ĐHCĐ Gemadept: Cảng Nam Đình Vũ có lãi trong năm 2019, Gemalink Cái Mép sẽ vận hành trong quý III/2020

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 16/5, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Gemadept (GMD) cho biết, thông thường khi dự án khai thác cảng mới đi vào hoạt động cho đến thời điểm break even (điểm hoà vốn) mất 2-3 năm, nhưng với cảng Nam Đình Vũ thì điểm hoà vốn ngay trong năm đầu tiên và năm 2019, hi vọng sẽ bắt đầu có lợi nhuận cho GMD.
ĐHCĐ Gemadept: Cảng Nam Đình Vũ có lãi trong năm 2019, Gemalink Cái Mép sẽ vận hành trong quý III/2020

Cảng Nam Đình Vũ có lãi trong 2019, Gemalink từ 2021

Tháng 5/2018, GMD đánh dấu tăng tốc khai thác vận tải biển thông qua việc đưa dự án Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 đưa vào khai thác. Ông Nhân kỳ vọng, năm 2019 sẽ bắt đầu có lợi nhuận. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch để thực hiện đầu tư giai đoạn 2.

Năm 2019, GMD mở rộng mạng lưới logistics tại vùng kinh tế trọng điểm, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long; mảng khai thác cảng tiếp tục được nâng cấp trang thiết bị tại các cảng hiện hữu.

Đồng thời, GMD triển khai 2 dự án cảng trọng điểm, trong đó, ở phía Bắc là dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, tương đương giai đoạn 1.

Quý I, Nam Đình Vũ đạt trên 70.000 TEUs, tương đương 22% so với kế hoạch năm (là 330.000 TEU, tương ưng 66% công suất thiết kế). Giai đoạn 1 dự kiến đạt 100% công suất thiết kế sau 3 năm hoạt động (sau 2020). Giai đoạn 2 cũng dự kiến khởi công trong năm 2019. Mục tiêu sau 2022, cả hai giai đoạn đều full công suất.

Ở khu vực phía Nam, GMD triển khai dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam là Gemalink Cái Mép, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 6.500 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Nhân cho biết, đến nay, thu xếp tài chính và nguồn vốn cho dự án Gemalink Cái Mép đã hoàn thành, nhà thầu chính của dự án đã được phê duyệt nên ngay trong tháng 2/2019 đã tiến hành khởi công xây dựng cảng nước sâu này. Dự kiến quý III/2020 sẽ đưa vào khai thác và khi nào có 1 nửa lượng hàng thì có lãi.

Dự kiến, năm 2020, dự án Gemalink Cái Mép mới đưa vào khai thác nên chỉ được 200-300 ngàn TEUs, nhưng đến năm 2021, dự kiến 1,2 triệu TEUs và chắc chắn có lãi. Còn hòa vốn thì kế hoạch là 9 năm. 

Theo ông Nhân, 2 dự án này khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giúp GMD tăng gấp đôi công suất và trở thành doanh nghiệp hàng đầu về khai thác cảng và logistics tại thị trường Việt Nam.

Năm 2018, CJ và GMD đã hợp tác thành lập liên doanh Gemadept - CJ Logistics. Lãnh đạo GMD cho biết, CJ hỗ trợ cho GMD về công nghệ, hệ thống, hỗ trợ quản trị khách hàng chuỗi và toàn bộ chuỗi cung ứng của khách hàng lớn. Đồng thời, giới thiệu cho GMD một số khách hàng Hàn Quốc, đa quốc gia  mà công ty chưa tiếp cận được. Đặc biệt, CJ phối hợp cùng GMD đưa ra thị trường sản phẩm tư vấn logistics - là đơn vị hiếm hoi cung cấp thị trường này và hiện đã có vài khách hàng. 

Ngoài ra, CJ còn hỗ trợ GMD tham gia đấu thầu khách hàng lớn như Samsung, Orion, Cocacola... và có những đợt trao đổi nhân viên để giúp nâng cao hơn về chất lượng nhân sự. CJ còn kết nối GMD với thành viên chủ chốt trong Tập đoàn CJ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông..., đây là cơ sở tốt để GMD chung hệ thống network toàn cầu.

Kế hoạch tăng lợi nhuận 15% và chủ trương thoái vốn đầu tư vào bất động sản, cao su

Ban lãnh đạo GMD cho biết, tăng trưởng của logistics khoảng 14-18% nhờ hưởng lợi từ sự quan tâm của Chính phủ, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, hoạt động của cộng đồng logistics nâng cao năng lực... Theo đó, logistics trở thành xu hướng hot trong ngành, trong đó thương mại điện tử và bán lẻ có tốc độ nhanh hơn.

Hiện liên doanh CJ - GMD sẽ nghiên cứu, đưa vào hoạt động 1 trung tâm để đưa vào kênh bán hàng E-commerce hiện đại, quy mô tương đương Hàn Quốc, tầm cỡ thế giới. Liên doanh đang tiếp cận để hợp tác với 1 hoặc 2 công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Ngoài ra, GMD cũng nghiên cứu M&A các công ty khác để hoàn thành hệ sinh thái, đối tượng hướng đến là tập trung cho vận tải và phân phối. GMD là công ty logistics có đầu tư vào tài sản (bên cạnh con người) sẽ là xu thế. Mục tiêu của GMD là duy trì tăng trưởng 20-30%/năm và cải thiện biên lợi nhuận trong lĩnh vực logistics.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, GMD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so kết quả năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 695 tỷ đồng hoàn toàn đến từ sản xuất kinh doanh thông thường.

Nếu so sánh với con số đạt được trong 2018 thì lợi nhuận chỉ bằng 32% nhưng nếu loại trừ lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng vốn gần 1.600 tỷ đồng trong 2018, thì con số kế hoạch lợi nhuận 2019 tăng 15% so với năm 2018. "Đây là một thách thức đối với GMD trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác cảng và logistics chỉ đặt mục tiêu bằng 80-90% so với năm ngoái", ông Nhân nói.

Cũng tại Đại hội, Lãnh đạo GMD cho biết, Công ty có chủ trương thoái vốn khoản đầu tư vào cao su ở Campuchia và các dự án bất động sản khi tìm được đối tác trả giá hợp lý.

Đối với mảng bất động sản, hiện GMD đang có 2 dự án là cao ốc Saigon Gem và khu phức hợp Vientiane, Lào.

Trong đó, chia sẻ với các cổ đông về dự án Saigon Gem tọa lạc tại khu đất vàng thành phố Hồ Chí Minh, ngay góc ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa với tổng diện tích đất 3.640 m2, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD cho biết, đất thuộc sở hữu Nhà nước, GME được thuê 50 năm, trả phí 1 lần. Hiện đang vướng thủ tục do có cổ đông nhà nước nên chưa triển khai xây dựng.

Ông Minh kỳ vọng trong năm nay, vướng mắc về thủ tục sẽ được giải quyết xong. Khi đó, Công ty sẽ triển khai xây dựng tổ hợp văn phòng cho thuê hoặc tìm được đối tác trả giá tốt để thoái vốn. Hiện công ty cũng đã có danh sách khoảng 10 nhà đầu tư tiềm năng đang làm việc, nếu đạt được thỏa thuận giá tốt GMD sẽ thoái vốn.

Còn với dự án rộng 6.715 m2 nằm tại vị trí vô cùng đắc địa ngay tại đại lộ Lane Xang của Thủ đô Lào, được thiết kế gồm 7 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn 21.329 m2, hiện đã được cấp phép xây dựng, đang hoàn thành công tác đóng cọc thí nghiệm và lắp đặt trạm biến áp 315KVA để sẵn sàn thi công công tác cọc đại trà, cọc vây và tầng hầm trong năm 2019. 

Liên quan đế dự án Khu dân cư Rạch Chiếc, GMD cho biết, trước đây, Công ty có đầu tư thứ cấp 1 dự án, mà phần của GMD là hơn 50 biệt thự ở ngay cạnh sân golf Rạch Chiếc. Nhà đầu tư cấp 1 là CTCP Dịch vụ địa ốc quận 10 đang vướng những chuyện pháp lý. Tuy nhiên, theo Ban lãnh đạo Công ty tiết lộ, giá vốn GMD rót vào dự án này không đáng kể, chỉ vài tỷ đồng. 

Đối với mảng cao su tại Campuchia, Công ty dừng trồng mới và chỉ chăm sóc. Lô cao su đầu tiên có thể khai thác thử trong năm 2019. "Hiện do giá mủ cao su chưa cao, khi thị trường tốt hơn GMD sẽ thực hiện khai thác đại trà", ông Minh cho biết.

Ngoài ra, GMD cũng đã thông qua tại Đại hội mức chia cổ tức năm 2018 là 15% bằng tiền (tương đương 1.500 đồng/cp); trích 3% lợi nhuận sau thuế từ sản xuất kinh doanh thông thường (là 604 tỷ đồng) cho quỹ Hội đồng quản trị, trích 5% lợi nhuận sau thuế từ sản xuất kinh doanh thông thường vào quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục