Ban lãnh đạo SGR nhận định, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng” hoặc “bong bóng” bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.
Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường bất động sản, là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người nhập cư tạo lập được nhà ở.
Với nhận định thị trường như trên, trong năm 2021, ngoài thị trường trọng tâm và truyền thống là TP.HCM với các dự án An Phú River View, An Phú Residences, và khu căn hộ - thương mại Phú Định Riverside, SGR sẽ triển khai thực hiện dự án Khu dân cư tại đường Phan Huy Chú, phường 2 (Vũng Tàu), dự án Khu đô thị sinh thái Việt Xanh (Hòa Bình), Khu nhà ở Văn Lâm (Bình Thuận).
Đồng thời, SGR tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư tại các tỉnh, thành phố có ngành du lịch và công nghiệp đang phát triển mạnh, thị trường bất động sản có nhiều triển vọng, thông qua các hình thức tự đầu tư, M&A, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư.
Ban lãnh đạo SGR cho rằng, trong thời gian tới các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước càng quan tâm đến đầu tư bất động sản tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm dẫn đến tính cạnh tranh ngày càng cao và khốc liệt hơn.
Năm 2021, SGR đặt mục tiêu tổng giá trị đầu tư là 1.257 tỷ đồng (trong đó đã bao gồm khoản dự phòng đầu tư 200 tỷ đồng), doanh thu 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 261,98 tỷ đồng và chia cổ tức 20%.
Ngoài ra, SGR cũng thông qua kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tổng mức đầu tư của các dự án trong giai đoạn này là 10.886 tỷ đồng.
Công tác đầu tư vào kinh doanh bất động sản nhất là sản phẩm căn hộ chung cư tiếp tục được xác định là mục tiêu chiến lược cùng với các sản phẩm nhà phố, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp ở các địa phương có tiềm năng phát triển.
Công ty xây dựng kế hoạch để tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng trong quý IV/2022 và tăng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2024 để đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu triển khai thực hiện các dự án theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư vào các dự án, tùy điều kiện cụ thể Công ty sẽ tính toán, cân nhắc phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng trở lên.
Theo HĐQT, các chỉ tiêu tài chính cho 5 năm tới là khá cao nhưng hoàn toàn có cơ sở. Nếu loại trừ các yếu tốt phụ thuộc như chính sách của Nhà nước, biến động của thị trường thì Ban Tổng giám đốc điều hành phấn đấu đạt 90% các chỉ tiêu trên.
Công ty cho rằng, cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản giai đoạn 2021 - 2025 sẽ rất lớn nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh cho phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn.
SGR cũng thông tin rằng, vào chiều mai ngày 28/4, tòa phúc thẩm sẽ xét xử vụ kiện Công ty cổ phần Xây dựng Kim Hảo về vi phạm Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng dự án. Theo như hợp đồng kí kết, SGR sẽ được hoàn trả lại số tiền từ Công ty Kim Hảo là 380 tỷ đồng, cùng với số tiền lãi phát sinh là 6%/năm. Và chiếu theo hợp đồng, Công ty Kim Hảo sẽ chịu khoản tiền phạt 100 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 10/2019, Công ty có ký kết hợp đồng đặt cọc mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần xây dựng Sài Gòn Kim Hảo. Tuy nhiên đến thời hạn bàn giao khu đất có diện tích 31.889 m2 vào tháng 12/2019, Công ty Kim Hảo đã không bàn giao đất.
Trả lời kiến nghị cổ đông về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, bà Phạm Thị Mai Thanh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT giải thích, hiện giờ vốn chủ sở hữu của SGR là 745 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 600 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối là 122 tỷ đồng. Với tỷ lệ chia cổ tức 20%, tương đương 120 tỷ đồng, thì cũng không còn lợi nhuận để chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu nữa.
Bà Thanh cho rằng, đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt là quyết định hợp lí. Đồng thời, bà Thanh sẽ không tiếp tục tham gia HĐQT SGR trong nhiệm kỳ mới.