ĐHCĐ Chứng khoán Bản Việt: Tổng giá trị các thương vụ IB đã ký 1.500-1.700 triệu USD

(ĐTCK) Tổng giá trị các thương vụ ngân hàng đầu tư (IB) mà CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) đã ký đến thời điểm này là 1.500 - 1.700 triệu USD, bao gồm cả IPO, M&A và tăng vốn. Giá trị này không thua kém năm trước nhưng do ảnh hưởng mới diễn biến, quy mô và thanh khoản thị trường được dự báo trong năm 2019 thì khả năng thực hiện của VCI có thể sẽ giảm. Ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI chia sẻ tại ĐHCĐ VCI diễn ra chiều 22/4.

Chưa năm nào lập kế hoạch khó khăn như năm 2019

Theo kịch bản mà VCI đặt ra, nếu cuối năm, VN-Index giao dịch 950-960 sẽ đạt kịch bản lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, giảm đáng kể so với thực hiện năm 2018 (hơn 1.011 tỷ đồng); nếu Index trên 1.080 thì có lợi nhuận có thể bằng năm 2018. 

Ông Hải cho rằng, làm việc 20 năm trong ngành chứng khoán, bỏ qua những năm trước thì từ năm 2005 đến nay, chưa năm nào VCI cảm thấy lập kế hoạch kinh doanh khó khăn như năm 2019 vì nhiều yếu tố bất ổn chứ không phải do bản thân công ty không làm được.
Trong khi đó, năm 2018 vừa qua được đánh giá là năm quá thành công của thị trường chứng khoán (đặc biệt là nửa đầu năm), nên khi thị trường xuống, có rất nhiều doanh nghiệp khó điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong kế hoạch huy động vốn. 

Tuy nhiên, ông Hải kỳ vọng: "Chỉ cần 1 năm, năm 2020 có thể sẽ rất tốt cho chúng ta. Thị trường chỉ cần đi ngang thì ta phục hồi được ngay”.  

Thế mạnh của VCI vẫn là tư vấn, tập trung 2 phần chính là IPO và M&A, còn các dịch vụ còn lại mang về lợi nhuận khong đáng kể. Trong năm 2019, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại tư duy lãnh đạo (mind set) để chờ đợi thời điểm thích hợp của thị trường. 

Ông Hải cho biết, năm 2018, hàng loạt các doanh nghiệp đã tạm dừng kế hoạch IPO bởi thực tế sẽ rất khó thuyết phục họ khi mà đầu năm chúng ta định giá 2 tỷ USD, cuối năm còn 1,2 tỷ USD nên phải chờ điều chỉnh. Kỳ vọng, giai đoạn cuối năm 2019 sẽ tốt hơn, để gối đầu cho năm 2020.

"Điều chỉnh ở đây có nghĩa là doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, tiếp tục tích luỹ được lợi nhuận, cộng thêm diễn biến chỉ số Index, thì doanh nghiệp vẫn có thể đạt được định giá 1,8 tỷ USD-1,9 tỷ USD, chứ không phải rớt sâu xuống 1,2 tỷ USD", ông Hải cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về doanh thu môi giới lớn hơn doanh thu IB - mảng chủ đạo, ông Hải cho biết, môi giới của Công ty hưởng lợi nhờ các thương vụ IB mang lại. Về mặt ghi nhận doanh thu, hiện VCI vẫn đang ghi nhận phát sinh ở bộ phận nào thì ghi nhận doanh thu bộ phận đó. Nếu theo đúng bản chất, doanh thu môi giới 2018 sẽ giảm khoảng 15 - 20%.

Chất vấn giá cổ phiếu VCI xuống thấp

Với thắc mắc của cổ đông về thị giá cổ phiếu giảm liên tục từ mức 7x hiện về mức 3x, ông Hải cho biết, nếu xét về hiệu quả kinh doanh, VCI vẫn đang tốt, đặt kế hoạch kinh doanh tăng cao hơn và khả năng thực hiện cũng cao hơn. Ban lãnh đạo cho biết, ước lãi quý I/2019 khoảng 240 tỉ đồng.

Tuy nhiên, VCI vẫn thừa nhận là không tập trung cho hoạt động IR đúng mức. Đầu năm 2018, giá cổ phiếu VCI cao, tỷ lệ mua vào của nhà đầu tư nước ngoài cũng cao. Giai đoạn 2017-2018, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ mức 2% lên 40% cổ phiếu VCI. Nửa cuối năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài dừng mua ròng thì giá cổ phiếu giảm. Điều này thể hiện Ban lãnh đạo chưa làm tốt công tác IR cho nhà đầu tư trong nước nên khi nhà đầu tư nước ngoài dừng mua thì nhà đầu tư trong nước không thay thế được. 

Bên cạnh đó, cổ phiếu chứng khoán bị tác động rất mạnh bởi diễn biến thị trường. Theo ông Hải, khi triển vọng thị trường chứng khoán đi xuống thì công ty chứng khoán sẽ chịu cú đúp, đó là hoạt động kinh doanh giảm do môi giới và các mảng đi kèm giảm, cộng thêm mảng tự doanh bị tác động lần nữa, điều này sẽ tác động khiến giá cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh.

Về giải pháp, ông Hải cho biết, VCI đã đưa kế hoạch cụ thể. Theo đó, HĐQT Công ty cũng có tờ trình phát hành 3,2 triệu quyền chọn mua cho HĐQT, Ban tổng giám đốc và danh sách cụ thể ủy quyền HĐQT phê duyệt. Mục đích gắn liền trách nhiệm của ban điều hành với giá trị cổ phiếu VCI. Giá thực hiện 55.000 đồng/cp, thực hiện trong vòng 3 năm kể từ ngày phát hành xác nhận quyền mua. 

Cơ sở để đưa ra mức giá 55.000 đồng/cp, ông Hải cho biết, mức giá này cao hơn 60% so với thị giá hiện nay, và cao hơn mức giá IPO (là 48.000 đồng/CP, sau khi chia tác 36% thì còn khoảng 30.000 đồng/cp) nên đây là mức giá chấp nhận được. Dĩ nhiên, Ban lãnh đạo VCI mong muốn giá cổ phiếu 3 năm sau phải tăng 80 - 85% thì Ban giám đốc mới hưởng được lợi từ đợt phát hành quyền chọn này.

Ngoài ra, VCI cũng sẽ tương tác với cổ đông nhiều hơn để cổ đông hiểu rõ hoạt động Công ty. 

Tại ĐHCĐ, VCI cũng đã thông qua các tờ trình, trong đó thống nhất trả cổ tức năm 2018 tăng từ 12% lên 14%; sẽ thực hiện phát hành ESOP hơn 1,4 triệu cp cho cán bộ công nhân viên của Công ty với giá phát hành 12.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP dự kiến được phát hành trong năm 2019 sau khi được UBCK thông qua.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục