ĐHCĐ Licogi 16 (LCG): Cổ đông thắc mắc về việc giảm tỷ lệ cổ tức 2021 và hiệu quả dự án Nhiên Liệu sinh học Phương Đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 16/04, CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua toàn bộ tờ trình.
ĐHCĐ Licogi 16 (LCG): Cổ đông thắc mắc về việc giảm tỷ lệ cổ tức 2021 và hiệu quả dự án Nhiên Liệu sinh học Phương Đông

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LCG chia sẻ kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu 177 tỷ đồng, lợi nhuận 51 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, quý 2 dự kiến doanh thu 537 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng, quý 3 doanh thu là 492 tỷ đồng doanh thu và quý 4 là 799 tỷ đồng.

Trong năm 2022, LCG dự kiến doanh thu đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 11% và lãi sau thuế 250 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 12%.

Trong cơ cấu doanh thu, xây lắp tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn, 1.463 tỷ đồng, bao gồm doanh thu chuyển tiếp (dự án đã ký kết hợp đồng và đang thực hiện) từ năm 2021 sang là 893 tỷ đồng (chủ đạo là các dự án công trình giao thông 635 tỷ đồng). Và doanh thu từ các hợp đồng dự án dự kiến ký kết thực hiện, đang trong quá trình đấu thầu và chào thầu là 570 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, LCG dự kiến có doanh thu từ bất động sản 80 tỷ đồng với trọng tâm là quỹ đất dự án Long Tân. Đây là lĩnh vực hỗ trợ lớn cho LCG về mặt doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền hoạt động trong bối cảnh hoạt động xây lắp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh trong năm qua.

LCG cũng dự kiến ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh khác 200 tỷ đồng, và doanh thu từ các đơn vị thành viên 262 tỷ đồng.

LCG đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như hoàn thành các dự án chuyển tiếp đúng tiến độ, thu hồi công nợ dự án.

Với mảng năng lượng tái tạo thì nhiệm vụ trọng tâm là hoàn tất thủ tục chuyển nhượng dự án Solar Chư Ngọc giai đoạn 1 và dự án Solar Nhơn Hải; triển khai dự án Solar Chư Ngọc giai đoạn 2 theo kế hoạch đã hoạch định. Bên cạnh đó, Công ty sẽ căn cứ theo kết quả phê duyệt lựa chọn đấu thầu dự án điện mặt trời Ninh Sơn 1 để đưa ra kế hoạch triển khai cụ thể.

Bên cạnh đó, với các dự điện gió, LCG sẽ chủ động thực hiện các công việc tiền dự án trong thời gian chờ phê duyệt chính thức Quy hoạch Điện VIII và các cơ chế DPPA.

Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với phần dự án đã chuyển nhượng làm cơ sở để thu hồi giá trị chuyển nhượng tại dự án Long Tân City và dự án Điền Phước. Thêm nữa, LCG dự kiến đề xuất đầu tư các dự án mới tại các địa phương như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Lâm Đồng để đưa vào kế hoạch phát triển kinh doanh trong giai đoạn đến năm 2025.

Theo LCG, quỹ đất để khai thác của công ty đến năm 2021 không còn nhiều, cụ thể dự án Long Tân quỹ đất còn 7ha gồm một lô chung cư và 7 lô đất giáo dục y tế, dự án Nam Phương, Bảo Lộc quỹ đất còn 3,4ha; dự án trường nghề Thanh Hóa quỹ đất còn 7,5ha.

Dự phóng kế hoạch và định hướng chiến lược giai đoạn 2021-2025, Công ty tập trung 3 lĩnh vực trụ cột là Hạ tầng giao thông, bất động sản và năng lượng tái tạo. LCG dự kiến doanh thu năm 2025 sẽ đạt hơn 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 485 tỷ đồng.

Năm 2021, Công ty đạt lãi sau thuế gần 182 tỷ đồng, không đạt kế hoạch ĐHĐCĐ 2021 đề ra, nguyên nhân chủ yếu do năm 2021 chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm. Do đó, HĐQT đề xuất trình cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu. Tương ứng, LCG sẽ phát hành hơn 17 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn vốn phát hành trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2021.

Ngoài ra, LCG cũng dự kiến phát hành gần 3,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp trong năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Trong năm 2021, LCG đã phát hành chào bán cổ phiếu ra công chúng, thu về 478,787 tỷ đồng (thấp hơn so với kế hoạch là thu về 500 tỷ đồng). Theo đó, LCG trình cổ đông về việc điều chỉnh thứ tự ưu tiên giải ngân.

Cụ thể, sẽ dùng 150 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư Long Tân; thanh toán nợ vay 204 tỷ đồng; Giải ngân gần 125 tỷ đồng còn lại góp vốn vào CTCP Điện mặt trời Chư Ngọc để triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc - công suất 25 Mwp.

Thảo luận tại ĐHCD

Vì sao điều chỉnh mục đích sử dụng vốn phát hành 2021?

Ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng giám đốc: Bản chất mục đích không thay đổi, chỉ đảo thứ tự ưu tiên trong giải ngân.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc có tổng công suất là 40 Mwp với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng năng lượng tái tạo LICOGI 16 Gia Lai, trong đó giai đoạn 1 là 15Mwp đã hoàn thành và đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho đối tác.

Giai đoạn 2 là 25Mwp sẽ tiếp tục triển khai đầu tư như tinh thần đã trình ĐHĐCĐ để huy động vốn thực hiện.

Để hai giai đoạn của dự án được tách bạch, thuận lợi trong việc chuyển nhượng giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 thì Công ty đã xin điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của dự án trong đó thành lập công ty mới là Công ty Cổ phần Điện mặt trời Chư Ngọc làm chủ đầu tư giai đoạn 2 công suất 25Mwp của dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc.

Ngoài ra, do giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc đang chờ bổ sung Quy hoạch điện 8 để triển khai nên nguồn vốn sử dụng cho việc góp vốn vào Công ty cổ phần Điện mặt trời Chư Ngọc sẽ để mức độ ưu tiên cuối cùng.

Cơ sở ghi nhận doanh thu 2022, giá trị hợp đồng dự kiến ghi nhận 2022?

Ông Tăng Quốc Thuộc: Việc ghi nhận doanh thu kế hoạch năm 2022 căn cứ trên cơ sở kế hoạch tiến độ triển khai đối với các dự án đã ký hợp đồng, đang đấu thầu, chỉ định thầu và dự kiến chào thầu.

Trên cơ sở chính sách của Chính phủ về việc phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam, cũng như việc phát triển hạ tầng liên vùng thì doanh thu từ các hợp đồng dự án dự kiến ký kết thực hiện, đã và đang trong quá trình đấu thầu, chỉ định thầu, doanh thu từ các đơn vị thành viên công ty thành viên, bất động sản là 1.100 tỷ đồng.

Tổng giá trị hợp đồng dự kiến ghi nhận trong năm 2022, Công ty đã chào thầu, đấu thầu và xin chỉ định thầu dự kiến là 2.000 tỷ đồng.

Định hướng phát triển tới 2025 tập trung lĩnh vực nào?

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT: Giai đoạn 2021-2025 tập trung 3 lĩnh vực hạ tầng giao thông, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Về hạ tầng giao thông, mục tiêu Chính phủ tới 2030 mạng lưới đường cao tốc là 5.000 km, hiện chỉ mới đạt 20%, nên nguồn công việc của mảng này rất lớn, và để làm được thì cần máy móc và con người. Bản thân LCG tự tin gửi văn bản tới Thủ tướng, các bộ, ngành đăng ký tham gia trực tiếp vài dự án. Chẳng hạn, liên doanh Licogi - Công ty Phương Thành đề xuất tham gia dự án độc lập; đề xuất tham gia dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột.

Tiếp tục bám sát theo dõi tình hình, đề xuất đăng ký dự án vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến hành lang kết nối khác, trong trục Bắc -Nam, Đông - Tây.

Với nguồn lực máy móc thiết bị hiện đại gần 600 tỷ đồng, năm nay đầu tư thêm 100 tỷ nữa, nên đủ nguồn lực để cạnh tranh tham gia đề xuất các dự án quy mô lớn.

Về năng lượng tái tạo, với kinh nghiệm đã có, kể cả triển khai đầu tư hay thủ tục xây lắp, dự án điện mặt trời hoàn thành 2 dự án Nhơn Hải và Chư Ngọc. Các dự án điện gió đã được thẩm định, đề xuất thẩm định gồm dự án Thăng Hưng 100Mwp, Iator 100 Mwp tại Gia Lai, Quảng Trị, Hướng Hóa 2 tại Quảng Trị tổng công suất 96 Mwp, Đình Lập 100 Mwp).

Về phương án đầu tư đối với các dự án này, LCG hợp tác cùng các đối tác nước ngoài có năng lực về kỹ thuật công nghệ (như công ty Enertrag của Đức) và năng lực về thu xếp tài chính (như Tokyo Gas của Nhật) cam kết lãi suất 4%/năm – lợi thế để tham gia đấu thầu của LCG.

Riêng dự án điện mặt trời, ngoài 2 dự án đã đầu tư về Solar Chư Ngọc và Solar Ninh Thuận, Công ty đã xin bổ sung đầu tư thêm dự án Điện mặt trời Ninh Sơn 1 công suất 100Mwp.

Với bất động sản, thời gian dài là bà đỡ tài chính cho lĩnh vực khác của LCG đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng. Hiện đang tiếp tục tập trung khai thác quỹ đất mình đang có và đề xuất các dự án tiếp theo. Cụ thể, hoàn thiện đầu tư hạ tầng và pháp lý để triển khai kinh doanh hết quỹ đất dự án còn lại khoảng 18ha (Long Tân 7ha, Trường nghề 7,5ha, Nam Phương – Bảo Lộc 3,4ha). Mục tiêu đến năm 2025, Công ty sẽ phát triển và khai thác được quỹ đất dự kiến 500 ha tại các địa phương Thanh Hóa, Ninh Thuận, Lâm Đồng.

Nguồn lực tài chính nào để thực hiện các kế hoạch?

Ông Thuộc: Theo dự phóng 2025 xoay quanh 3 lĩnh vực trên, mục tiêu hướng đến xây lắp về hạ tầng giao thông thì giá trị hợp đồng mục tiêu 6.000 tỷ đồng, mảng bất động sản mục tiêu 500ha và năng lượng danh mục đang có 521MW.

Về nguồn vốn cho mảng xây lắp hạ tầng giao thông, công ty rất thận trọng, chú trọng hiệu quả các dự án tham gia. Đón đầu chủ trương lớn, đặc biệt chuỗi cao tốc Bắc Nam, các dự án liên kết vùng. Các dự án đang triển khai thì nguồn vốn đã có. Trong lĩnh vực này công ty luôn cân đối nguồn vốn nội tại.

2 lĩnh vực còn lại thì nhu cầu nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng, bao gồm năng lượng 12.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng cho bất động sản. Trong từng giai đoạn đang phân kỳ 2023-2024-2025 thì công ty sẽ có cân đối và cập nhật báo cáo cổ đông về các phương án huy động vốn.

Theo BCTC, giá trị công nợ còn thu hồi còn lớn, công ty sẽ làm thế nào?

Ông Thuộc: Thu hồi công nợ với các dự án công trình là nhiệm vụ quan trọng, bên cạnh chất lượng, an toàn, tiến độ của dự án. Tại 31/12/2021, công nợ lớn tổng cộng 773 tỷ đồng, hết quý 1 thu hồi được 337 tỷ đồng.

Tại sao cổ tức 2021 là 15%, thì 2022 lại điều chỉnh 10% bằng cổ phiếu?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận LCG trình 2021 và thực tại là chênh nhau nhiều vì dịch bệnh Covid ảnh hưởng lớn. Thay vì chia 15% thì xin cổ đông thông qua chia 10%.

Việc chia bằng cổ phiếu thì nhiều năm qua, LCG có bệ đỡ là bất động sản mang lại lợi nhuận tốt, hiện tại đang có một số cơ hội đầu tư vào bất động sản lớn ở Ninh Thuận, Thanh Hóa và Lâm Đồng. Theo đó, mong cổ đông chấp thuận chia bằng cổ phiếu để dành nguồn lực cho các cơ hội này.

Tình trạng khoản đầu tư của Công ty vào dự án Nhiên Liệu sinh học Phương Đông? Việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào ngành xây dựng tăng trong thời gian qua có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?

Ông Hùng: Có dự án đầu tư từ 2010 là dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước, có 3 cổ đông lớn, trong đó LCG sở hữu tỷ lệ 22% (bên cạnh Itochu, PV Oil), quá trình đầu tư và vận hành thì tốt, nhưng thực tế thì không có thị trường. Chính sách từ Chính phủ về đầu ra cho sản phẩm này chưa mạnh, nên phải chờ thêm, theo đó, dự án không đạt hiệu quả như hoạch định. LCG cũng đã trích lập dự phòng đối với toàn bộ khoản đầu tư này từ các năm trước nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung của công ty.

Giá nguyên vật liệu tăng có ảnh hưởng tới các dự án giao thông của LCG?

Ông Hùng: Hiện nay, việc đầu tư, triển khai các dự án cao tốc theo chính sách của Chính phủ thì các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc khan hiếm nguồn vật liệu cũng như giá cả tăng cao.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đang xem xét đánh giá và đưa ra các chủ trương để giải quyết tháo gỡ nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu chủ trương phát triển mạng lưới hệ thống cao tốc Bắc Nam và liên kết vùng. Cụ thể, gồm việc yêu cầu các bộ, ban ngành và địa phương có phương án nhằm đảm bảo nguồn cung đối với nguyên vật liệu đầu vào cho dự án cao tốc cũng như xem xét lại việc điều chỉnh định mức dự toán xây dựng phù hợp với tình hình biến động giá cả; cập nhật giá cả tại từng địa phương phải làm thường xuyên để sát với giá thực tế...Kỳ vọng thời gian tới sẽ được giải quyết.

Do đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào có ảnh hưởng đến lợi nhuận. LCG đang tham gia 2 dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, Móng Cái, có hệ số điều chỉnh giá nguyên vật liệu, LCG cũng dự phóng giá nguyên liệu (như nhựa đường) nên đã chốt giá ngay từ đầu. Dự án Quốc lộ 45 -Nghi sơn thì một số vật liệu mình chủ động được, giảm thiểu tối đa các tác động tới hiệu quả hoạt động LCG.

Chính sách Chính phủ tập trung hạ tầng giao thông, LCG chuẩn bị gì để đón đầu?

Ông Thuộc: LCG đã và đang khẳng định năng lực trong hạ tầng giao thông, máy móc cũng như nhân sự, tài chính. Công ty đón đầu các dự án trọng điểm thời gian tới như máy móc thiết bị đã đầu tư hơn 500 tỷ và đã khấu hao hơn 50%. Để đồng bộ máy móc, nâng hiệu quả, thì 2022 sẽ đầu tư thêm 100 tỷ đồng nữa.

Nhân sự thì đều có kinh nghiệm, minh chứng qua việc thực hiện nhiều hạng mục dự án có hàm lượng kỹ thuật cao.

Vì sao phát hành ESOP 2%?

Ông Hùng: Với các dự án lớn tiềm năng trong thời gian tới, không thể thiếu con người. Hiện LCG đang chăm lo cho nguồn lực nhân sự, không thể cứ đầu tư mãi máy móc thiết bị, thì chỉ có thể nâng cao năng suất lao động, trong đó có gia tăng giờ làm việc.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục