ĐHCĐ Gemadept (GMD): Nâng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lên 1.200 tỷ đồng và đẩy mạnh triển khai 3 dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 25/4, CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD - sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
ĐHCĐ Gemadept (GMD): Nâng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lên 1.200 tỷ đồng và đẩy mạnh triển khai 3 dự án

Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT cho biết, Đại dịch Covid 19 gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, GDP của Việt Nam năm 2021 đạt mức thấp nhất 30 năm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đối với GMD cũng không phải ngoại lệ, doanh thu và sản lượng bị sụt giảm do đại dịch, chi phí tăng thêm do làm việc 3 tại chỗ. Tuy nhiên, điểm sáng của kinh tế là hoạt động xuất nhập khẩu, tăng trưởng 22,6%.

Với GMD, công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với xuất nhập khẩu, với những nỗ lực vượt bậc của cán bộ nhân viên ăn ở và làm việc tại chỗ, cố gắng duy trì chuỗi cung ứng không đứt gãy.

Trong tình hình nhiều khó khăn như vậy, kết quả kinh doanh của công ty năm vừa qua rất ấn tượng, sản lượng thông qua các cảng tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ, cao hơn trung bình cả nước khoảng 15-18%.

Năm 2021, doanh thu đạt 3.206,3 tỷ đồng, tăng trưởng 23,1% và lợi nhuận trước thuế đạt 806,2 tỷ đồng, tăng 57,3% so với cùng kỳ.

Năm 2022, trên cơ sở xem xét rất kỹ các yếu tố thị trường, nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước, Gemadept tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất trình ĐHĐCĐ phê duyệt lần lượt là 3.800 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 24% so với thực hiện năm 2021.

Ông Nhân cho biết thêm, trên cơ sở kết quả kinh doanh khả quan của quý I/2022, Ban Tổng giám đốc đã nâng kế hoạch kinh doanh với doanh thu đăng ký là 3.850 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ. Nếu như mọi điều kiện thuận lợi, mức đăng ký 1.200 tỷ đồng sẽ vẫn khả thi với kịch bản lạc quan và GMD sẽ có 2 năm liên tiếp đạt được đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, trên 50%.

Kế hoạch LNTT năm 2022 của GMD (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Kế hoạch LNTT năm 2022 của GMD (Đơn vị: Tỷ VNĐ)

Xét về kế hoạch đầu tư, năm 2022, Công ty sẽ triển khai ba dự án lớn. Trong đó, dự án Cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 2 (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, công suất 500.000 TEU/năm, dự án đã khởi công tháng 12/2021 và dự kiến bắt đầu khai thác quý I/2023. Tính tới hết quý I/2022 đã đạt hơn khoảng 25% tổng khối lượng công việc của dự án.

Tiếp tục đầu tư dự án Cảng nước sâu Gemalink – giai đoạn 2 (Bà Rịa Vũng Tàu) với quy mô 39 ha, tổng vốn đầu tư 190 triệu USD, công suất 900.000 đến 1,5 triệu TEU/năm, đang hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công sớm nhất dự kiến quý III/2022 và khai thác quý I/2025.

Khi giai đoạn 2 của Nam Đình Vũ và Gemalink cùng đi vào hoạt động, năng lực khai thác cảng của GMD sẽ được nâng lên gấp đôi – là mức tăng ấn tượng trong thời gian tới.

Ngoài ra, phát triển các dự án mới, hệ thống Trung tâm Logistics và ICD phía Nam với quy mô khoảng 10ha với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Về kế hoạch cổ tức, năm 2021, Công ty dự kiến cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%.

Chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 4.018,4 tỷ đồng

Công ty thông qua kế hoạch phát hành quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 3:1, tương đương cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Như vậy, ước tính Công ty sẽ phát hành tối đa 100,46 triệu cổ phiếu để huy động 2.009,2 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động Công ty dự kiến dùng 1.000 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; 800 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thuỷ nội địa; và 209 tỷ đồng đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh của công ty.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của GMD sẽ tăng từ 3.013,8 tỷ đồng tăng lên 4.018,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Gemadept bổ sung thông tin ứng cử thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Văn Hùng.

Được biết, ông Hùng sinh năm 1958, trình độ Kỹ sư. Trước khi ứng cử vào vị trí Thành viên HĐQT, giai đoạn 2010 - 2018, ông Hùng là Chi cục trưởng Chi cục Hàng Hải Việt Nam tại TP.HCM và từ 2018 đến nay đã nghỉ hưu.

Quý I/2022, lợi nhuận Gemadept tăng mạnh

Trong quý I/2022, GMD ghi nhận doanh thu đạt 879,9 tỷ đồng[HBTT2] , lợi nhuận sau thuế đạt 319,16 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và 85,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 37,7% lên 40%.

Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 350,24 tỷ đồng, công ty hoàn thành 29,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Phần thảo luận trong đại hội:

GMD đầu tư cảng hàng hoá sân bay Long Thành như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc: Tập đoàn không chỉ tập trung phát triển ở Long Thành mà các sân bay khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đông Nam Bộ…, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái Cảng – Logistics của Gemadept. Công ty sẽ lên kế hoạch và nghiên cứu sao cho tối ưu, không chỉ tập trung phát triển hoạt động cảng hàng hóa hàng không mà sẽ triển khai phát triển toàn hiện hoạt động logistics hàng không.

GMD đầu tư vào Gemalink giai đoạn 2 như thế nào?

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn sẽ phát triển giai đoạn hai với tỷ lệ sở hữu và đối tác như giai đoạn 1.

Kế hoạch thoái vốn tại cao su?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc: Dự án cao su là hoạt động không phải cốt lõi mà là đầu tư chiến lược, công ty đã và đang tìm mọi cách để thoái vốn. Ở thời điểm hiện tại, một số điều kiện thuận lợi, cây đã trồng từ 6 - 8 năm; cơ sở hạ tầng vào dự án đã được hoàn thiện, giúp nhà đầu tư có thể khai thác; giá cao su đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây…

Do đó, bao giờ điều kiện thoái vốn mảng cao su tốt như năm nay, công ty đã giao cho các phòng bán để thoát trong năm nay.

Ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc phụ trách cảng Gemalink: Trong năm 2021, khu vực cảng Gemalink chiếm khoảng 15% thị phần trong năm 2021, dự kiến năm 2022 khi hết công suất giai đoạn 1, sẽ chiếm khoảng 20% thị phần khu vực và đến khi hoàn thành cả hai giai đoạn sẽ chiếm khoảng 30% thị phần khu vực Cái Mép.

Gemalink không chỉ là niềm tự hào của GMD mà còn của Việt Nam khi là một trong 19 cảng hàng đầu thế giới có thể đón các cỡ tàu mẹ lớn nhất thế giới. Kỳ tích đạt được 1 triệu Teus thông qua chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động đã thể hiện được sức hút của dự án. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của dự án, trong thời gian vừa qua, công ty đã làm việc với nhiều nhà đầu tư, đối tác liên quan tới chuyển nhượng tỷ lệ tối đa 24% trong Gemalink. Công ty đang trao đổi với các nhà đầu tư, công ty sẽ cung cấp nhiều hơn và ưu tiên hãng tàu, cụ thể có kết quả sẽ thông báo tới cổ đông.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, cảng Gemalink, chiếm 40% tổng sản lượng thông qua toàn bộ cảng Gemadept, tăng 3 lần so với cùng kỳ.

Tình hình khai thác cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 2?

Khu vực sông Cấm do hạn chế luồng lạch và tĩnh không cầu Bạch Đằng nên nguồn hàng container đang dịch chuyển xuống Đình Vũ và Lạch Huyện. Các cảng tại Đình Vũ đang hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển từ này vì Lạch Huyện sẽ ưu tiên cầu bến cho một số dịch vụ xa (long-haul) với các cỡ tàu trên 50.000DWT.

Hiện nay, khu vực Đình Vũ chiếm 82% sản lượng toàn Hải phòng nên thuận lợi cho các hãng vận tải trao đổi chỗ, liên doanh liên kết tuyến, cũng như lựa chọn feeder. Với những ưu điểm về giá bốc xếp, chi phí logistics vận tải, vị trí thuận lợi trong cụm hệ thống kho, depot của thị trường, cảng Nam Đình Vũ và GMD đang và sẽ tích cực cung cấp thêm nhiều giải pháp tối ưu để phục vụ khách hàng.

Hiện tại, một số cảng vượt công suất như Nam Đình Vũ, Nam Hải … hiện tại một số cảng nhỏ sẽ có sự dịch chuyển, việc xây dựng Cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 2 không có vấn đề dư cung.

Giá sàn và tính cạnh tranh vì một số cạnh tranh, cảng vẫn đưa ra một số ưu đãi khác cho hãng tàu để tăng sức cạnh tranh. Trong năm 2021, cảng ở Hải Phòng đã từng bước tăng một số dịch vụ bốc dỡ…

Đánh giá vùng xa bồi ở Hải Phòng, nằm trong kế hoạch nạo vét hàng năm và kế hoạch, đây là kế hoạch từ khi đầu tư.

Đánh giá tắc nghẽn ở khu vực cảng Hải Phòng, với lợi thế về số lượng cầu bến với các cỡ tàu khác nhau trong khu vực, GMD trước kia các hãng tàu khai thác theo ngày. Tuy nhiên, giờ lịch tàu thay đổi liên tục nên ảnh hưởng tới khả năng sắp xếp. Đối với nhóm cảng ở Hải Phòng với lợi thế về số lượng cầu bến với các cỡ tàu khác nhau trong khu vực, GMD vẫn đáp ứng tốt nhu cầu và đây là cơ hội cho việc phát triển thêm nguồn hàng và hãng tàu mới cho hệ thống cảng GMD.

Lợi thế cạnh tranh của nhóm cảng Hải Phòng so với đối thủ?

So với thị trường, Gemadept có hệ sinh thái logistics và cảng biển trải dài trong cả nước là lợi thế vượt trội trên thị trường.

Cảng Nam Hải Đình Vũ và cảng Nam Đình Vũ của GMD tại Hải Phòng đều có khả năng đón nhận tàu lớn nhất vào khu vực Đình Vũ hiện nay.

Giá sàn khu vực cảng biển Hải Phòng?

Việc áp dụng giá sàn là tuân thủ theo quy định. Để nâng cao tính cạnh tranh các cảng đều nghiên cứu áp dụng một số chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị gia tăng nhằm giữ chân khách hàng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục