 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 32,25 triệu cổ phiếu.
Việc phát hành dự kiến được thực hiện thông qua 3 hình thức: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tối đa 8,40 triệu cổ phiếu); phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tối đa 11,35 triệu cổ phiếu) và phát hành riêng lẻ (tối đa 12,48 triệu cổ phiếu).
Đối với việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, việc chi trả cổ tức sẽ được thực hiện với tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 8 cổ phiếu TNG mới. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 - 3/2023.
Đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán cổ phiếu được dệt may TNG xác định ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện 10:1, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu TNG mới.
Nhằm huy động vốn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, TNG dự kiến phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu.
Quý 1/2023, trước bối cảnh nhiều khó khăn dệt may TNG vẫn ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu thuần đạt 1.335 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 40 tỷ đồng, tăng 5%. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận và thiếu đơn hàng.
Thảo luận tại đại hội:
Xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất của các Tập đoàn lớn trên thế giới sang Trung Mỹ, châu Phi có ảnh hưởng gì tới TNG không, giải pháp ứng phó của Công ty?
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, đầu tư máy móc thiết bị phụ trợ hiện đại, có năng lực cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do, việc di chuyển chuỗi sản xuất mới chỉ ở những sản phẩm đơn giản, mức độ gia nhập cạnh tranh thấp. TNG có năng lực làm hàng phức tạp, hàng khó, hàng cạnh tranh sức cạnh tranh tốt, được nhiều thương hiệu lớn lựa chọn.
Nếu lãi suất trái phiếu cao, Công ty có phát hành. Giải pháp về nguồn vốn nếu không phát hành được trái phiếu?
Chúng tôi sẽ huy động vốn với lãi suất phù hợp, nếu lãi suất cao hơn ngân hàng TNG cũng không phát hành làm gì. Hiện nhu cầu vốn của Công ty cần 371 tỷ đồng để cân đối tài chính. Chúng tôi thực hiện song song nhiều giải pháp về vốn bao gồm cả phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang thương thảo việc cho thuê dự án công nghiệp Sơn Cẩm, nếu thành công có thể thu về tầm 300 tỷ đồng.
Việc cho thuê đất tại Sơn Cẩm nếu thành công có thể đem lại thêm bao nhiêu lợi nhuận cho Công ty?
Hiện chúng tôi đang đàm phán với 2 nhà đầu tư nước ngoài vào thuê đất lĩnh vực dệt, nhuộm. Nếu thành công, tỷ suất lợi nhuận có thể đạt khoảng 10%. Phần này chúng tôi không đưa vào kế hoạch lợi nhuận năm 2023 do chưa chốt xong với khách hàng.