ĐHCĐ thường niên 2022 FECON (FCN): Đẩy mạnh mảng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HOSE) đã được tổ chức thành công.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần FECON diễn ra sáng 28/4. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần FECON diễn ra sáng 28/4.

Báo cáo trước Đại hội, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, trong năm 2021, FECON đã tập trung phát triển các mảng kinh doanh chính và đẩy mạnh các công tác quản trị tập trung...

Đồng thời từng bước thực hiện việc tái cấu trúc các công ty thành viên để tập trung nguồn lực và tăng cường năng lực cạnh tranh trong các phân khúc thị trường đã được lựa chọn.

Năm 2021, FECON đã thực hiện thành công việc phát hành 32 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và Công ty cổ phần Raito Kogyo, góp phần tăng vốn điều lệ của FECON từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng.

Tổng tài sản của FECON tại thời điểm kết thúc năm 2021 đạt 7.496 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận trong năm 2021 lần lượt là 3.484 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.

Theo ông Khoa, nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch đặt ra trước đó phần lớn đến từ hai lý do khách quan là đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng.

Do yếu tố dịch bệnh khiến nhiều dự án do FECON là nhà thầu thi công phải điều chỉnh triển khai chậm hơn so với kế hoạch trước đó như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2…

Đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021; việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng.

Đặc biệt bão giá vật liệu xây dựng nên hiệu quả các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 chỉ đạt 13,5%, thấp hơn các năm trước.

Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng vì những yếu tố trên, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.

Tuy gặp nhiều khó khăn, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2021 vẫn có sự tăng trưởng 10% so với năm 2020 với 3.484 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ tăng trưởng 21% với 2.418 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm.

ĐHCĐ FECON đã chốt phương án chi trả cổ tức tương ứng với mức 3% bằng tiền mặt.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON thay mặt HĐQT báo cáo trước Đại hội.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON thay mặt HĐQT báo cáo trước Đại hội.

Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%. Về phía Công ty mẹ, FECON dự kiến doanh thu đạt 3.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 67%.

Phương án chia cổ tức năm 2022 cũng được thông qua không quá 10% và dự kiến cũng được chi trả bằng tiền mặt.

Về tầm nhìn dài hạn, theo Ban điều hành FECON, năm 2022, FECON sẽ đẩy mạnh mảng đầu tư.

Việc Công ty cổ phần đầu tư FECON (FECON Invest) được thành lập là minh chứng cho quyết tâm tạo dựng một “hệ sinh thái” song song giữa thi công và đầu tư của FECON, nhằm tiến tới mục tiêu trở trành Nhà thầu, Nhà đầu tư uy tín sở hữu năng lực xuất sắc về nền móng và công trình ngầm. Công ty tiếp tục mảng đầu tư dự án năng lượng xanh, khu công nghiệp xanh và khu đô thị sinh thái.

Với việc Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do FECON Invest cùng liên danh Ecotech làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền, gồm 6 trụ turbine gió đã chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD) sau hơn 1 năm triển khai, sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm, đã đánh dấu cột mốc quan trọng, góp phần nối dài danh mục dự án đầu tư của FECON nói chung và các dự án năng lượng sạch nói riêng.

Điểm chung của các dự án FECON tham gia đầu tư là đều được phát triển vì mục tiêu ích nước lợi nhà, không chỉ góp phần phát triển doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Với mảng bất động sản đô thị, bất động sản khu công nghiệp, FECON đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến tới triển khai một loạt dự án tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Tháp…

Liên danh FECON đã trúng gói thầu xử lý nền móng đầu tiên thuộc siêu dự án Sân bay Long Thành. Tổng giá trị hợp đồng ký kết với chủ đầu tư - Tổng công ty hàng không ACV là 410 tỷ đồng. Đây là gói thầu quan trọng đầu tiên của FECON tại dự án này. Bằng việc chuẩn bị nguồn lực và năng lực thi công tốt nhất, FECON kỳ vọng đây sẽ là bước đệm giúp mang về thêm nhiều gói thầu mới từ siêu dự án trọng điểm này trong thời gian tới.

FECON cũng ghi nhận việc trúng 2 gói thầu xử lý nền và thi công cọc khoan nhồi tại siêu dự án Hoà Phát – Dung Quất với giá trị khoảng 232,7 tỷ đồng; trúng gói thầu thi công nền móng và hạ tầng đầu tiên tại một dự án nhiệt điện lớn tại khu vực phía Nam với tổng giá trị hợp đồng đạt 418 tỷ đồng…

Minh Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục