Về vấn đề trên, ông Phạm Xuân Trung, Chủ tịch HĐQT LHG cho biết, tại thời điểm hiện tại LHG vẫn đang làm việc với IPC để xác định chi phí tái định cư này nên Công ty chưa ghi nhận chi phí 328,7 tỷ đồng.
“Dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 có tổng diện tích là 24,7 ha, riêng khu tái định cư là phần giao dịch giữa IPC và LHG có diện tích chỉ 5,5 ha. Từ năm 2007 – 2017, IPC mới hoàn toàn chuyển giao hết 100% mặt bằng cho LHG”, ông Trung cho biết.
Tại phần thuyết minh số 40 báo cáo tài chính 2018 của LHG, sau khi nhận văn bản từ phía IPC trong năm 2007, LHG đã hoàn trả số tiền là 58 tỷ đồng là khoản chi phí IPC đã chi để phát triển dự án trên ngay trong năm (đã bao gồm 9,3 tỷ đồng giá chênh lệch giữa thực tế và hoán đổi đất cho dự án tái định cư).
Tuy nhiên, ngày 19/4/2018, LHG đã ký kết Thỏa thuận nguyên tắc về việc hoàn trả chi phí bố trí tái định cư cho dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 với IPC.
Cụ thể, LHG sẽ trả cho IPC giá trị của phần diện tích nền tái định cư đã bố trí cho người dân bị giải tỏa theo giá hợp lý được hai bên thỏa thuận, chi phí sử dụng vốn cùng 10% lợi nhuận định mức, và trong năm 2018, LHG đã tạm ứng cho IPC khoản tiền 65 tỷ đồng và ghi nhận vào khoản phải thu ngắn hạn.
Nhưng tới ngày 23/8/2018, Công ty nhận văn bản từ IPC thông báo số tiền tạm tính mà LHG phải thanh toán lên tới 328,7 tỷ đồng.
Ông Trung cho biết thêm, IPC là cổ đông lớn nhất LHG, và IPC đã xin ý kiến của UBND về thời điểm định giá và cách thức xác định giá. Ngay khi IPC có biên bản chính thức về giá trị, LHG sẽ có báo cáo trước với cổ đông rồi mới thực hiện.
“LHG không can thiệp vào việc định giá của nhà nước, hơn 328 tỷ đồng là ước tính cao nhất mà IPC tính giá trị đất thời điểm giao nền cho LHG nên có thể giá sẽ thấp hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Tờ trình của HĐQT độc lập cũng có chú ý về việc hoàn trả này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông. Đồng thời, Ban kiểm soát cũng cho rằng vấn đề này nằm ngoài kế hoạch 2018 và có ảnh hưởng trọng yếu đến tài chính công ty.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, cổ đông cũng có thắc mắc là tại sao đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 32% là 631,65 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 27,4% xuống 127,76 tỷ đồng so với thực hiện 2018.
Ông Trần Hồng Sơn, Tổng giám đốc LHG cho biết, lợi nhuận của năm 2018 tăng do đột biến với 176 tỷ đồng (trước thuế) là cao nhất từ trước tới nay với khoản 60,7 tỷ đồng lợi nhuận đột biến, không nằm trong kế hoạch đến từ hoạt động thanh lý quỹ đất năm 2018 để giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, dự tính việc giá đất năm nay có thể tăng cao hơn cũng là nguyên nhân mà Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 thận trọng.
Trong tương lai, giá đất tại Long An nếu quá cao, LHG sẵn sàng tìm quỹ đất tại các tỉnh khác như tại Đà Nẵng mà Công ty đang thực hiện.
Về vấn đề đầu tư mở rộng quỹ đất, hiện các dự án đều đang được chính quyền địa phương tiến hành thu hồi để sớm bàn giao cho LHG, nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất khó khăn. Đây là năm thứ 3 mà LHG không thể đầu tư hết số tiền dự kiến đầu tư, ông Sơn cho biết thêm.
Theo kế hoạch, khoản đầu tư dự kiến cho năm 2019 là 939 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với thực hiện năm ngoái và bằng 44,4% tổng tài sản của LHG tính đến ngày 31/12/2018.
Trả lời chất vấn cổ đông về nguồn vốn lấy từ đâu và sẽ dùng đầu tư vào đâu, bà Phạm Thị Như Anh, Phó tổng giám đốc LHG cho biết, nguồn vốn sẽ được lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay khoảng 380 tỷ đồng. Đầu tư chủ yếu là vào Khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 1 với 420 tỷ đồng để tạo doanh thu cho thuê ngay trong năm.
Ngoài ra, còn đầu tư vào 50 tỷ đồng vào Khu dân cư 37 ha, dự kiến bàn giao cho địa phương trong năm; Khu công nghiệp Long Hậu 3 giai đoạn 2 là 120 tỷ đồng; nhà xưởng cao tầng là 140 tỷ đồng; trung tâm dịch vụ 45 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải 41 tỷ đồng; nhà xưởng công nghệ cao Đà Nẵng hơn 40 tỷ đồng; khu nhà xưởng xây sẵn hơn 50 tỷ đồng…
Với nhiều cổ đông lo ngại về việc đầu tư chậm dẫn đến không kịp ghi nhận doanh thu và không đạt kế hoạch, ông Trung cho biết, công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Long Hậu 3 vẫn đang thực hiện tốt, đang theo kịp kế hoạch đã đề ra. Dự kiến trong năm 2019, giai đoạn 1 của Khu công nghiệp Long Hậu 3 với 123,98 ha sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng.
Đồng thời, Khu dân cư - tái định cư Long Hậu 3 gồm 19,13 ha đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết 1/500 và kê biên kiểm đếm, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Dự án lắp pin năng lượng mặt trời áp mái nhà xưởng T-4 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2019 đang được ban lãnh đạo kỳ vọng mang lại nguồn doanh thu, tạo hình ảnh tốt cho LHG về vấn đề môi trường. Đại diện Công ty chứng khoán HSC đã có thắc mắc về mức độ thành công của dự án này, ông Trần Hồng Sơn cho biết, phải mất 5,6 năm để hoàn lại vốn nhưng thời gian khấu hao vẫn nhanh hơn, hoạt động ổn định, liên tục hơn so với hoạt động cho thuê nhà xưởng và LHG cũng sẽ nhân rộng mô hình này trên các khu công nghiệp.
Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức 2018 theo tỷ lệ 16% bằng tiền mặt.
Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận IPC - cổ đông sáng lập và hiện là cổ đông lớn nhất của LHG, công ty này được thành lập năm 1989, trực thuộc UBND TP.HCM – 100% vốn nhà nước. IPC từng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của TP.HCM trong việc đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần chuyển hóa bộ mặt khu Nam TP.HCM qua các dự án như Khu Chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Đại lộ Nguyễn Văn Linh... Công ty hiện có vốn điều lệ 2.926 tỷ đồng. Sau hàng loạt sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước của IPC bị điều tra vào năm 2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo thanh tra làm rõ việc thực hiện đầu tư xây dựng, góp vốn của IPC với các đơn vị thành viên, mà LHG là một trong số đó. |