ĐHCĐ Descon lần 3: Thỏa hiệp và dè chừng

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ lần ba của CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC), nhiều mảng tối của Công ty kể từ ngày hậu M&A được phơi bày, tương lai được “tô vẽ” khá sáng sủa, nhưng vẫn tồn tại không ít hoài nghi.
ĐHCĐ Descon lần 3: Thỏa hiệp và dè chừng

ĐHCĐ Descon lần 3: Thỏa hiệp và dè chừng ảnh 1Tại đại hội lần 3, nhóm cổ đông lớn bên ngoài đã không còn đề xuất giải thể DCC

 

Tinh thần thỏa hiệp

“Thắng lợi tinh thần” đưa được ĐHCĐ về tổ chức tại TP. HCM (thay vì Bình Dương như đại hồi lần hai trước đó) đã khiến nhóm cổ đông lớn bên ngoài không đề xuất xem xét việc giải thể Công ty như dự định.

Tài liệu dự họp của DCC thể hiện sự thỏa hiệp giữa các nhóm cổ đông ở danh sách đề cử thành viên HĐQT. Xen kẽ giữa các ứng viên của Tập đoàn Bình Thiên An (BTA) là đại diện một số NĐT tổ chức bên ngoài. Đặc biệt, danh sách này không có tên nhân vật gây tranh luận là ông Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch HĐQT DCC, Tổng giám đốc CTCP Beton6 - người ký văn bản triệu tập ĐHCĐ DCC hai lần trước đó (xem ĐTCK số 73).

Sự thỏa hiệp thể hiện rõ ở kết quả bầu cử khi BTA nắm hai ghế trong HĐQT, một đại diện của Beton6 thay thế vị trí của ông Hậu và hai ghế còn lại thuộc về nhóm cổ đông bên ngoài. Một bất ngờ nhỏ là ông Trịnh Thanh Huy, đại diện của BTA, “linh hồn” phe thâu tóm DCC hai năm trước, nhận được phiếu bầu rất thấp, không trúng cử vào ghế thành viên HĐQT DCC. Có thể xem đây như là sự “rút lui chiến thuật”, vì với hai ghế đang nắm giữ và một ghế của Beton6, BTA vẫn đang kiểm soát 3/5 ghế thành viên HĐQT của DCC.

 

Kỳ vọng tương lai

Chủ tọa đại hội, ông Trịnh Thanh Huy, thành viên HĐQT DCC đã vẽ ra một bức tranh khá ảm đạm về hiện trạng của Công ty sau ĐHCĐ bất thường vào cuối năm 2010. Theo ông Huy, giai đoạn 2008 - 2010, trong mảng hoạt động chính, DCC kinh doanh toàn thua lỗ. Việc đầu tư các dự án bất động sản tràn lan và không rõ ràng về mặt pháp lý, sự thiếu minh bạch trong quản trị khiến thương hiệu Descon bị suy giảm, năng lực giảm sút. Trong cả năm 2011, DCC không ký được hợp đồng xây lắp mới nào và nếu có cũng không đủ năng lực thực hiện. Sắp tới, DCC sẽ thực hiện các đợt tái cơ cấu tài chính bằng cách bán ra nhiều tài sản, trong đó có những dự án chấp nhận lỗ 2/3 vốn đầu tư.

“Về tổng thể, cần 5 - 7 năm để vực dậy thương hiệu Descon, khi những nhân sự giỏi, có kinh nghiệm đã ra đi hết; còn hiện tại, những ai rất dũng cảm mới làm việc cho DCC”, ông Huy nói.

Bà Nguyễn Thị Hạnh Hương, Tổng giám đốc DCC, thành viên HĐQT mới trúng cử cho biết, DCC không còn tiền mặt, nhưng ưu điểm là không phải đi vay, không chịu áp lực về chi phí vốn. Bà Hương trình bày chiến lược phát triển DCC giai đoạn năm 2012 - 2017 với các chỉ tiêu khá tích cực. Trong đó, năm 2012, DCC đặt chỉ tiêu doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng (các con số thể hiện trong báo cáo thường niên tương ứng là 313 tỷ đồng và âm 5,1 tỷ đồng).

Ban điều hành DCC còn cho biết, dự định sẽ niêm yết DCC trở lại trong vòng 2 năm tới và năm 2013, các cổ đông bắt đầu được nhận cổ tức.

Về kế hoạch nêu trên, ông Lê Hà Giang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang - cổ đông lớn của DCC, thành viên HĐQT DCC mới được bầu nhận xét: “Chiến lược được xây dựng chưa lường đến các khó khăn về kinh tế vĩ mô và sự ảm đạm của thị trường bất động sản 3 năm tới. Một kế hoạch xây dựng không thực tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi sau này. Nên điều chỉnh kế hoạch xuống mức hợp lý”.

Ông Lê Văn Thương, người gắn bó với DCC 23 năm cũng tỏ ra hoài nghi khi nhắc lại lời hứa của BTA trước đây “tiếp nhận DCC sẽ tạo ra mức tăng trưởng hàng năm 30% và lợi nhuận cũng tăng tương ứng” và nêu câu hỏi: “Các anh đã làm được chưa hay chỉ hứa để lấy lòng cổ đông?”.

Ông Nguyễn Cửu Long, cựu thành viên HĐQT DCC bày tỏ sự thất vọng: “Đã có một cuộc cách mạng thực sự tại DCC. Ban đầu, cuộc cách mạng đó mang màu sắc minh bạch, trong sáng. Thời điểm đó, những người Descon còn ở lại và các cổ đông đều kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng sau một năm, tôi không còn nhận ra hình ảnh Descon ngày nào với hệ thống làm việc mới. Ai chỉ cho tôi xem DCC minh bạch, trong sáng hơn ở chỗ nào hay chỉ là bước thụt lùi đáng xấu hổ đến bờ vực phá sản? Nếu như minh bạch về tài chính và công bố thông tin kịp thời, thì cổ phiếu DCC đã không bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán”.

Trong khi Ban lãnh đạo DCC vẽ ra một tương lai tươi sáng, thì những cổ đông, cán bộ lãnh đạo cũ lại rất bi quan và tỏ ra thiếu tin tưởng. Thương vụ thâu tóm một thời ồn ào trên TTCK Việt Nam có lẽ cần chờ thêm vài năm để lộ diện những ẩn số về hiệu quả thực.         

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục