ĐHCĐ dệt may Thành Công (TCM): E-land chiếm đa số ghế trong HĐQT, ông Nguyễn Văn Nghĩa trúng cử HĐQT nhiệm kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã tiến hành bầu cử HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2021-2025, trong đó 5/9 nhân sự tham gia HĐQT TCM nhiệm kỳ mới là người của E-land.
HĐQT TCM nhiệm kỳ mới HĐQT TCM nhiệm kỳ mới

HĐQT TCM: E-land chiếm đa số ghế, ông Nguyễn Văn Nghĩa trúng cử

HĐQT TCM nhận được hai hồ sơ đề cử từ hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Nghĩa sở hữu hơn 7,6 triệu cổ phần, tương đương 12,37% tự ứng cử và cổ đông E-land Asia Holdings Pte., Ltd (E-land) với số lượng cổ phần sở hữu gần 26,85 triệu cổ phần, tương đương 43,26% vốn TCM đề cử 5 nhân sự tham gia HĐQT.

Các nhân sự E-land đề cử bao gồm 3 người cũ là ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc TCM; ông Trần Như Tùng, hiện đang là Phó chủ tịch, Phó tổng giám đốc TCM; bà Nguyễn Minh Hảo, kế toán trưởng kiêm thành viên HĐQT TCM.

Cùng với 2 nhân sự mới là ông Jung Sung Kwan, Phụ trách ngành hàng may mặc của Công ty E-land Retail, Hàn Quốc và ông Kim Il Kyu, Phó chủ tịch Tập đoàn E-land kiêm Đại diện Công ty Xây dựng E-land.

HĐQT đương nhiệm đề cử 3 nhân sự cho vị trí thành viên HĐQT độc lập, gồm:

(1) Ông Đinh Tấn Tưởng, sinh ngày 14/4/1963, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt.

(2) Ông Kim Jong Gak, sinh ngày 13/5/1966, quốc tịch Hàn Quốc, là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Hàn Thời Điểm và Công ty TNHH Seedon Partners; Chủ tịch Hội Hàn kiều TP.HCM.

(3) Ông Park Heung Su, sinh ngày 20/9/1966, quốc tịch Hàn Quốc, là Tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu và phát triển công nghệ dệt may. Hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH Kotiti Việt Nam.

Bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT TCM gắn bó với TCM từ năm 1980, đã đến tuổi về hưu cách đây vài năm, nay hết nhiệm kỳ, bà Huệ cũng có đơn từ nhiệm HĐQT.

Kết quả bầu cử, toàn bộ nhân sự kể trên đều trúng cử HĐQT.

Năm 2021, tái khởi động dự án bất động sản, đầu tư nhà máy thứ 2 tại Vĩnh Long

Năm 2021, TCM đặt kế hoạch doanh thu 4.218 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 290 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 25%.

Nền kinh tế thế giới được dự báo cũng còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ bệnh dịch Covid, đăc biệt trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình trạng thiếu container làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có dệt may.

Tuy nhiên, năm 2021 cũng được xem là cơ hội cho ngành dệt may khi hiệp định thương mại EVFTA được thông qua tháng 8/2020 và bắt đầu phát huy tác dụng khi nhu cầu vải trong nước đang cao dần, những nhãn hàng lớn cũng đang có xu hướng mua vải tại Việt Nam để sản xuất thay vì phải nhập từ Trung Quốc như trước kia. Ngoài ra, giá sợi những tháng đầu năm 2021 đang tăng dần giúp cho biên lợi nhuận được cải thiện so với các năm trước.

Để thực hiện kế hoạch, TCM sẽ kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường ở EU và các nước trong khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), bên cạnh những khách hàng hiện có. Đồng thời, TCM tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc KOTITI để phát triển các mặt hàng sợi và vải mới dựa trên xu hướng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, Công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long với công suất tương đương nhà máy số 1 để tăng năng lực sản xuất cho ngành may.

Theo TCM, Công ty đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy May - Đan - Nhuộm để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu đồng thời đáp ứng cho các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Về mặt hàng thời trang, Công ty phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.

Với các dự án bất động sản, Công ty đang hợp tác cùng đối tác trong nước để sớm hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại địa chỉ 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú và khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.

Trong năm 2020, TCM cho ra mắt thương hiệu thời trang mới INNOF với chất lượng cao hiện đang bán tại thị trường trong nước, phát triển thương hiệu thời trang ONLEE xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua kênh bán hàng thương mại điện tử AMAZON và bước đầu ghi nhận doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty đã vừa cho ra đời trang thương mại điện tử với thương hiệu DE CLOSET chuyên về bán hàng thời trang.

Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của TCM đạt được 276,2 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch. Với kết quả đó, HĐQT TCM đề xuất nâng cổ tức từ 10% lên 20%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt 5% (đã tạm ứng ngày 4/2/2021) và sẽ phát hành thêm gần 9,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu từ nguồn vốn đầu tư và phát triển, dự kiến trong tháng 6/2021. Vốn điều lệ Công ty sau khi chi trả cổ tức tăng từ 620,7 tỷ đồng lên 713,63 tỷ đồng.

Một số thảo luận tại Đại hội

Với đà tăng trưởng tốt thì cổ phiếu TCM có được vào chỉ số VN Diamond sắp tới không?

TCM không phải là đơn vị quyết định, theo chia sẻ từ các công ty chứng khoán, các quỹ và so sánh với các tiêu chỉ vào rổ chỉ số VN Diamond, thì khả năng TCM lọt vào rổ VN Diamond trong thời gian tới.

Kết quả quý I/2021 của Công ty?

Quý I/2021, Công ty ước đạt doanh thu 39 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 2,6 triệu USD, tăng lần lượt hơn 20% và gấp đôi cùng kỳ.

Thuận lợi và khó khăn khi phát triển thị trường châu Âu, các kế hoạch cụ thể, lợi nhuận từ thị trường này so với các thị trường khác?

Ông Lee Eun Hong: Có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)…, thì thị trường của họ là Mỹ. Còn với TCM, đã phát triển thị trường EU vài năm nay. TCM thỏa mãn các tiêu chí và điều kiện để phát triển thị trường về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và đội ngũ nhân sự.

Ngoài ra, các yêu cầu từ các hiệp định thương mại, thể chế chính trị, cũng như yêu cầu về phát triển bền vững của thị trường EU thì TCM cũng đáp ứng được

Kết quả mảng sợi tốt trong quý I có tiếp diễn các quý tới?

Khó dự báo ngành sợi trong 2 - 3 năm tới do phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài, thường cứ 3 - 4 năm khó khăn, đi xuống thì sau đó hồi phục lại. Năm ngoái, giá bông và sợi tăng tốt, kỳ vọng tiếp tục, nhưng không biết được sẽ tiếp diễn trong bao lâu

Chính phủ Mỹ và châu Âu làm chặt các tiêu chí và cấm toàn bộ bông có nguồn gốc ở khu tự trị Tân Cương, nên dự báo nhu cầu cao hơn so với nguồn cung. Điều này khiến giá bông, sợi tăng lên.

Sản phẩm của TCM gồm sợi, vải và áo, nên khi giá sợi tăng lên thì giá bán tăng lên, khách hàng không chịu. Theo đó, thuận lợi cho sợi, khó khăn cho may mặc, nên việc của ta là phải có giải pháp ứng phó phù hợp với điều kiện thị trường

Doanh thu năm 2020 theo thị trường và theo sản phẩm?

Áo 70%, vải 18 - 20%, sợi 5 - 7% và các sản phẩm khác.

Mục tiêu cụ thể phát triển kênh online?

Năm 2020, đánh dấu rõ ràng chuyển từ offline sang online và sẽ tiếp diễn trong tương lai. Công ty đã phát triển thương hiệu thời trang ONLEE và bán hàng qua kênh thương mại điện tử Amazon. Mới chỉ là bước đầu, nhưng cũng được khách hàng mua hàng đánh giá tốt.

TCM đang làm nền tảng để bán hàng online, nhưng sẽ không như các đại gia Shopee, Lazada, Tiki…, mà vì đây là xu hướng, nên TCM tự phát triển theo chi phí thấp nhất, thử thị trường này, nếu tốt thì bán sản phẩm của TCM và E-land để bán trên kênh đó ở thị trường Việt Nam.

Tiến độ đầu tư nhà máy mới tại Vĩnh Long, điểm hoà vốn và khi nào đi vào hoạt động?

Đã có nhà máy số 1, với số lao động 1.500 người. Công ty xây dựng nàh máy số 2 khởi công tháng 4/2021, hoàn thành tháng 9/2021, công suất 8 triệu sản phẩm. Thời gian qua TCM nhận nhiều đơn hàng, phải mang ra ngoài gia công, khách hàng không hài lòng lắm về điều này, vì TCM sẽ khó kiểm soát tốt về chất lượng và thời gian giao hàng.

Ngoài ra, vấn đề liên quan đến Tân Cương (Trung Quốc) và Mỹ, châu Âu, khiến các nhà nhập hàng không mua vải ở Trung Quốc. Theo đó, họ dịch chuyển sang mua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, khiến nhu cầu vải tăng. TCM tính toán sẽ đầu tư nhà máy đan năm 2022 - 2023, còn nhuộm thì mua lại nhà máy ở khu vực phía Nam, do vấn đề cấp giấy phép nhà máy nhuộm rất khó.

Vì sao doanh thu tăng 22%, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 5%. Kế hoạch đầu tư cần bao nhiêu vốn?

Năm 2020, dịch Coivd diễn ra toàn cầu, may mắn TCM nhận được đơn hàng đồ bảo hộ, y tế từ khách hàng bên Mỹ. Đơn hàng đó mang lại biên lợi nhuận tốt cho TCM.

Giai đoạn đầu, họ chưa tìm được nhà cung cấp, thì sau đó có nhiều nhà cung cấp giá cạnh tranh hơn như Nam Phi (khoảng cách địa lý gần hơn) thì TCM nói chung không còn được hưởng lợi nhiều.

Ngoài ra, các chi phí khấu hao của TCM cũng hết, các chi phí khác cũng thấp hơn, góp phần mang biên lợi nhuận cao hơn.

Năm 2021, không còn các đơn hàng như thế này, nhưng Công ty cũng sẽ nỗ lực để có hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Về nguồn vốn đầu tư, vay ngân hàng 30% tài trợ cho nhà máy 2 tại Vĩnh Long. Còn với nhà máy đan và nhuộm thì quy mô cần vài chục triệu USD, thì có thể tính phương án huy động vốn cổ đông các năm sau.

Kế hoạch cụ thể về các dự án bất động sản của TCM?

TC Tower dự kiến pháp lý cần khoảng 12-15 tháng, doanh thu và lợi nhuận khoảng 2 - 3 năm sau sẽ ghi nhận.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục