Năm 2023, TNH đạt doanh thu thuần 531,9 tỷ đồng, tăng 14,85%, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh chiếm tỷ trọng 90%. Sau khi trừ giá vốn 313 tỷ đồng, Công ty còn 218 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Lợi nhuận trước thuế đạt 152,9 tỷ đồng, tăng 5,47% so với năm trước.
Công suất khai thác 2 bệnh viện hiện hữu của TNH khá tích cực. Theo đó, tổng số lượt khám bệnh ngoại trú của TNH đạt 463.961 lượt, tổng số người điều trị nội trú là 35.437 lượt. Cụ thể, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên có 332.696 lượt khám ngoại trú, và 24.812 lượt điều trị nội trú. Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên là 131.265 lượt khám ngoại trú và 10.625 lượt điều trị nội trú.
Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 540 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,51% và 11,33% so với thực hiện năm 2023.
Doanh nghiệp tiếp tục tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư các dự án mới: Bệnh viện TNH Việt Yên tại Bắc Giang; Bệnh viện mắt TNH Thái Nguyên. Cùng với đó, Công ty tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến lên đến 300 giường bệnh.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện Công ty nỗ lực hoàn tất việc chuẩn bị để đưa dự án bệnh viện Việt Yên (Bắc Giang) đi vào hoạt động, chỉ còn chờ giấy phép của Bộ Y tế cấp phép vận hành. Khi bệnh viện này hoạt động sẽ giúp tăng doanh thu của cả hệ thống TNH thêm 20%. Công ty kỳ vọng trong quý III sẽ nhận được giấy phép này.
Cổ đông trao đổi tại đại hội |
TNH cũng có thêm không gian tăng trưởng qua việc Công ty nhận được giấy phép khám bệnh nghề nghiệp ở các khu công nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh gồm phòng khám, nha khoa, tiêm chủng… Đây là những lĩnh vực bổ sung thêm vào hệ sinh thái bệnh viện mà TNH đang tập trung. Thời gian tới, Công ty cũng chú trọng đầu tư chuyên sâu, gia tăng các dịch vụ hiện có để tăng nguồn thu dịch vụ.
Trong chiến lược phát triển của TNH đến năm 2030, Công ty dự kiến sẽ đầu tư chuỗi 10 bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa u bướu, mắt, phụ sản, đột quỵ…
”Các bệnh viện đều được xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất tốt, nhân sự có chuyên môn cao. Khi TNH Hà Nội đi vào hoạt động, thì đã có nền tảng từ 5 bệnh viện khác đã hoạt động. Các bệnh viện ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng là trung tâm đào tạo nhân lực, cung cấp nhân lực cho hệ thống”, ông Tuyên trả lời câu hỏi của cổ đông.
Cùng với mở rộng quy mô, TNH đặt mục tiêu gia tăng năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hiệu quả hoạt động. Tại đại hội, đại diện cho các quỹ đầu tư nước ngoài giới thiệu đã trúng cử thành viên HĐQT TNH. Đây là những nhân tố mới bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo, quản trị cho công ty.
Có 2 nội dung đáng chú ý được cổ đông thông qua bao gồm việc TNH nới room ngoại lên tới 70% và đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH.
Hiện quỹ ngoại sở hữu trên 40% cổ phần TNH. Việc nới room ngoại sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu tại bệnh viện, đem thêm nguồn lực tài chính cho việc hiện thực hóa tham vọng mở chuỗi bệnh viện của TNH.
Ông Tuyên cho biết, ban lãnh đạo TNH cầu thị và mở cửa với việc có thêm các nguồn lực để phát triển bền vững doanh nghiệp và không lo ngại việc doanh nghiệp bị thâu tóm như một số cổ đông khuyến nghị. Còn việc đổi tên doanh nghiệp nhằm gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu, đỡ mang tính vùng miền, hỗ trợ TNH triển khai các hoạt động trên toàn hệ thống ở quy mô toàn quốc tốt hơn.