ĐHCĐ Chứng khoán APG (APG): Sẽ có đối tác chiến lược đồng hành, tự tin lợi nhuận 120 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên 2025 CTCP Chứng khoán APG (APG - sàn HOSE) diễn ra sáng nay (25/4/2025) đã thông qua toàn bộ các tờ trình, trong đó có nhiều nội dung quan trọng bao gồm kế hoạch kinh doanh tăng vọt; chuyển trụ sở; kế hoạch huy động vốn; miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT…
ĐHCĐ Chứng khoán APG (APG): Sẽ có đối tác chiến lược đồng hành, tự tin lợi nhuận 120 tỷ đồng

Theo đó, Chứng khoán APG đặt kế hoạch năm 2025 với doanh thu 300 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận 120 tỷ đồng, gấp 4 lần so với tờ trình cũ.

Đáng chú ý, APG bổ sung 2 tờ trình huy động vốn tổng cộng 3.200 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, APG dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá phát hành dự kiến không thấp hơn 12.000 đồng/CP cho dưới 100 nhà đầu tư là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Dự kiến số tiền huy động được là 1.200 tỷ đồng sẽ được ưu tiên phân bổ theo thứ tự như sau: 840 tỷ đồng (tương ứng 70% nguồn vốn huy động) bổ sung và cung ứng vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và cho vay ứng trước tiền bán; 180 tỷ đồng đầu tư giấy tờ có giá và công cụ nợ; 180 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành.

APG cũng cho biết, do công ty phát sinh lỗ trước thuế 146 tỷ đồng trong năm 2024 nên không đủ điều kiện chào bán cho cổ đông hiện hữu theo quy định, nên việc lựa chọn hình thức chào bán riêng lẻ là phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế. Đây cũng là cơ hội để tiếp cận vốn dài hạn, cải thiện chất lượng quản trị và tăng tính bền vững cho quá trình tái cấu trúc.

Nếu hoàn thành, APG sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 2.236 tỷ đồng lên mức 3.236 tỷ đồng.

ĐHCĐ APG cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, lãi suất tối đa 9%. Vốn huy động được sử dụng để tăng quy mô đối với hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin), đầu tư vào các giấy tờ có giá và các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.

Trái phiếu có kỳ hạn 1-3 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không bao gồm chứng quyền, có hoặc không có tài sản đảm bảo.

ĐHCĐ cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT và Uỷ viên Ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2022 – 2026. Tổng số thành viên HĐQT sau bầu bổ sung là 6 thành viên. Cơ cấu HĐQT APG đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên là thành viên không điều hành.

Cụ thể, ĐHCĐ đã thông qua việc từ nhiệm của thành viên HĐQT là ông Trần Thiên Hà và thành viên HĐQT, thành viên Ủy ban Kiểm toán là ông Võ Quí Lâm.

Kết quả bầu cử bổ sung, ông Ong Tee Chun trúng cử là Thành viên HĐQT APG.

Thảo luận tại Đại hội:

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty đại diện Ban chủ toạ trả lời câu hỏi cổ đông.

Cơ sở nào để Công ty thay đổi kế hoạch doanh thu – lợi nhuận tăng vọt so với tờ trình cũ, cơ cấu đóng góp của các mảng ra sao?

Việc điều chỉnh tăng mạnh kế hoạch kinh doanh của APG phản ánh kỳ vọng tích cực từ triển vọng nâng hạng thị trường và kết quả bước đầu của quá trình tái cấu trúc Công ty. Đồng thời, APG sẽ có đối tác chiến lược đồng hành nên Công ty sẽ chủ động và có lợi thế hơn về nguồn vốn – là cơ sở để công ty tự tin trong kế hoạch kinh doanh tăng vọt trình cổ đông.

Dự kiến mảng margin đóng góp 60% lợi nhuận; còn lại từ các khoản cơ cấu đầu tư, tự doanh và môi giới. Công ty tiếp tục duy trì dịch vụ môi giới ổn định, với trọng tâm là phát triển hoạt động cho vay ký quỹ, đặc biệt hướng tới các nhà đầu tư lớn, nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao giá trị giao dịch.

Công ty đã có đối tác phát hành riêng lẻ chưa, là trong nước hay ngoài nước, để cổ đông nắm được tính khả thi của kế hoạch?

Hội đồng quản trị và Ban điều hành APG có mạng lưới quan hệ rộng và chặt chẽ với nhiều đối tác tài chính trong và ngoài nước. Thời gian qua có nhiều đối tác liên hệ để đặt vấn đề đồng hành cùng APG. Theo đó, trong đợt phát riêng lẻ này, HĐQT, Ban Điều hành APG rất tự tin sẽ thành công.

Điều quan trọng hơn là đối tác phù hợp với định hướng phát triển của Công ty, vì ngoài nguồn lực tài chính thì còn có thể đồng hành cùng phát triển Công ty, cộng hưởng các kinh nghiệm quản trị, phát triển khách hàng.

Trong kế hoạch của APG, không chỉ phát triển kinh doanh tốt trong nước mà còn muốn đẩy mạnh khách hàng ở các thị trường nước ngoài.

Công ty dự định huy động vốn lớn để đẩy mạnh margin, xin hỏi công ty quản trị rủi ro ra sao?

Quan điểm của APG là đẩy mạnh hoạt động cho vay ký quỹ (margin) một cách thận trọng, có kiểm soát rủi ro, nhằm tận dụng thế mạnh về vốn và gia tăng hiệu quả kinh doanh trong mảng môi giới chứng khoán.

Quản trị rủi ro là vấn đề được HĐQT, Ban điều hành APG đặt lên hàng đầu kể từ khi bắt tay tái cấu trúc Công ty. Đến nay, Công ty đã xây dựng được hệ thống và quy trình quản trị rủi ro đạt chuẩn, chặt chẽ hơn, đưa vào các biến số khó lường – như cả thuế quan. Quan điểm của Ban quản trị APG là kinh doanh luôn có rủi ro và luôn kiểm soát rủi ro theo hướng “phòng cháy hơn chữa cháy”.

Công ty chia sẻ định hướng mới sau tái cơ cấu sẽ là gì, mũi nhọn là gì?

APG vẫn sẽ tập trung bán lẻ được tài trợ trên nền tảng công nghệ đón đầu thị trường. Đây là xu thế tất yếu

Công ty sẽ chuyển trụ sở vào TP. Hồ Chí Minh, đầu tư lại cơ sở hạ tầng công nghệ... Ban lãnh đạo chia sẻ rõ hơn về hệ thống công nghệ của Công ty, có đáp ứng được KRX không?

Khi tái cơ cấu, HĐQT, BĐH cũng xác định, trụ sở là “bộ mặt” công ty nên rất được chú trọng, tới nay, APG có thể xem là có được trụ sở đẹp, mặt tiền tại trung tâm tài chính HCM.

Về công nghệ thì được đầu tư chất lượng, hiện đại, đáp ứng được tầm nhìn nâng cấp thị trường chứng khoán cũng như nhu cầu giao dịch, sản phẩm trong tối thiểu 10 năm tới. Tiết lộ cùng cổ đông là APG đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho giai đoạn 1 cho hệ thống công nghệ hạ tầng giao dịch.

Công ty sẽ triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng các giao dịch cường độ cao, tích hợp với nền tảng hệ thống KRX và các yêu cầu giám sát – quản lý rủi ro theo chuẩn mới. Đây là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng tốc độ xử lý và độ ổn định của toàn hệ thống.

Công ty có đánh giá gì về thị trường 2025, cơ hội từ nâng hạng ra sao? APG có sự chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội từ nâng hạng hay không?

Nâng hạng thị trường chứng khoán là cơ hội không chỉ cho CTCK mà cả thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhận thức rõ điều này nên Công ty đã chuẩn bị rất kỹ nguồn lực để có thể đón đầu cơ hội và khai thác hiệu quả cho cả khách hàng và Công ty. APG sẽ có đối tác chiến lược, có cổ đông lớn nước ngoài đồng hành – đây là mắt xích quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển của Công ty trong việc bổ sung vào hệ sinh thái tài chính đầu tư và quản lý tài sản mà APG hướng đến.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục