
Chiều ngày 3/4, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (mã chứng khoán VDS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên.
Trong kịch bản cơ sở, Rồng Việt nhận định, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.220 - 1.486 điểm kèm theo mức thanh khoản bình quân 22.000 - 24.000 tỷ đồng/phiên. Theo đó, Rồng Việt xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 (hợp nhất) với tổng doanh thu 1.106 tỷ đồng - tăng 6% so với thực hiện năm 2024.
Lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch 294 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Hoạt động kinh doanh tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột chính là kinh doanh môi giới, cho vay, ngân hàng đầu tư, đầu tư và quản lý tài sản (thông qua công ty con là CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt).
![]() |
(Đơn vị: tỷ đồng) |
Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ là kế hoạch phát hành tối đa 77 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2025.
Cụ thể, trong đợt 1, Rồng Việt sẽ phát hành 24,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 và 4,7 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,93%) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đợt 2, Rồng Việt dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
![]() |
Theo ban lãnh đạo, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp Rồng Việt chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng nguồn lực tài chính, giảm áp lực huy động từ các nguồn vốn vay, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường và tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu được sẽ bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành và tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn điều lệ, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua tờ trình trích 1% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương gần 2,9 tỷ đồng) cho Quỹ thiện nguyện và 2% lợi nhuận sau thuế riêng (tương đương hơn 5,7 tỷ đồng) cho Quỹ khen thưởng và phúc lợi.
Năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Rồng Việt đạt 1.041 tỷ đồng, hoàn thành 106% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng, vượt nhẹ kế hoạch năm. Tại thời điểm 31/12/20024, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Rồng Việt cũng lần lượt tăng 20% và 16%, tương ứng đạt 6.395 tỷ đồng và 2.808 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Năm qua, Rồng Việt đã tăng vốn điều lệ từ 2.100 tỷ đồng lên 2.430 tỷ đồng và phát hành 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng nguồn vốn huy động hơn 3.089 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu tài chính và an toàn vốn được duy trì ổn định, đảm bảo, trong đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 1,28 lần (quy định tối đa 5 lần), tỷ lệ nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn ở mức 0,58 lần, thấp hơn ngưỡng quy định (1 lần) và tỷ lệ an toàn tài chính là 516,7%, cao gấp 2,9 lần so với mức quy định (180%).
Tỷ lệ ROEa và ROAa của Rồng Việt lần lượt đạt 11,14% và 4,97%, EPS đạt 1.192 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm các công ty chứng khoán có hiệu quả hoạt động cao trong năm 2024.
Giá cổ phiếu VDS cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, đưa giá trị vốn hóa của Rồng Việt đạt 5.079 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm 2024.
Thảo luận tại Đại Hội
Ông Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Rồng Việt trả lời các câu hỏi cổ đông
![]() |
Ông Miên Tuấn (người ở giữa) |
Nhiều công ty chứng khoán đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh, Rồng Việt có vẻ hơi khiêm tốn?
Năm 2025 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 5 năm của Đại hội Đảng, Chính phủ đặt mục tiêu và có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, cùng với đó yêu cầu đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh đầu tư trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh này, cả thị trường, nền kinh tế đều nhận thấy dư địa tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó khăn do chính sách thuế quan của Mỹ áp lên các quốc gia, nên cần thúc đẩy kênh khác. Nếu đạt mục tiêu 8% thì cả nhiệm kỳ mới đạt gần 6,5% - bằng mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2026.
TTCK năm nay có một số câu chuyện, đó là tăng trưởng GDP tốt, kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi, có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt; đẩy mạnh cung tiền cho nền kinh tế, thường khi cung tiền tăng lên thì thị trường tài sản hưởng lợi, ưu tiên chảy vào các lớp tài sản bất động sản, chứng khoán. Với riêng ngành chứng khoán có thêm 2 kỳ vọng là KRX vận hành và nâng hạng.
Song song đó là những thách thức, rủi ro, trong đó có rủi ro mà hôm nay ta chứng kiến là chính sách thuế quan của Mỹ, mang lại bất ngờ cho toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam thì bất ngờ nhiều hơn. Phiên 3/4 thị trường đã giảm điểm mạnh, về điểm tuyệt đối là con số lịch sử, như thời covid, tức tính bất ổn của TTCK 2025 là rất lớn. Đâu đó áp lực tỷ giá còn căng thẳng, khối ngoại bán ròng...
Trong bối cảnh đó, thanh khoản thị trường gần như đi ngang so với năm 2024 (hơn 22.000 tỷ đồng/phiên). Từ tháng 7 đến cuối năm 2024, thanh khoản giảm rất mạnh và chỉ mới đầu tháng 3/2025 mới cải thiện.
Góc nhìn của chúng tôi, nhiều CTCK có kế hoạch tăng trưởng mạnh do trong năm 2024 hoặc sắp tới đây họ đều đã/sắp tăng năng lực tài chính lên rất nhiều, chứ không phải đưa kế hoạch tăng trưởng trên nền vốn cũ. Các CTCK quy mô lớn, CTCK có công ty mẹ là Ngân hàng đều tăng vốn khá tốt.
Rồng Việt vẫn đang giữ mức vốn năm trước và chủ yếu dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn thông qua trả cổ tức. Theo đó, kế hoạch kinh doanh ở mức mà chúng tôi cho rằng là ổn định, phát triển bền vững.
Về phân phối lợi nhuận, đề xuất 10% cổ phiếu thưởng, tôi cho rằng nên 2% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Từ 2021 tới nay, Rồng Việt chưa chia tiền mặt cổ tức cho cổ đông?
Cá nhân tôi cũng thích tiền mặt, nhưng Rồng Việt có quy mô tài chính còn khiêm tốn.
Lĩnh vực chứng khoán còn nhiều dư địa tăng trưởng, nên sự tham gia vào ngành của nhiều ngân hàng, tập đoàn tài chính sẽ tăng năng lực tài chính cho công ty thành viên mạnh, nên áp lực là lớn trong môi giới, tư vấn đầu tư và cho vay margin.
Quan điểm HĐQT là phát triển bền vững, tuân thủ pháp luật, mang lại giá trị cho khách hàng, tạo giá trị gia tăng cho cổ đông, không quá bị chi phối bởi áp lực ngắn hạn, mục tiêu trước mắt – đã có nhiều bài học kinh nghiệm.
Trong định hướng của HĐQT, Rồng Việt cũng muốn có hài hoà cổ tức tiền mặt và cổ phiếu. Còn thời điểm hiện tại, cần giữ nguồn tiền mặt cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nguồn vốn đang khiêm tốn.
Công ty có điều chỉnh kinh doanh trước bối cảnh mới là Mỹ áp thuế 46%?
Chắc không có tổ chức, cá nhân nào ở Việt Nam dự báo được Mỹ sẽ đánh thuế Việt Nam như vậy. Bất ngờ là cả thị trường bất ngờ, phản ứng thị trường hôm nay là bình thường và hợp lý, nhà đầu tư cần bán và thu tiền mặt về. Chưa kể, khối ngoại đang bán ròng từ đầu năm tới nay cả tỷ USD.
Cần thêm thời gian xem Chính phủ có thể đàm phán thương lượng mức thuế quan thấp hơn. Con số 46% là mức trần, từng mặt hàng riêng lẻ có mức thuế khác nhau, có thể một số mặt hàng không bị đánh thuế, nhưng thị trường đang phản ứng tiêu cực theo hướng tất cả các ngành đều bị đánh thuế. Nên cần thời gian để nhà đầu tư bình tĩnh lại, sáng suốt phân tích và cũng cần đánh giá lại mặt bằng giá hấp dẫn hơn chưa.
Chúng tôi phải cố gắng thích ứng, hiểu và vận dụng, nắm bắt được cơ hội. Quan điểm chúng tôi, kinh doanh không phải một ngày, một tuần, mà theo hàng năm, nên dài hạn thì vẫn tin tưởng triển vọng kinh tế Việt Nam, TTCK Việt Nam.
Ngày mai chắc ta còn phải chịu đựng tiếp rồi! Ngày 9/4 có hiệu lực áp thuế, có thể chờ đợi “quay xe” từ chính sách thuế; rồi ngày 8/4 có các đánh giá của FTSE về nâng hạng – hi vọng là sau lễ sẽ có tích cực hơn.
Nhiều CTCK có ngân hàng mẹ đã tích cực tăng vốn, có gây áp lực với Rồng Việt? Năm nay, Rồng Việt có thực hiện được phát hành riêng lẻ không, có đối tác chưa?
Có áp lực! Năm 2024 có mục tiêu tìm nhà đầu tư, năm nay cũng vậy.
Khoảng 2 năm qua, các CTCK tăng năng lực tài chính bằng cách tìm kiếm đối tác chiến lược nhưng chưa hiệu quả, vì phần lớn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ đang bán ròng trong bối cảnh đồng USD mạnh, các đồng tiền khác mất giá.
Tìm nhà đầu tư chiến lược, bán tỷ lệ lớn, thường ai cũng muốn bán được giá tốt, đảm bảo quyền lợi cổ đông. Bởi vậy, nhiều đợt phát hành riêng lẻ năm qua phần lớn chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp – thì phải discount đâu đó 15-20% giá thị trường, vì họ phải nắm giữ hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm.
Theo đó, năm 2024, Rồng Việt cân nhắc điều này, có đối tác thì huy động được vốn nhưng ảnh hưởng lợi ích cổ đông. Giá thị trường 10 đồng mà chào bán nhà đầu tư mới thấp hơn thì không ai vui.
Năm nay, có tăng vốn qua phát hành riêng lẻ, còn thực hiện được không là không dám nói chắc, tuỳ thị trường nữa. TTCK 2025 có câu chuyện nâng hạng thì có thể nâng tầm TTCK Việt Nam lên nấc mới, hy vọng thu hút được vốn ngoại, thanh khoản tăng. Còn KRX cũng chưa biết tác động tới thanh khoản như thế nào.
Rồng Việt ưu tiên tìm đối tác chiến lược để tăng năng lực tài chính, tạo thêm giá trị gia tăng trong dài hạn.
Ban Lãnh đạo chia sẻ kết quả kinh doanh quý I/2025, mảng nào đóng góp nhiều nhất?
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Rồng Việt không được tốt như mọi năm, trừ 2020 quá xấu do Covid. Quý I/2025, Rồng Việt mới hoàn thành được khoảng 15% doanh thu, 6% mục tiêu lợi nhuận – khá khiêm tốn, các mảng hoạt động môi giới, tự doanh, IB đều ảnh hưởng. Nên kế hoạch có tăng trưởng là sự cố gắng lớn của công ty.
Đầu tư là mảng mũi nhọn, sau quý I/2025, danh mục nắm giữ ngành nào nhiều nhất?
Năng lực cạnh tranh của Rồng Việt trong môi giới, cho vay còn chịu tác động quy mô nguồn vốn, muốn duy trì hiệu quả kinh doanh trên trung bình ngành thì phải chấp nhận rủi ro hơn một chút, tập trung cho hoạt động tự doanh. Chúng tôi tin tưởng đội ngũ Rồng Việt có kinh nghiệm hơn 20 năm trên thị trường, có hiểu biết, trải nghiệm nhất định để có các quyết định đầu tư giúp cải thiện hiệu quả chung.
Danh mục tập trung DN có nền tảng tốt, năng lực cạnh tranh, định giá hợp lý, đầu tư khá nhiều mảng ngân hàng, hàng tiêu dùng bán lẻ, bất động sản, khu công nghiệp, một phần công nghệ, thép, điện… Khoản đầu tư lớn nhất là KBC cuối quý I hơn 280 tỷ đồng, hy vọng có tăng trưởng tốt. Đầu năm có thông tin KBC xong các thủ tục pháp lý các dự án – sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh tốt, từ đó kỳ vọng vào giá cổ phiếu. Ngoài ra, có MWG, ACB, CTG… đều có hiệu quả hoạt động tốt.
Trong thời đại AI, công nghệ tham gia cuộc đua vận dụng trong kinh doanh, Rồng Việt định vị chuyển đổi số, tác nhân này tác động gì trong chiến lược công ty?
Chiến lược chuyển đổi số VDS triển khai từ 2021 và về cơ bản đã vận hành, đạt trên 80% yêu cầu trên cả 4 mảng, giúp nâng trải nghiệm khách hàng, an toàn bảo mật, nâng cao hiệu quả… và liên tục cập nhật, cải tiến.
Trong đó, AI cũng quan tâm và đầu tư, thậm chí ứng dụng hướng dẫn đội ngũ kinh doanh, đội ngũ hỗ trợ.
Quan điểm Công ty, ngành tài chính – chứng khoán, chất lượng đội ngũ nhân sự rất quan trọng.
Cuộc chiến zero fee ảnh hưởng ra sao tới Rồng Việt, có hành động gì để thu hút thị phần, cải thiện kết quả kinh doanh khi phí giao dịch về 0?
Áp lực lớn trong cạnh tranh trong ngành chứng khoán. Phần nhiều công ty áp dụng để thu hút khách hàng trong khoảng thời gian nhất định, và cho một số khách hàng tự giao dịch. Còn với khách hàng sử dụng có nhân sự hỗ trợ, tư vấn thì vẫn thu phí. Rồng Việt không theo đuổi chính sách zero fee vì công ty đầu tư nhiều cho hệ thống, công nghệ, con người…, nhưng linh hoạt, có giải pháp ngắn hạn để có chính sách hợp lý cho nhiều đối tượng khách hàng, hỗ trợ phát triển kinh doanh.
Chiến lược cạnh tranh chính trong môi giới, tư vấn đầu tư thì Rồng Việt vẫn lấy hiệu quả, gia tăng giá trị tài sản cho khách hàng mới giữ chân khách hàng lâu dài.
Toàn bộ các nội dung tờ trình, báo cáo còn lại cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua như Phân phối lợi nhuận năm 2024 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2025; Báo cáo thù lao HĐQT, BKS năm 2024 và kế hoạch thù lao năm 2025; Niêm yết trái phiếu Rồng Việt phát hành ra công chúng giai đoạn 2025 - 2026; Chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2025; Sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty…