ĐHCĐ thường niên Công viên nước Đầm Sen (DSN): Đưa ra 2 kịch bản cho năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 3/2, Công ty cổ phần Công viên nước Đầm sen - Daseco (mã DSN - HOSE) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, tiếp tục câu chuyện cũ về gia hạn đất và lên kế hoạch tăng trưởng năm 2021.
ĐHCĐ thường niên Công viên nước Đầm Sen (DSN): Đưa ra 2 kịch bản cho năm 2021

Thiệt thòi lớn khi chờ quyết định gia hạn đất...

Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Daseco cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 Công ty chỉ đạt doanh thu 84,2 tỷ đồng, bằng 38% so với năm 2019 và chỉ hoàn thành 39,2% kế hoạch.

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu xuống dốc, vào cuối năm 2020, DSN đã quyết định đóng cửa Công viên khủng long sau 15 năm hoạt động do hết thời hạn thuê đất, các thiết bị công cụ thì quá hạn sử dụng, hư hỏng không thể phục hồi, tuy nhiên đây cũng là một trong những loại hình thu hút lượng lớn khách hàng nên sẽ phục hồi sớm nhất khi có điều kiện.

Một trong những ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất chính là vấn đề đơn giá đất năm 2020 tăng cao so với dự phòng (kể cả 2 năm trước đó) và gia hạn đất.

Daseco được Uỷ ban nhân dân TP.HCM cấp quyền sử dụng đất tại đường Bình Hoà, phường 3, quận 11 để xây dựng Công viên Văn hoá Đầm sen với thời hạn thuê đất là 15 năm (13/11/2003 - 02/07/2018).

Dù đã hết thời hạn hơn 2,5 năm nhưng đến nay Công ty vẫn chưa nhận được quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới từ Uỷ ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Kết quả là trong đợt dịch vừa rồi, Công ty không được hưởng chính sách ưu đãi cho đối tượng được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền đất và Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về trường hợp Công ty lấy được và thực hiện dự án dự án công viên đầm sen ở cuối đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TPHCM) sẽ đem lại nguồn thu từ người dân quanh khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn... (vì dân cư những quận này nay rất là đông), ông Hùng đã đưa ra 2 lý do.

Thứ nhất, khu vực đó là đất của nhà nước và hiện nay phải thuê đấu giá do đó Công ty không chủ động được. Thứ hai, đây cũng là một trong những ý định đã nằm trong kế hoạch dự phòng của Công ty. Thực tế, Công ty cũng đã tính đến rất nhiêu phương án tìm quỹ đất ở những khu vực khác chứ không chỉ riêng ở Gò Vấp.

“Tuy nhiên, là một đơn vị hoạt động lâu năm trên thị trường, chúng tôi không muốn tạo ra một cái bánh vẽ hay vạch ra những vấn đề khi chưa có gì đó nắm chắc trong tay”, ông Hùng nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi trong trường hợp xấu nhất là khu vực Công viên Đầm sen không được chấp thuận gia hạn, ông Hùng thẳng thắn nói: "Câu chuyện này vẫn đang là dấu chấm hỏi lớn, tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế (bao gồm lịch sử công ty, hoạt động kinh doanh, nhu cầu...) có thể thấy khả năng cao là khó có thể xảy ra".

Kế hoạch năm 2021

Hiện nay Công ty đang đầu tư vào các dự án, rót vốn vào Công ty cổ phần Thực phẩm Lotus Aroma (Alota) và Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học Lotus Aroma (LAABI), dù dịch covid-19 diễn ra khiến dự án bị chậm nhưng Công ty vẫn đang cố gắng hoàn thành tiến độ các giai đoạn.

Về mảng thực phẩm, trước mắt dự kiến đầu quý II/2021, Daseco sẽ đi vào sản xuất đại trà 2 dòng sản phẩm: nước cốt thanh long và rượu thanh long.

Còn đối với LAABI, DSN đang triển khai bước đầu, liên kết với Trung tâm sinh học công nghệ cao TPHCM nhằm tận dụng năng lực thiết bị hiện đại của Trung tâm và kinh nghiệm nghiên cứu. Đồng thời mở rộng liên kết với trường đại học Tôn Đức Thắng xây dựng phòng thí nghiệm do trường đảm nhận, nhưng đang bị chậm lại do vấn đề nội bộ của trường.

Mục tiêu của LAABI là phát triển nghiên cứu và ứng dụng các chủng loài vi sinh chất lượng cao theo tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản phục vụ cho: xử lý môi trường, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chế biến dược phẩm, xử lý rác thải, xử lý ô nhiễm nước...

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Hội đồng quản trị đã đưa ra 2 kịch bản và đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ biểu quyết 100%.

Cụ thể, ở kịch bản tích cực, DSN đặt kế hoạch 157 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Trong đó, Công viên nước Đầm Sen là 150 tỷ đồng, Thực phẩm Lotus Aroma 5 tỷ đồng, Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học LAABI là 2 tỷ đồng. Tổng nguồn tích lũy (gồm lãi trước thuế, khấu hao và phân bổ công cụ dụng cụ) trên doanh thu là 78,5 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu cho cổ đông là 36% vốn điều lệ.

Ở kịch bản tiêu cực (ngưng hoạt động do thiên tai, dịch bệnh), DSN lên kế hoạch đạt 97 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Trong đó, Công viên nước Đầm Sen là 90 tỷ đồng, Thực phẩm Lotus Aroma 5 tỷ đồng, Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học LAABI là 2 tỷ đồng. Tổng nguồn tích lũy 31,5 tỷ đồng. Cổ tức tối thiểu 15% vốn.

Cũng tại Đại hội, Công ty đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ chi trả cổ tức là 25% vốn điều lệ (tương ứng chi hơn 30,2 tỷ đồng), mặc dù các năm trước đều đặn chia cổ tức 50 - 60%.

Bên cạnh đó, xét tình hình doanh thu 2020 chỉ đạt 84,2 tỷ đồng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, HĐQT công ty đã trình điều chỉnh quỹ tiền lương cho người lao động năm 2020 từ 18% trên doanh thu thuần lên 23% (tức tăng từ 15,15 tỷ đồng lên 19,03 tỷ đồng), nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động an tâm làm việc, cũng đã được cổ đông thống nhất thông qua với tỷ lệ biểu quyết 100%.

Ngô Kiếm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục