ĐHCĐ Bamboo Capital (BCG): Phát hành tăng vốn và không thông qua chuyển giao dịch sang HNX

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) BCG dự kiến phát hành thêm 148,77 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 4.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/ 2021 và tuỳ theo điều kiện thị trường.
ĐHCĐ Bamboo Capital (BCG): Phát hành tăng vốn và không thông qua chuyển giao dịch sang HNX

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tổ chức ngày 15/5, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc BCG chia sẻ: “Nhiều cổ đông lo ngại việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến quyết lợi cổ đông, nhưng chúng tôi tin khi thông tin về các dự án M&A được thị trường biết đến thì định giá cổ phiếu sẽ khác và việc phát hành huy động vốn để triển khai những dự án tiềm năng sẽ đem lại giá trị tương lai cho cổ đông”.

Theo ông Tuấn, hiện tại, BCG sở hữu danh mục đầu tư dự án bất động sản và năng lượng tái tạo rất lớn và cho lợi nhuận cao. Tổng tài sản tăng từ 7.000 tỷ đồng lên 24.000 tỷ đồng trong 2 năm qua và có thể tăng 50.000 tỷ đồng trong các năm tới nên việc tăng vốn là tất yếu. Nguồn vốn trái phiếu vốn vay có thể đáp ứng vốn của dự án nhưng về dài hạn doanh nghiệp phải cân đối nguồn vốn chủ sở hữu với vốn vay để đảm bảo lợi nhuận và chi phí hiệu quả.

Năm 2021, BCG tiếp tục huy động vốn và trái phiếu để triển khai một loạt dự án 500 MW điện gió, 500 MW điện mặt trời, các dự án bất động sản như Hội An D’Or, Amor Riverside Villa gồm 33 căn biệt thự ven sông tại Bình Chánh, TP.HCM; dự án King Crown Park tại Bình Tân, King Crown City tại Thủ Đức…

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, BCG sẽ triển khai 500 MW điện gió, tăng công suất điện mặt trời. Đẩy mạnh triển khai dự án điện mặt trời áp mái ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Bình Định, Quảng Nam, Bình Dương vì an toàn về mặt quy hoạch. Các nhà máy đã đầu tư chạy rất ổn định và doanh thu thực tế cao hơn 3-10% so với tính toán.

Mảng sản xuất của BCG mang lại lợi nhuận đều đặn nhưng Tập đoàn không tập trung mở rộng vì tăng trưởng lợi nhuận không cao và có nhiều rủi ro về thị trường. BCG chỉ theo dõi và tập trung làm hiệu quả các công ty hiện có.

Dự phóng kết quả kinh doanh hợp nhất giai đoạn từ 2021 đến 2024, doanh thu tương ứng là 5.374; 9.460; 16.122 và 19.587 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 806; 971; 2.053 và 3.625 tỷ đồng.

Trong phần thảo luận nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi.

BCG phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu trong năm 2021, nếu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Nam đặt mình vào vị trí nhà đầu tư thì sẽ đầu tư vào đâu và kỳ vọng giá trị cổ phiếu BCG năm 2022 ra sao?

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT BCG: Việc phát hành cổ phiếu hay trái phiếu phụ thuộc vào cấu trúc nguồn vốn của doanh nghiệp. Nếu đầu tư trái phiếu thì nhà đầu tư có lợi suất an toàn hơn và khi hoàn tất dự án trái chủ thu nguồn vốn về. Còn đầu tư cổ phiếu thì nhận cổ tức hàng năm và hưởng lợi nếu giá tăng.

Tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu sẽ tăng trong dài hạn. Tùy khẩu vị đầu tư mà nhà đầu tư quyết định chọn đầu tư vào trái phiếu hay cổ phiếu. Cá nhân tôi là cổ đông lớn nhất của BCG, tôi đang đầu tư cả trái phiếu và cổ phiếu.

Mức giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nên rất khó để nói giá như thế nào trong 2022. Như quý cổ đông thấy phần thuyết trình đã trình bày, mặc dù giá cổ phiếu BCG đã tăng rất tốt thời gian qua, nhưng giá đó vẫn chưa thể hiện đúng tiềm lực của BCG cũng như tiềm năng của BCG trong tương lai.

Xét chỉ số P/E thị trường Việt Nam là 17, thấp hơn của thị trường Thái Lan đang là 36 lần, vậy nên tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là rất lớn. Nếu EPS là 1.600 trên vốn hơn gần 5.000 tỷ đồng của năm 2021 thì nếu P/E tương đương thị trường thì giá cổ phiếu phải trên 28.000 - 29.000 đồng/phiếu, nhưng giá còn phụ thuộc vào cung cầu nữa. Bản thân HĐQT BCG đang sở hữu trên 51% vốn cổ phần công ty sẽ tôi cam kết rằng tôi và HĐQT sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo quyền lợi cho quý cổ đông.

Cổ đông Lê Thị Hải Yến: Vì sao tờ trình thù lao của các thành viên HĐQT cho thấy mức thù lao khá thấp?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Ban đầu, khi BCG mới được thành lập và còn nhiều khó khăn, HĐQT xác định làm mọi cách vì sự phát triển của BCG và không quá chú trọng lợi ích cá nhân, nhưng đến nay quy mô Tập đoàn đã phát triển hơn thì thù lao như vậy là chưa tương xứng. Vì vậy, có tờ trình nếu Ban điều hành nỗ lực thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận 2021 thì xin trích 10% để thưởng cho HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát và cán bộ nhân viên có đóng góp xuất sắc. Hình thức thưởng cũng là cổ phiếu. Đây cũng là cách để ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên thêm gắn bó với BCG.

Cổ đông Vũ Thế Quân: Xin cập nhật tiến độ dự án điện gió và nếu không kịp đóng điện trước 31/10/201 thì ảnh hưởng như thế nào?

Ông Phạm Mạnh Tuấn: Hiện nay, Chính phủ chưa có hướng dẫn về mức giá FIT sau ngày 31/10/2021. Hiện nay, các dự án điện gió của BCG không phù hợp để hưởng chế độ giá trước thời hạn này, mà hiện nay đang để tiến độ đấu nối là vào cuối quý 2 và quý 3 năm 2022 và một phần vào năm 2023. Tôi tin rằng Chính phủ sẽ có các động thái hỗ trợ doanh nghiệp điện gió, giá điện gió năm 2022 được kỳ vọng sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021.

Vì sao BCG có kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược? Đã có nhà đầu tư nào quan tâm đến 60 triệu cổ phần này chưa?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Tổng tài sản của BCG vào quý 2 lên hơn 30.000 tỷ đồng, với những dự án năng lượng và bất động sản đang triển khai thì tổng tài sản sẽ lên hơn 40.000 tỷ đồng trong năm nay, thì nguồn vốn hiện tại không tương xứng. Vì vậy, bắt buộc phải tăng vốn, lên hơn 5.000 tỷ đồng tương đương 15% tổng tài sản. Trong các chương trình tăng vốn có phát hành riêng lẻ.

Hiện tại, có 3 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thương lượng với HĐQT với mong muốn mua toàn bộ gói phát hành riêng lẻ này. Quan điểm của chúng tôi là chọn 1 nhà đầu tư mang lại giá trị cao nhất cho BCG và cả lợi ích về thị giá trên thị trường. Chúng tôi dự kiến sẽ chốt rất sớm có thể trong quý 2, chúng tôi tin rằng khi công bố tên nhà đầu tư này sẽ làm cổ đông hài lòng.

Với lợi nhuận 250 tỷ đồng từ năng lượng tái tạo thì dòng tiền về công ty như thế nào?

Ông Phạm Minh Tuấn: Dự án năng lượng tái tạo thì vốn đầu tư rất cao trong giai đoạn đầu. Khi xây dựng rồi thì chi phí vận hành chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Với 500 MW đã vận hành hiện nay thì dòng tiền thu về khoảng 1.200 tỷ đồng, trừ chi phí vận hành 10%, sau đó trừ trả nợ lãi thì còn lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Cách làm của BCG là lúc đầu chấp nhận chi phí vốn cao để thực hiện nhanh dự án sau đó tái tài trợ, thông qua làm việc với các định chế tài chính lớn. Năm nay chúng tôi dự định tái tài trợ để đẩy lãi suất vốn xuống. Mục tiệu là đưa các dự án năng lượng ra huy động vốn trên thị trường quốc tế từ nay đến 2025.

Cổ đông thuộc nhóm F319: BCG sẽ đối diện với khó khăn khi triển khai dự án điện gió như thế nào?

Ông Phạm Minh Tuấn: Ở Việt Nam phần lớn dự án điện gió ngoài khơi nên thi công trên biển không đơn giản. Một số dự án thi công chúng tôi nhìn thấy tiến độ chậm hơn dự kiến nên chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế rủi ro này. Đó là sử dụng tổng thầu thi công, có khả năng huy động phương tiện chuyên dụng.

Chúng tôi đã đánh giá các trạm và đường dây EVN để lùi thời gian nối điện ra ngoài vùng nóng để giảm áp lực. Tại dự án mức gió cao như ở Trà Vinh, chúng tôi sự dụng công nghệ cao hơn để giảm thời gian thi công và đạt chuẩn quốc tế, dù mức đầu tư cao hơn. Sử dụng Tracodi - công ty thành viên để đảm bảo tiến độ các hạng mục thi công khác.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam thì trách nhiệm triển khai dự án, cơ sở hạ tầng đấu nối vẫn thuộc về chủ đầu tư. Nên chi phí sẽ không thay đổi nhiều. Giai đoạn đầu triển khai chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2 (giá FIT 2) nhà đầu tư nội địa tham gia, chủ yếu 4-5 chủ đầu tư chính, mà BCG là một trong những nhà đầu tư lớn.

Chúng tôi tìm nguồn tài trợ vốn trên thị trường quốc tế, để có nguồn vốn rẻ hơn với chi phí 7% trong khi huy động trong nước chi phí 10,5%. Tới đây sẽ có một số đối tác tham gia vào BCG Energy.

Vừa qua BCG phát hành thêm cổ phiếu và sắp tới phát hành thêm nhiều cổ phiếu nữa, liệu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có tăng nhanh như tăng vốn không?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Như đã báo cáo quý 1/2021 tổng tài sản lên 30.000 tỷ đồng và với tốc độ triển khai các dự án năng lượng và bất động sản thì dự kiến tổng tài sản tăng lên hơn 40.000 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn đến từ trái phiếu, ngân hàng rất cân bằng với dự án, nhưng nguồn vốn tự có phải tăng lên để cân bằn.

Lợi nhuận năm 2021 lên hơn 800 tỷ đồng tăng gấp 4 lần trong khi vốn điều lệ tăng gấp đôi. Hiện tại, P/E của BCG chỉ khoảng 7 lần nên còn dưới giá trị, còn thấp so với mặt bằng chung.

Một phần cơ cấu vốn hiện tại của BCG còn tạo quan ngại với cổ đông và đối tác nên tôi tin rằng việc tăng vốn, cân bằng nguồn vốn tạo sự tin tưởng, rất tốt cho tất cả.

Xin cho biết thông tin các dự án triển khai tại Hội An?

Ông Nguyễn Hồ Nam: Tại Hội An, BCG đang triển khai 3 dự án. Dự án Malibu Hội An sẽ bắt đầu bàn giao dự kiến vào Quý 3 khi tình hình Covid-19 lắng xuống. Dự án Hội An D’or đang triển khai hạ tầng và dự kiến mở bán Shophouse trước. Dự án thứ 3 sẽ chuyển nhượng cho đối tác để chốt lợi nhuận, dự kiến hoàn tất chuyển nhượng trong quý 2 này. BCG sẽ tập trung vào hai dự án thôi.

Các tờ trình tại Đại hội đều được thông qua, trừ tờ trình chuyển sang giao dịch tạm thời tại sàn Hà Nội vì vấn đề nghẽn lệnh tại sàn HOSE đã được xử lý tốt hơn.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục