Trả lời chất vấn của cổ đông về khoản nợ có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay TCTD khác có phải là CBBank hay không, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, từ năm 2015, Vietcombank được giao nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank, theo đó, phương án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai cho đến nay. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng, năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng và theo quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Tuy nhiên, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Về định hướng chiến lược, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, theo chiến lược của Ngân hàng đến năm 2025 - 2030 định hướng 4 trụ cột: bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và ngân hàng đầu tư. Trong đó, yếu tố mới là ngân hàng đầu tư và dù ngân hàng không đề cập đến bán buôn, nhưng lĩnh vực này rất quan trọng, hỗ trợ 4 trụ còn lại.
Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại chiếm 19,2%, cao nhất trong nhiều năm vừa qua. Hoạt động kinh doanh vốn kỳ vọng sẽ chiếm 16 - 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2025. Để đạt mục tiêu này, khối bán buôn rất quan trọng trong hỗ trợ, phối hợp với khối vốn và thị trường.
Ông Tùng chia sẻ, trong năm 2024, Vietcombank sẽ tập trung vào khách hàng doanh nghiệp lớn, tài chính tốt dự án trọng điểm quốc gia, trọng yếu kinh tế. Đầu tháng 5/2024, các ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho sân bay Long Thành với quy mô 1,8 tỷ USD. Riêng Vietcombank sẽ tài trợ 1 tỷ USD, BIDV và VietinBank là 800 triệu USD.
Ngoài sân bay Long Thành, dự án thành phần cũng sẽ được Vietcombank thẩm định, như dự án đường dẫn từ TP.HCM về Long Thành cùng các hạng mục phụ trợ. Ngoài ra, các dự án trọng điểm như dầu khí, khai thác, truyền dẫn, điện khí đang được thẩm định. Các dự án hạ tầng hàng không, cảng biển, công nghiệp, cũng được gấp rút thẩm định, cấp tín dụng…
Mặc dù các thông tin cho thấy Vietcombank tập trung vào ngân hàng bán buôn nhưng ông Tùng cho biết, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi trong giai đoạn 2023 - 2024, khi thị trường và khả năng hấp thụ vốn bị giảm sút khiến tín dụng bán lẻ Vietcombank liên tục giảm. Dư nợ bán lẻ của Ngân hàng chiếm 51% tổng dư nợ, trong đó cho vay bất động sản chiếm 38%. Với bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà bất động sản gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu kinh doanh.
“Lâu dài bán lẻ vẫn là chiến lược quan trọng của Vietcombank”, ông Tùng nhấn mạnh.
Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Tùng cho biết, năm 2024, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023. Tính đến 31/3/2024, huy động vốn thị trường 1 đạt 1,36 triệu tỷ đồng, giảm 3,31%, tương ứng hơn 46.000 tỷ đồng. Huy động vốn được giảm có chủ đích để đảm bảo NIM, hiệu quả sử dụng vốn. Tín dụng giảm 0,42%, khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là tín dụng bán lẻ, trong khi bán buôn tăng trưởng. Doanh số thanh toán quốc tế, ngoại tệ, tăng trưởng 4,21% so với cùng kỳ, hoàn thành 98% kế hoạch quý 1/2024… Hết quý I/2024, nợ xấu tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ.
“Nợ xấu bán buôn không phải là điều bất ngờ mà đã được nhận diện từ năm 2023 nên được đưa vào nợ tiềm ẩn rủi ro và đang có giải pháp xử lý. Do bối cảnh tình hình kinh tế, nợ xấu bán lẻ và bán lẻ vay vốn bất động sản gia tăng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Nợ xấu bán lẻ có khẩu vị rủi ro chặt chẽ, nên tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ cao, khả năng mất vốn không nhiều. Nhưng chúng tôi cam kết đến hết năm 2024, nợ xấu sẽ kiểm soát dưới 1,5%”, ông Tùng nói.
Trước sự quan tâm của cổ đông về NIM năm 2024 của Ngân hàng sẽ thế nào, bà Phùng Nguyễn Hải Yến chia sẻ, do ảnh hưởng đại dịch Covid, Chính phủ đã có chỉ đạo các chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, khách hàng. Theo đó, Vietcombank đã tham gia triển khai tích cực các chương trình này. Cụ thể, năm 2023, tổng số tiền giảm lãi suất là 6.000 tỷ đồng cho tổng dư nợ 1,1 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tương ứng từ 1,5 - 2 điểm phần trăm.
“Trong năm 2023, ngân hàng đã 20 lần hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay nhưng việc điều hành vẫn linh hoạt, đảm bảo huy động vốn phù hợp tín dụng. Từ ngày 1/4/2024, Ngân hàng đã giảm 0,5% cho khách hàng hiện hữu với kế hoạch kéo dài 3 tháng và Ban Lãnh đạo đang tổng hợp tác động để đánh giá, đảm bảo phù hợp thị trường, mục tiêu kinh doanh”, bà Phùng Nguyễn Hải Yến nói.
Liên quan đến câu chuyện NIM, ông Tùng cho biết thêm, NIM của Vietcombank tăng từ 2020 đến 2023 và giảm sút trong đầu năm 2024 bởi tốc độ lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động vốn, đặc biệt từ 6 tháng cuối năm 2023 đến nay. Cơ cấu tín dụng tín dụng trung dài hạn liên tục giảm, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng nhưng Ngân hàng đang có giải pháp tăng tín dụng trung dài hạn, cải thiện NIM.
Tại ĐHCĐ, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Được biết, trong tờ trình ĐHCĐ, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng.
Theo tờ trình, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.