Dệt may lấy đà tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2024 tạo đà cho doanh nghiệp ngành này trở lại đường đua.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng tới cuối năm 2024, thậm chí sang quý I/2025. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng tới cuối năm 2024, thậm chí sang quý I/2025.

Đơn hàng tăng trở lại

Trong năm 2023, ngành dệt may của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát căng thẳng ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may suy giảm mạnh. Bước sang năm 2024, tình hình khó khăn giảm dần, các nền kinh tế lớn dần phục hồi, đơn hàng xuất khẩu dệt may cải thiện rõ rệt.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp mạnh nhất đến từ mảng vải tăng 15,6% so với cùng kỳ, mảng xơ, sợi dệt tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Thị trường Mỹ đã phục hồi nhưng còn ở mức chậm (tăng trưởng 2,5%), thị trường Nhật Bản phục hồi tích cực hơn ở mức tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu dệt may tích cực ở thị trường EU tăng 10,9%, thị trường Mỹ tăng nhẹ 1,82% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp cho biết, lạm phát ở các thị trường lớn đã hạ nhiệt, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm dệt may gia tăng. Tồn kho ở các thị trường lớn giảm, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã nhận đơn hàng đến hết năm 2024.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - mã chứng khoán VGT) cho biết, ngành dệt may trong năm 2024 đã bớt khó khăn hơn năm trước, đơn hàng có đủ đến tháng 9, tháng 10/2024 và được ký dài hơn.

Với Vinatex, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5% là tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt ngành sợi. Trong 6 tháng cuối năm, Vinatex kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tốt.

Tương tự, lãnh đạo Công ty Pro Sports Hà Nội chia sẻ, công ty này đã đủ đơn hàng cho năm 2024, thậm chí đã ký đơn hàng đến quý I/2025.

Lý giải về sự trở lại của ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc trở lại là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát, giúp sức mua tăng lên.

Ông Giang cho biết, đơn hàng xuất khẩu dệt may bắt đầu ổn định, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tương ứng mức tăng trưởng từ 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ vọng mùa bội thu

Với sự hồi phục trở lại của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên thị trường chứng khoán kỳ vọng năm nay sẽ có mức tăng trưởng tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu công ty mẹ Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) đạt hơn 64 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 47% so với kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,84 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 85% so với kế hoạch năm 2024.

Doanh thu dệt may 6 tháng đầu năm 2024 của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT TCM cho biết, lượng đơn hàng đã nhiều hơn và đều hơn, TCM đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) nhận định, kỳ vọng trong năm 2024, TCM sẽ ghi nhận doanh thu 3.960 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 255 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19% và 90% so với cùng kỳ.

Con số này cao hơn kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp (doanh thu 3.707 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 161 tỷ đồng) do triển vọng xuất khẩu tại thị trường Mỹ dự kiến khả quan hơn. Ngoài ra, trong năm nay, TCM cũng dự kiến trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 1.020 tỷ đồng.

Đơn hàng xuất khẩu dệt may bắt đầu ổn định, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2024. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG), đơn hàng đã được lấp đầy cho đến hết năm 2024 nhờ vào nhu cầu tiêu thụ phục hồi tại thị trường Mỹ và EU.

Lượng hàng tồn kho tại thị trường Mỹ có dấu hiệu giảm và các sự kiện thể thao lớn trong năm như Olympic Paris là các yếu tố góp phần thúc đẩy lượng đơn hàng cho TNG tăng mạnh.

Theo đó, lượng đơn hàng FOB từ các khách hàng truyền thống như Decathlon, Asmara, TCP, hay Columbia hồi phục mạnh trở lại. Hiện nay, lượng đơn hàng đã được lấp đầy cho đến cuối năm, đảm bảo tăng trưởng doanh thu cho TNG.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trở lại, TNG có dự định đưa thêm 45 dây chuyền sản xuất vào hoạt động (tương ứng tăng 15% công suất) và tuyển dụng thêm 2.000 - 3.000 nhân công để phục vụ các dây chuyền này.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, TNG sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2024. Khách hàng tại thị trường Mỹ chiếm 40% cơ cấu doanh thu và thị trường châu Âu chiếm 40% doanh thu. Khách hàng truyền thống của TNG vẫn duy trì ổn định, lượng đơn hàng họ đặt ngày càng tăng.

Tại Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH), trong 5 tháng đầu năm đã nhập khẩu nguyên vật liệu tăng mạnh để chuẩn bị phục vụ đơn hàng cuối năm. Cụ thể, luỹ kế 5 tháng đầu năm, May Sông Hồng nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động dệt may tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty đã đưa Nhà máy Xuân Trường II đi vào hoạt động từ giữa năm 2024. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, công nghệ hiện đại và khoảng 50 dây chuyền may sản xuất sản phẩm áo jacket. Theo đó, May Sông Hồng có thể gia tăng công suất thêm khoảng 25% so với trước đó.

Các đối tác chính như Walmart, Nike... cũng đang bắt đầu gia tăng đơn hàng, hướng đến mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Việc mở rộng nhà máy sẽ giúp May Sông Hồng tăng cường lợi thế cạnh tranh với các đơn hàng FOB có giá trị gia tăng cao hơn.

Dù thị trường xuất khẩu hồi phục trở lại, nhưng các doanh nghiệp sản xuất dệt may cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới, do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.

Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị, đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ. Do đó, để gia tăng cơ hội vào các thị trường khó tính, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu khách hàng như nguyên vật liệu có thể tái chế được.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10) chia sẻ, lượng đơn hàng của các nhà nhập khẩu ở Mỹ và Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Công ty đang có tín hiệu tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Dự báo kết quả cả năm 2024 sẽ khả quan, nhưng tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, tình hình đơn hàng của các quý III, quý IV cũng phụ thuộc vào sự biến động này.

Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm và tình hình đơn hàng ký mới, ngành dệt may nói chung, các doanh nghiệp dệt may niêm yết nói riêng được dự báo sẽ có một năm 2024 khởi sắc, tạo đà để trở lại đường đua sau khó khăn của năm 2023.

Hải Minh
Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục