ĐHCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lãi tăng gần 36%, tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên 2023 CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã chứng khoán ORS) sáng nay (19/4) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 4.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho các mảng hoạt động.
ĐHCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lãi tăng gần 36%, tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng

Kế hoạch lãi 2023 tăng gần 36%

Năm 2023, TPS đánh giá sẽ có nhiều tiềm năng có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam, phục hồi và phát triển thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam.

Với thị trường chứng khoán, TPS nhìn nhận là đã qua giai đoạn khó khăn nhất dù còn nhiều yếu tố bất lợi. Các nhóm vấn đề được dự báo là ảnh hưởng lớn và dẫn dắt thị trường năm 2023 nổi bật là chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, chính sách tài khóa mở rộng với gói kích thích đầu tư công, đó sẽ là khung sườn hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế 2023-2025.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh, cùng với việc 6,8 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong 2 năm qua cũng là nền tảng, hỗ trợ để thị trường phát triển giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, trải qua giai đoạn trầm lắng trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, cũng như thị trường trái phiếu nói chung, điều tiết được áp lực trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong vòng 2 năm tới. Các Ngân hàng cũng đang giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Với nhìn nhận khả quan như trên, TPS đặt kế hoạch năm 2023 với doanh thu 2831 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng, tăng trưởng 35,62% so với mức đã thực hiện năm 2022.

Theo định hướng, TPS sẽ tập trung đa dạng hóa doanh thu với mảng hoạt động chính yếu là dịch vụ ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán và tự doanh. Đồng thời, TPS mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp thêm cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới để qua đó tăng nguồn thu.

Trong đó, TPS sẽ tiếp tục mở rộng thị phần môi giới cổ phiếu, duy trì vị thế dẫn đầu thị phần tư vấn phát hành trái phiếu khi thị trường hồi phục, tận dụng thế mạnh cạnh tranh từ chuyển đổi số và hệ sinh thái TPBank.

Trong năm 2022, TPS cũng đã nhận giải thưởng “Công ty chứng khoán chuyển đổi số sáng tạo nhất Việt Nam” do Global Business Outlook Awards bình chọn, được Asian Banking and Finance Awards vinh danh “Giải pháp sản phẩm dịch vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam năm 2022”.

Trong hoạt động môi giới cổ phiếu, TPS tiếp tục chuẩn hóa chất lượng đội ngũ, tuyển dụng chọn lọc các nhân sự môi giới có chất lượng; đẩy mạnh phát triển mạng lưới đối tác phát triển thị trường; xây dựng và quản lý chặt chẽ danh mục cho vay giao dịch ký quỹ, giám sát và thực hiện nghiêm ngặt các quy định xử lý tài sản, quản trị rủi ro, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ xấu.

Riêng với hoạt động dịch vụ liên quan đến trái phiếu, TPS sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng với các tổ chức phát hành trong việc thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu.

Khi thị trường trái phiếu hồi phục, TPS sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, duy trì vị thế là một đơn vị hoạt động dịch vụ ngân hàng đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam. Việc lựa chọn tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín, năng lực để cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu sẽ vẫn là mục tiêu chiến lược của Công Ty trong thời gian tới.

Năm 2022, đối diện với nhiều thách thức từ vĩ mô thế giới đến trong nước, thị trường chứng khoán suy giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản, thị trường trái phiếu ảm đảm, kết quả kinh doanh của TPS cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Kết thúc năm 2022, TPS ghi nhận doanh thu 2.733 tỷ đồng, tăng gấp đôi thực hiện so với năm 2021, đến từ đa dạng các mảng hoạt động của CTCK; nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 36% về 136 tỷ đồng. TPS không có kế hoạch phân phối lợi nhuận giữ lại để dự trù cho các kế hoạch phát triển trong năm 2023.

Tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, phát hành thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu

Do tình hình tài chính và thị trường chứng khoán không thuận lợi trong năm 2022, TPS đã tạm hoãn kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch này được HĐQT TPS trình cổ đông tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Việc tăng vốn, theo TPS để nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn cho các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành, thực hiện các hoạt động đầu tư và/hoặc cơ cấu nợ công ty. Công ty đồng thời cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, cung cấp thêm sản phẩm dịch vụ tài chính mới, chẳng hạn như chứng quyền có bảo đảm.

Phương thức thực hiện có thể bằng một trong 2 cách. Thứ nhất, phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với một trong 2 tỷ lệ thực hiện quyền, gồm 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) hoặc 200 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1). Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Thứ hai, chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Đối tượng chào bán cần đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nội dung quan trọng khác là TPS trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023. Trái phiếu phát hành sẽ là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có hoặc không có bảo đảm. Lãi suất và kỳ tính lãi của trái phiếu sẽ được HĐQT quyết định phù hợp với nhu cầu vốn và tình hình tài chính tại từng thời điểm. Đối tượng phát hành là các tổ chức kinh tế, định chế tài chính, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư chứng khoán cá nhân/tổ chức có nhu cầu đầu tư trái phiếu.

ĐHCĐ TPS cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 -2026.

Cụ thể, thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Trần Sơn Hải và miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát đối với Bà Trần Thanh Hương vì lý do cá nhân.

Việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao của TPS, hướng tới giữ vững mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bám sát định hướng chiến lược của Chứng khoán Tiên Phong.

Kết quả bầu cử được công bố là bà Bùi Thị Thanh Trà được bầu vào vị trí thành viên HĐQT. Bà Trà được biết đến là Tổng giám đốc đương nhiệm của TPS.

Bà Bùi Thị Thanh Trà, sinh năm 1976, nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Chứng Khoán Tiên Phong, là người có nhiều kinh nghiệm làm việc, điều hành các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp, bất động sản, chứng khoán… Bà Trà gia nhập và đồng hành cùng TPS ngay từ những ngày đầu tái cơ cấu (tháng 3/2019). Trước thời điểm được bổ nhiệm là Tổng giám đốc của TPS, Bà Trà đã đảm nhận các chức vụ Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Vận hành, Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư IB tại TPS.

Bà Đinh Thị Ngọc Mai, sinh năm 1981, được bầu vào vị trí thành viên Ban kiểm soát. Bà Mai có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…

Toàn bộ tờ trình được ĐHCĐ thông qua.TP

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục