Kết thúc quý I, sản lượng điện NT2 đạt 1.228,2 triệu kWh, bằng 92,3% so với cùng kỳ. Doanh thu 1.947,9 tỷ đồng, bằng 95,5%; lợi nhuận gộp về bán hàng 187,5 tỷ đồng, giảm hơn 48% do tỷ lệ tăng doanh thu sản xuất điện thấp hơn tỷ lệ tăng giá vốn sản xuất điện (chủ yếu là chi phí nhiên liệu khí). Lợi nhuận sau thuế 178,4 tỷ đồng, tương đương 76% cùng kỳ.
Ban lãnh đạo lý giải, quý I/2019 trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời tiết không thuận lợi dẫn tới giá trên thị trường phát điện cạnh tranh thấp cũng như giá khí tăng đã làm cho kết quả sụt giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãnh đạo NT2 cũng cho biết, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng mạnh như hiện nay, NT2 có thể vượt 10% kế hoạch.
Năm 2019, NT2 cũng có kế hoạch điều tu các tổ máy của Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 vào khoảng tháng 9/2019 và triển khai trùng tu vào năm 2020.
Đối với kế hoạch tăng công suất, ông Uông Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT NT2 cho biết, đây là điều cần thiết vì nhà máy Nhơn Trạch 2 có vị trí trọng điểm, có vai trò quan trọng trong khu vực. Dự kiến, nhà máy có thể tăng công suất thêm 20 MW-30 MW, giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Nhưng trước khi thực hiện cũng phải lập báo cáo chi tiết để xem khả năng thu hồi vốn và nghiên cứu kỹ thuật- yếu tố đặc biệt phải cẩn trọng.
Theo ông Hải, việc gia tăng sản lượng chưa chắc đã gia tăng lợi nhuận mà phải là thời điểm phát điện phù hợp mới có lãi.
Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (POW – sở hữu 59,37% vốn NT2) cũng cho rằng, quan điểm điều hành của Tập đoàn là theo nguyên tắc khối lượng tối ưu hóa lợi nhuận chứ không yêu cầu sản lượng để rồi lỗ (vì sản lượng mà phát thời điểm thấp dẫn đến lỗ).
Đồng thời, Tập đoàn đặt ra yêu cầu ban lãnh đạo NT2 dứt khoát phải có chính sách, chiến lược chào giá phù hợp để có đơn giá điện cao nhất. Doanh thu hiện nay có 80% theo giá hợp đồng Pc, còn 20% tham gia thị trường, vì vậy, phần 20% này phải chào giá phù hợp để có được thời điểm giá cao nhất để bù đắp đủ biến phí, thậm chí định phí và có lãi.
Liên quan đến việc đàm phán lại giá điện theo hợp đồng mua bán điện (PPA hay giá hợp đồng - Pc) với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc NT2 cho biết, việc đàm phán dựa trên Thông tư 56 (trước đây giá bán điện ký kết dựa trên Thông tư 41). Dự kiến giá điện sau đàm phán sẽ thấp hơn giá điện hiện tại nhưng sẽ không thấp hơn nhiều. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào cuối quý II/2019.
"Tất cả chi phí đầu tư trong thời gian xây dựng dự án Nhà máy Nhơn Trạch 2 đều phù hợp với quy định của Nhà nước. Dĩ nhiên khi trao đổi, có thể có những yếu tố có lợi nhưng đương nhiên cũng có thể là những điều khoản bất lợi”, ông Hải nói.
Cổ đông lớn POW cho rằng, NT2 cần phải tận dụng tối đa Thông tư 56 là cho phép đàm phán IRR đến 12% (trong khi Thông tư 41 không có đàm phán về IRR-PV).
Năm 2018, nguồn khí cung cấp chp NT2 bị suy giảm nên lượng khí không đáp ứng được nhu cầu vận hành. Ông Nhân chia sẻ, đã tìm nguồn bổ sung là Phong Lan Dạ, đưa vào bờ mỗi ngày khoảng 1,5-1,6 triệu m3/ngày; PVGas cũng đã làm việc với các nhà đầu tư để phát triển mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt vào đầu năm 2021, cung cấp thêm khoảng 2,5-3 triệu m3/ngày. Hiện tại PV Gas đang cung cấp được khoảng 21,5 triệu m3/ngày trong khi nhu cầu hệ thống hiện tại khoảng 23 triệu m3/ngày.