Trong phần thảo luận, cổ đông đã dẫn những trường hợp sáp nhập trong hệ thống ngân hàng trước đó và nhìn nhận là không thành công nên đặt vấn đề: “Việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác vào MSB có vội quá hay không"?
Trả lời vấn đề này, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, nhìn vào việc sáp nhập trong những năm vừa qua với MDB cho thấy, MSB có những kinh nghiệm quản trị hoạt động, nên quá trình M&A sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như vấn đề xử lý nợ. HĐQT cũng như ban điều hành hoàn toàn rất thận trọng khi mà phải đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng nào đó.
“Trước mắt, sẽ xin ý kiến cổ đông rồi HĐQT sẽ tiếp tục đánh giá để đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả biểu quyết sẽ cho chúng ta thấy được ý kiến của các cổ đông lớn, tôi tin cổ đông lớn sẽ cân nhắc kỹ về vấn đề này”, ông Linh cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB báo cáo tại Đại hội |
Là cổ đông lớn của MSB, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT nói: "Vấn đề sáp nhập ngân hàng, HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cuối cùng cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của NHNN. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt. Việc đưa ra ĐHCĐ chỉ mới là bước xin chủ trương ban đầu. Đồng ý hay không đồng ý cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết".
Trước kế hoạch không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, không chỉ các cổ đông nhỏ lẻ, mà một cổ đông lớn đại diện khoản vốn 1.200 tỷ đồng đã đề nghị chia cổ tức năm 2022 và thậm chí là bằng tiền mặt, khi ngân hàng tiềm lực tài chính tốt.
Đại diện MSB phân trần, không phải Ngân hàng không chia cổ tức, phần lợi nhuận còn lại là giá trị của cổ đông và phần phân phối lại là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, Ngân hàng vừa tăng vốn mạnh và nếu bán được công ty tài chính trong năm nay, cổ đông sẽ có được mức cổ tức cao hơn.
Chủ tịch MSB trấn an: “Lợi nhuận vẫn là của chúng ta thôi. MSB sẽ thực hiện chia cổ tức. Việc chia bao nhiêu và vào thời điểm nào thì HĐQT đang cân nhắc tỷ lệ sao cho thực sự hấp dẫn, bởi đó là quyền lợi và tài sản của cổ đông. HĐQT sẽ cân nhắc và xin ý kiến cổ đông khi triển khai”.
Đối với trăn trở của cổ đông vì sao lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ thấp hơn các ngân hàng khác, đại diện MSB chia sẻ, hoạt động ngân hàng được giám sát rất chặt chẽ, minh bạch về chi phí vốn, đầu vào, đầu ra. NIM của MSB hiện từ 4 - 5% là rất cao so với mặt bằng chung hệ thống ngân hàng. MSB vừa hoạt động kinh doanh, song cũng cần quản trị rủi ro.
"Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời của MSB cũng không phải thấp so với vốn đầu tư. Hoạt động các ngân hàng là hoạt động bền vững, chúng ta cần nhìn hoạt động của ngân hàng ở chu kỳ dài. Diễn biến giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào khả năng sinh lời", lãnh đạo MSB nói.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Tổng giám đốc MSB thông tin, tổng tài sản Ngân hàng ước đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; Tín dụng tăng 13,17%; Cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; TOI tăng 19%; Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,5%; NIM ở mức cao so với mặt bằng đạt 5,1%.
Liên quan đến hạn mức tín dụng được cơ quan quản lý cấp cao nhất trong đợt đầu của năm 2023 nhưng MSB đã “kịch trần” ngay trong quý 1/2023, ông Linh cho biết, dư nợ cuối năm 2022 của Ngân hàng không quá lớn, do đó, tổng dư nợ mà MSB được tăng cũng không quá lớn. Cuối năm 2022, áp lực tăng trưởng tín dụng đã sẵn có, nên khi được cấp room thì cần phải giải ngân ngay. NHNN khi cấp hạn mức tín dụng cũng yêu cầu các ngân hàng được cấp tăng trưởng cao thì phải tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên thì NHNN mới xét tiếp nên không thể đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.
“Hiện nay, đã tăng trưởng 13,7% chạm hạn mức được giao. Trong thời gian tới, MSB sẽ tái cơ cấu danh mục, thu hồi lại các khoản nợ đến hạn để có tối đa hóa NIM. Đồng thời, MSB sẽ xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng”, ông Linh nói.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.