Deutsche Bank sẽ làm gì với 40 triệu cổ phiếu HBB?

(ĐTCK) Vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ hoàn tất vào cuối tháng 8 này. Deutsche Bank có trở thành đối tác chiến lược của SHB “mới”, khi mà tỷ lệ sở hữu sẽ giảm xuống dưới 5%, so với tỷ lệ 10% tại HBB trước khi sáp nhập?
Deutsche Bank sẽ làm gì với 40 triệu cổ phiếu HBB?

> Vụ sáp nhập ngân hàng đầu tiên của Việt Nam

Cổ đông chiến lược với 10% cổ phần tại HBB

Ngày 1/2/2007, HBB và Deutsche Bank ký hợp đồng hợp tác chiến lược. Theo đó, Deutsche Bank sẽ mua lại 10% cổ phần của HBB và có thể mua tới 20% nếu được luật cho phép. Ngày 1/10/2007, Deutsche Bank AG thông báo đã hoàn tất việc mua 10% cổ phần HBB.

Thông tin về số vốn mà Deutsche Bank bỏ ra để sở hữu 10% cổ phần HBB không được tiết lộ. Tuy nhiên, phía HBB cho biết, một phần tiền thu được qua thương vụ này sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ của HBB từ 1.260 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Deutsche Bank sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Habubank trong các hoạt động nguồn vốn, thị trường tiền tệ, quản lý rủi ro và  tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh chiến lược trong các lĩnh vực thẻ tín dụng và các sản phẩm dịch vụ đầu tư.

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc HBB khi đó chia sẻ, việc hợp tác giữa hai bên sẽ làm gia tăng giá trị cho các cổ đông, các NĐT của cả hai ngân hàng. Điều mà HBB kỳ vọng nhất là thông qua bước đi này sẽ tiếp cận với các thông lệ quản trị ngân hàng quốc tế tốt nhất. Trong khi đó, Deutsche Bank kỳ vọng, mua cổ phần HBB sẽ giúp Deutsche Bank tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam và trực tiếp tham gia vào khu vực dịch vụ tài chính bán lẻ trên thị trường Việt Nam .

Tuy nhiên, vai trò của Deutsche Bank trong HBB khá mờ nhạt. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia trong ngành, NĐT ngoại này đã “bỏ rơi” đối tác chiến lược, khiến quản trị rủi ro của HBB không được cải thiện.

 Deutsche Bank sẽ làm gì với 40 triệu cổ phiếu HBB? ảnh 1

Sau sáp nhập, chỉ còn sở hữu 3,42%

Theo báo cáo thường niên 2011 của HBB, cổ đông lớn là Deutsche Bank sở hữu 40,5 triệu cổ phiếu HBB, chiếm 10% vốn điều lệ. Theo phương án hoán đổi cổ phiếu HBB đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu HBB được hoán đổi sang 0,75 cổ phiếu SHB và cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu SHB được nhận thêm 0,21 cổ phiếu SHB. Lộ trình thực hiện như sau: ngày 17/8 hủy niêm yết cổ phiếu HBB; ngày 21/8 chốt danh sách cổ đông SHB và HBB; từ ngày 24 - 28/8 thực hiện hoán đổi cổ phiếu/phát hành thêm cổ phiếu; dự kiến ngày 20/9 chính thức niêm yết bổ sung cổ phiếu SHB.

Như vậy, sau ngày 20/8, toàn bộ số cổ phiếu HBB mà Deutsche Bank nắm giữ sẽ được chuyển thành 30,375 triệu cổ phiếu SHB, chiếm 3,426% vốn điều lệ mới của SHB là 8.865 tỷ đồng. Việc sở hữu dưới 5% cổ phần này sẽ giúp Deutsche Bank “thoát” khỏi quy định phải công bố thông tin trước khi giao dịch cổ phiếu SHB.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, sau thông tin về việc sáp nhập HBB vào SHB, Deutsche Bank đã có cuộc làm việc với SHB. Sau khi nghe về lộ trình sáp nhập và chiến lược kinh doanh của SHB, Deutsche Bank bày tỏ mong muốn được làm cổ đông của SHB, hiện chưa có ý định thoái vốn.

 

Áp lực thoái vốn và bài toán tìm cổ đông chiến lược

Thống kê trên TTCK Việt Nam gần đây cho thấy, NĐT ngoại đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc tham gia thị trường, thậm chí còn chịu áp lực thoái vốn khá lớn. Theo báo cáo giá trị tài sản quản lý của hai quỹ ETF lớn đang đầu tư trên TTCK Việt Nam, NĐT đã rút vốn khỏi hai quỹ này tổng cộng 15,9 triệu USD trong tháng 7 vừa qua. Cụ thể, Quỹ VNM ETF do Vaneck quản lý cuối tháng 7 có giá trị 297 triệu USD, giảm 4,2 triệu USD; Quỹ ETF do Deutsche Bank quản lý có giá trị 256,9 triệu USD, giảm 11,6 triệu USD so với cuối tháng 6. Đáng chú ý, quỹ ETF do Deutsche Bank quản lý đã bị rút vốn 3 tháng liên tiếp, tổng cộng 62 triệu USD.

Theo báo cáo thường niên 2011 của SHB, Ngân hàng có 8 cổ đông tổ chức nước ngoài, nhưng chỉ nắm giữ 2.082.900 cổ phiếu, chiếm 0,43%. Cổ đông là cá nhân nước ngoài nắm giữ 2.610.325 cổ phiếu, chiếm 0,54%. Như vậy, có thể thấy, cổ phiếu SHB không phải là lựa chọn “ưa thích” của khối ngoại.

Theo số liệu về tỷ lệ sở hữu (room) của NĐT nước ngoài ngày 10/8/2012, NĐT ngoại đang nắm giữ 13,36% cổ phiếu HBB (hơn 54,12 triệu cổ phiếu) và 0,89% cổ phiếu SHB (hơn 4,28 triệu cổ phiếu). Nếu những con số này giữ nguyên, thì sau hoán đổi cổ phiếu, cổ đông ngoại sẽ chỉ còn nắm 5,16% cổ phiếu tại SHB.

Đầu tháng 7/2012, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) công bố hạ triển vọng tín nhiệm của SHB xuống mức “tiêu cực” và chia sẻ, Moody’s cảm thấy lo ngại về phương án sáp nhập HBB vào SHB, đặc biệt là liên quan đến chất lượng tài sản của ngân hàng sáp nhập và hiệu quả lợi nhuận để đáp ứng những yêu cầu trong trích lập dự phòng nợ xấu cho những khoản cho vay tương đối yếu kém của HBB.

Như vậy, việc giữ chân NĐT ngoại hay tìm kiếm đối tác chiến lược mới với SHB là một bài toán không đơn giản.

Hiện có 11 ngân hàng ngoại đang nắm giữ lượng cổ phần từ 10 - 20% tại các ngân hàng thương mại Việt Nam . Cụ thể: HSBC sở hữu 20% cổ phần Techcombank; Maybank sở hữu 20% ABBank; Société Générale sở hữu 20% SeABank; Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% VIB; BNP Paribas sở hữu 20% OCB; United Overseas Bank sở hữu 20% Phương Nam; Standard Chartered Plc sở hữu 15% ACB; Sumitomo Mitsui sở hữu 15,13% Eximbank; Oversea Chinese Banking Corp sở hữu 15% VPBank; Deutsche Bank sở hữu 10% HBB; Mizuho sở hữu 15% Vietcombank.

Nguyễn Quang
Nguyễn Quang

Tin cùng chuyên mục