Cụ thể, năm 2021, HSC đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 2.668 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lần đầu tiên trên mốc ngàn tỷ đồng, ở mức 1.203 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 68% và 82%.
Kế hoạch này dựa trên dự báo thanh khoản thị trường với giá trị giao dịch bình quân ngày trên thị trường cơ sở đạt 15.133 tỷ đồng, nước ngoài chiếm 8% trong tổng giao dịch, phái sinh gần 200 nghìn hợp đồng/ngày. Thị trường tăng 7% trong quý I và dự báo tăng tốt trong quý II.
Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROAE) năm 2021 tăng dự kiến đạt mức 17,1%. Trong đó, hoạt động môi giới, cho vay margin và hoạt động tự doanh vẫn là các mảng kinh doanh chính dẫn dắt lợi nhuận cho HSC trong năm 2021.
Bao gồm, hoạt động môi giới khối khách hàng cá nhân hơn 700 tỷ đồng phí môi giới dựa trên các giả thiết về thị phần môi giới cổ phiếu ở mức khoảng 6% tổng khối nội và thị phần môi giới phái sinh đạt mức 12% toàn thị trường.
Khối khách hàng tổ chức dự kiến mang về doanh thu phí môi giới 334 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 - đây là thế mạnh nhiều năm qua của HSC. Mục tiêu trong năm 2021 của HSC là tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp đến khách hàng tổ chức và tham gia tích cực vào các giao dịch lô lớn với mục tiêu giữ vững mức thị phần 24% trong tổng khối ngoại toàn thị trường.
Ngay trong quý I/2021, trong vai trò co-book runner bên cạnh tên tuổi hàng đầu thế giới là Ngân hàng đầu tư Credit Suisse, HSC đã thực hiện thành công giao dịch lô lớn cổ phiếu ACB với giá trị lên tới 150 triệu USD.
Với mảng cho vay ký quỹ (margin), HSC đánh giá tiếp tục có mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng với sự tham gia mạnh mẽ của các Công ty chứng khoán có vốn nước ngoài, các Công ty chứng khoán của các Ngân hàng với lợi thế về nguồn vốn lớn và chi phí vốn rẻ.
Các con số kế hoạch này chưa tính đến việc HSC dự kiến sẽ tăng vốn trong năm 2021 thông qua việc phát hành 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 2.100 tỷ đồng.
Mảng tự doanh, HSC sẽ tập trung mở rộng hoạt động trên thị trường phái sinh, gia tăng quy mô phát hành chứng quyền có đảm bảo song song với việc điều chỉnh chiến lược cho hoạt động đầu tư cổ phiếu để bắt nhịp cùng với thị trường. Dự kiến doanh thu lãi từ tự doanh năm 2021 đạt 565 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020.
Và Mảng tư vấn tài chính dự kiến đến từ hoạt động tư vấn M&A, tư vấn phát hành, niêm yết trên cả thị trường vốn và thị trường nợ, mục tiêu đạt 80 tỷ đồng doanh thu, tăng 2 lần so với năm 2020 dựa trên những thương vụ đang thực hiện và dự kiến hoàn tất trong năm 2021.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC cho biết, Công ty tự tin với kế hoạch đề ra. Quý I/2021, HSC đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng, hoàn thành 1/3 kế hoạch năm. Với điều kiện thuận lợi, thì quý II Công ty vẫn đạt kết quả khả quan.
ĐHCĐ cũng tiến hành bầu HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó ông Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch HĐQT không ứng cử nhiệm kỳ này, có 3 nhân sự cũ tiếp tục ứng cử bao gồm ông Johan Nyvenne; ông Lê Hoàng Anh và ông Lê Anh Minh là hai cá nhân đều đến từ Dragon Capital - cổ đông lớn nhất đang sở hữu 30,05% vốn.
Bốn nhân sự ứng cử khác gồm ông Trần Quốc Tú và ông Nguyễn Hồng Văn đều đang công tác tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) - cổ đông sáng lập, vẫn đang nắm giữ 23,92% vốn HSC;
Và hai nhân vật còn lại là bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - người từng đảm nhận vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cùng ông Andrew Colin Vallis là người từng đại diện cho Ngân hàng Standard Chartered tham gia vào HĐQT của Ngân hàng Á Châu (ACB), hiện công tác tại chi nhánh TP.HCM của Blue HK Investments từ Hồng Kông.
Ngoài ra, HSC trình cổ đông việc giảm room ngoại trở lại mức 49%, bởi lo ngại HSC có khả năng sẽ trở thành công ty chứng khoán nước ngoài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính của HSC.
Cụ thể, nếu vốn ngoại tại HSC vượt tỷ lệ 50%, HSC sẽ không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Trong khi đó, với nghiệp vụ tự doanh, HSC phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Còn đối với khoản đầu tư chưa thực hiện, thì việc đầu tư của HSC sẽ bị hạn chế khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Thảo luận tại đại hội:
Bên cạnh công ty chứng khoán ngoại, công ty chứng khoán có khẩu vị rủi ro cao, đẩy thị phần dựa trên nguồn vốn lãi suất thấp, tỷ lệ margin cao, HSC có giải pháp gì duy trì vị thế của mình?
Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, cuối quý I/2021 thị phần HSC là 8,7% trên sàn HOSE, đứng vị trí thứ 3 sau VPS và SSI.
Để duy trì vị thế của mình, HSC sẽ giữ nguyên tắc và kiên định với khẩu vị quản lý rủi ro của mình, tức không cho vay những cổ phiếu không có cơ bản tốt, không có thanh khoản tự nhiên, các cổ phiếu vốn hoá nhỏ. HSC không chạy theo khẩu vị rủi ro cao.
HSC cũng trì danh mục cho vay margin tương đối ổn định, có xem xét thay đổi theo diễn biến trên thị trường. Chẳng hạn trong 3 - 4 tháng vừa qua, có cổ phiếu tăng giá 10 lần thì chúng tôi cũng không theo.
Với nguồn vốn, HSC hiện đang có tỷ lệ cho vay margin tới giới hạn 2 lần vốn chủ sở hữu nên có kế hoạch tăng vốn để đáp ứng quy định cho vay ký quỹ. Khi tăng vốn, HSC sẽ gia tăng được cho vay ký quỹ. Đồng thời, HSC tích cực quan hệ với ngân hàng để mở rộng hạn mức, có 16 ngân hàng trong và ngoài nước cho HSC vay, nhưng do đã chạm mức quy định về tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu nên trong vài tháng tới cần kiên trì để vốn mới vào và khi đó sẽ mở rộng cho vay ký quỹ hơn.
"Chất lượng cho vay ký quỹ của HSC tôi rất tin tưởng. Nhu cầu thị trường đang rất lớn, HSC vẫn sẽ phải chọn lọc khách hàng, chọn lọc cổ phiếu để cho vay", ông Giang nhấn mạnh.
Thị phần trong thời gian qua có giảm một chút. Nhưng thị phần môi giới ở khối khách hàng tổ chức vẫn tốt, vẫn tăng thị phần và năm 2021 sẽ tăng hơn, còn ở thị phần môi giới trong nước có ảnh hưởng nhưng không nhiều.
HSC sẽ tăng nền tảng chuyển đổi số, làm cho giá môi giới cạnh tranh hơn, HSC áp dụng nhiều dịch vụ và sản phẩm bán chéo trong môi giới cổ phiếu. Hiện HSC đứng thứ 2 về giao dịch phái sinh, thứ 2 về giao dịch trái phiếu, và CW tương tự. Điều này mang lại nguồn thu khá tốt cho Công ty.
Đặc biệt, HSC sẽ không giảm phí xuống bằng 0. Quan trọng là khách hàng được lợi nhất, tư vấn tốt nhất, giá trị tài khoản gia tăng.
Chia sẻ cụ thể lộ trình triển khai chiến lược chuyển đổi số, mang lại hiệu quả ra sao?
Ông Giang cho biết, trong thời gian qua, số lượng nhà đầu tư giao dịch qua nền tảng số phát triển rất nhanh. HSC cũng có kế hoạch để bắt kịp diễn biến này
Trong 2020, HSC đã chuẩn bị và ra sản phẩm đầu tiên, tự làm là website myhsc và ứng dụng trên mobile, sẽ được update liên tục. Khách hàng sẽ được gia tăng trải nghiệm về quản lý tài sản, các công cụ liên quan cổ phiếu, các sản phẩm cơ sở, phái sinh, CW, trái phiếu… đều được quản lý trên nền tảng số.
Lợi thế của HSC so với các CTCK khác? Thời gian tới, HSC tập trung vào các yếu tố nền tảng nào, xu hướng biến đổi của thị trường vừa qua và sắp tới ảnh hưởng gì tới HSC?
Ông Johan Nyvene, Thành viên HĐQT Công ty cho biết, chiến lược kinh doanh của HSC đồng bộ, có khảo sát về thị trường, định hướng kinh doanh của ngành và của HSC.
"Nhưng các điều bất ngờ vẫn xảy ra, như Covid trong 2020, thị trường thay đổi nhanh, mạnh theo đó ta vẫn phải xem xét lại các yếu tố cơ bản, nền tảng của ta", ông Johan nói.
Theo ông Johan, HSC có định hướng chiến lược sẽ trở thành 1 ngân hàng đầu tư có đẳng cấp tại Việt Nam. Quản lý tài sản đang trên đường tạo lập tiền đề, cơ sở đi theo hướng đó. Chúng tôi không cạnh tranh nhiều trên yếu tố phí và lãi suất. Phí có thể giảm nhưng không miễn phí.
Yếu tố cơ bản bao gồm: dịch vụ, sản phẩm hướng đến khách hàng mục tiêu. Một trong những yếu tố biến đổi của TTCK Việt Nam là có rất nhiều nhà đầu tư mới, trẻ hơn thì HSC sẽ tìm phương án/yếu tố cơ bản khác để tiếp cận đối tượng khách hàng mới.
Kế đến, đảm bảo an toàn, ít rủi ro, phát triển bền vững thông qua cơ chế cho vay ký quỹ, tự doanh. "Chúng tôi không đoán mò thị trường khi nào lên khi nào xuống. Chúng tôi cung cấp thêm dịch vụ bảo toàn cho khách hàng, để tạo vị thế cho khách hàng để khách hàng đầu tư tốt hơn", ông Johan nói.
Năm 2020, nhiều CTCK có lợi nhuận cao hơn bình thường và cao hơn HSC, nhờ thị trường đang trên đà uptrend. HSC không bỏ nhiều vốn vào đầu tư tự doanh nên dễ hiểu không có lợi nhuận cao như CTCK khác, nhưng ngược lại, HSC cũng tự đánh giá với các cơ hội đó, HSC sẽ làm giỏi hơn trong tương lai khi hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro của mình.
Ông Johan đã nêu ra 4 nguồn lực cần tập trung phát triển của HSC để biến chuyến cơ hội thành kết quả.
Thứ nhất là con người, HSC đã tuyển dụng và thu hút đội ngũ rất tốt, và tiếp theo là phải giữ và phát triển đội ngũ này. Thứ 2 là vốn, HSC đã có kế hoạch tăng vốn để tăng lợi thế cạnh tranh. Thứ 3 là nền tảng kỹ thuật số cũng sẽ được tập trung và phát triển mạnh trong thời gian tới. Và thứ 4 là đa dạng hoá sản phẩm, HSC luôn tiên phong các sản phẩm trên thị trường như trái phiếu, CW… sẽ tiếp tục là lợi thế của HSC trong các năm tới.
Giá cổ phiếu tăng cao thời gian qua, HSC có kế hoạch điều chỉnh mức giá chặn cho vay ký quỹ không?
HSC không chặn mức giá cổ phiếu, nhưng sẽ xem xét cổ phiếu tăng vì lý do gì, nếu vì kéo giá thì sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ ký quỹ. Chẳng hạn TCM tăng mạnh, thì chúng tôi có yêu cầu tăng tỷ lệ ký quỹ, dù đây là doanh nghiệp có cơ bản tốt, nhưng giá cổ phiếu cao quá.
HSC có đầu tư trái phiếu không?
HSC không có nhu cầu đầu tư trái phiếu. HSC mua vào danh mục tự doanh cũng để phục vụ cho khách hàng. Nếu có, chỉ là trái phiếu Chính phủ và ngân hàng, còn các trái phiếu bất động sản hoặc trái phiếu lãi suất cao thì rất hạn chế.
Kế hoạch của HSC cho nền tảng i-trade thế nào?
Ông Giang cho biết: i-trade là thế hệ thứ hai, myHSC là thế hệ thứ ba. Chúng tôi chấm dứt thế hệ thứ hai từ đầu đến cuối năm, chỉ để tồn tài myHSC mới đưa ra cách đây hơn một tuần. Chúng tôi cũng có kế hoạch nâng cấp nền tảng này liên tục để tăng cường trải nghiệm cho nhà đầu tư như kết nối ngân hàng, chuyển tiền, quản lý danh mục đầu tư, bán chéo sản phẩm.
Chia sẻ kế hoạch về thị phần mảng ETF, kế hoạch kinh doanh của HSC trong mảng này?
ETF thì cơ cấu HSC là tạo lập cho sản phẩm, không phải đơn vị phát hành. Trong thời gian qua, 80% giao dịch từ nhà đầu tư tổ chức, nhờ chất lượng tạo lập cao nên 2 quỹ HSC tạo lập là VN30 và Diamond thì đã tăng NAV 20.000 tỷ đồng.
Giảm tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài tại HSC liệu có ảnh hưởng không?
Khó có áp lực bán cổ phiếu HSC, vì trong 4 tháng gần nhất, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng dưới 50%.
Dự kiến khi nào chuyển sàn HNX?
Về thời điểm, mong ĐHCĐ thông qua và giao cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp. Chúng ta chỉ chuyển giao dịch chứ không chuyển niêm yết.
"Chúng tôi sẽ không làm việc đó ngay. Việc đỡ nghẽn lệnh đã nhìn thấy có dấu hiệu tốt, nhưng chúng tôi xin để chuẩn bị trước, khi cần làm thì không cần ra đại hội cổ đông trình một lần nữa", ông Giang cho biết.
Quý I/2021, HSC tất toán gần hết danh mục tự doanh. Công ty nhận định rủi ro gia tăng với VN30 hay tiềm năng tăng giá không còn?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Giang cho biết: HSC vẫn mua bán bình thường, trong các giao dịch mua bán chủ yếu phục vụ hoạt động với khách hàng, không nhất thiết tới đây đã đủ không mua bán.
"Thị trường có sập cũng vẫn mua bán, công cụ trong tay đã đủ, HSC sẽ tập trung mua bán giá trị lớn, bluechips, không giao dịch cổ phiếu nhỏ", ông Giang nói và cho biết:
"Việc danh mục đầu tư của HSC cuối quý I/2021 còn chưa tới 200 tỷ đồng chỉ là tại 1 thời điểm. HSC có các giao dịch hợp đồng tương lai nữa chứ không phải ngồi chơi. HSC có chiến lược mua bán nạp xả tuỳ theo điều kiện thị trường và phần lớn phục vụ cho nhà đầu tư của chúng tôi".