Dệt may “làm mới”, tận dụng cơ hội CTTPP

(ĐTCK) Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc biệt trong năm 2019, khi Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Hiệu quả của nhóm doanh nghiệp dệt may cũng được đánh giá sẽ tăng mạnh nhờ xu hướng chuyển đổi sản xuất đơn hàng, sản phẩm từ gia công đơn thuần, giá trị gia tăng thấp sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ lợi thế.

Muốn đón cơ hội, dệt may phải làm mới theo 4.0

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đã mở rộng cánh cửa đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức rất lớn, trên cả góc độ khách quan lẫn chủ quan.

Nhìn rộng ra cho thấy, thị trường dệt may thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng. Các thị trường xuất khẩu dệt may mạnh đang coi Việt Nam là đối thủ cần có sự kiềm chế nhất định, điều này tạo áp lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Cũng theo ông Giang, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam dự kiến đạt 40 tỷ USD, tức tăng trưởng 11% so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác hiệu quả máy móc, thiết bị công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa cao, cung cấp các giải pháp cho công nghệ may mặc theo thời đại 4.0.

Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các doanh nghiệp với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data) cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh những năm tới. Trong đó, quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng chỉ mới hoàn thành hơn 18% so vơi kế hoạch năm 2019.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, CPTPP sẽ đặt ra áp lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là sợi và vải. Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn đang thiếu hụt nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc - nước không nằm trong khối CPTTP.

Điểm yếu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là khâu sản xuất vải. Việt Nam phải nhập khẩu tới 99% bông, 80% vải. Về may - ngành có thế mạnh, nhưng chủ yếu vẫn là gia công. Trong những năm qua, ngành dệt may cũng đã tìm giải pháp cho khâu này, nhưng mức độ thành công chưa như mong muốn.

Các doanh nghiệp ngành dệt không phải không nhận thức được rõ xu hướng muốn phát triển bền vững phải thoát cảnh thuần gia công (CMT) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng), nhưng thống kê của CTCK Rồng Việt cho thấy, ở Việt Nam, có khoảng trên 80% số doanh ngiệp vừa và nhỏ vẫn thuần gia công. Nguyên nhân là ngành này vẫn còn một số yếu kém, bất cập như nguồn nguyên phụ liệu hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, phương thức CMT vẫn là chủ yếu (chiếm 65%), hàng FOB mới chiếm 25%, ODM và OBM chỉ chiếm 10%.

Lãnh đạo CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, doanh nghiệp dệt may sẽ không tận dụng được cơ hội gia tăng đơn hàng nếu không đủ năng lực sản xuất. Thậm chí, tại GMC, doanh nghiệp này cho biết, riêng năm 2018, doanh số kế hoạch của GMC là 1.900 tỷ đồng, trong đó nguyên phụ liệu mua ở Việt Nam chiếm 50% và đây có thể xem là doanh nghiệp làm FOB sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nội địa lớn nhất.

“Để tận dụng lợi thế của CPTPP, các doanh nghiệp thực sự phải hiểu về hiệp định này, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may. Thậm chí, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng chuỗi liên kết mới tận dụng được cơ hội”, đại diện GMC cho biết.

Điều đáng nói là không phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể tìm được các đối tác phù hợp để cộng hượng giá trị chung. Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần chiếm 13,2% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này, chỉ đứng sau Trung Quốc (chiếm 36% thị phần).

Từ năm 2014 đến năm 2018, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tại thị trường Mỹ có dấu hiệu giảm dần, trong khi đó, thị phần hàng dệt may Việt Nam đã tăng từ 9% lên 13%. Không chỉ vậy, Việt Nam còn duy trì tốc độ tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu sang thị trường này ở mức cao và ổn định.

Chính vì vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra kỳ vọng sẽ tạo cơ hội tốt cho các thị trường khác như Việt Nam, Mexico Bangladesh... tiếp tục gia tăng thị phần tại Mỹ nhờ có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc. Ngoài ra, nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua trước tháng 5/2019 cũng sẽ là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Dù vậy, theo CTCK Rồng Việt, các doanh nghiệp ngành dệt cũng có thể đối diện với một số rủi ro, chẳng hạn rủi ro từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và áp thuế bổ sung. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải chủ động đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên phụ liệu may mặc, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như hiện nay. Đồng thời, điểm “nghẽn” của ngành nằm ở khâu dệt nhuộm, nên nếu không đầu tư đúng mức để phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, thì Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội này. Lợi nhuận từ đó sẽ giảm sút dưới áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, rủi ro của doanh nghiệp ngành dệt còn đến từ yếu tố tỷ giá và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu trong lĩnh vực dệt may. Các yếu tố trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều tác động tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may như khả năng tăng lương tối thiểu hay tăng giá điện, từ đó làm tăng chi phí đầu vào. 

Tự tin đón cơ hội, kỳ vọng tăng trưởng

Chuyển động thực tế từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đã sẵn sàng đón đầu các cơ hội từ CPTPP cũng như EVFTA dự kiến được thông qua trong năm 2019. Sự sẵn sàng này thể hiện rõ trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh.

Năm 2019, Tổng CTCP May Việt Tiến đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường và bạn hàng, nâng cao chất lượng và kim ngạch xuất khẩu để đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Tại Tổng công ty May 10,  mục tiêu tổng doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp này ước  đạt 3.211 tỷ đồng, lợi nhuận 70 tỷ đồng; cổ tức chi trả ở mức 15%, năng suất bình quân đạt 50 USD/người/ngày… Các chỉ tiêu này đều ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi và dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Dệt may Thành Công (TCM), Tập đoàn Phong Phú (PPH) hay Sợi Thế Kỷ (STK)… đang tỏ ra có lợi thế đầu tư. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT TCM cho biết, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất vải dệt để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chủ yếu đến từ đơn hàng của các công ty trong Tập đoàn E-Land (chiếm 25 - 29% doanh thu).

Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc sản xuất, năng suất lao động tăng tại nhà máy Vĩnh Long (từ mức 26 - 27 USD/người/ngày lên mức 30 - 36 USD/người/ngày), nâng công suất mảng vải - mảng có biên lợi nhuận cao - nhờ mua thêm xưởng may ở Trảng Bàng..., giúp Công ty nâng cao biên lợi nhuận. Tính đến hết quý I/2019, Công ty ước đạt tổng doanh thu 42 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,8 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ.

STK đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.602 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế 199,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Trong đó doanh thu từ sản phẩm sợi tái chế chiếm gần 27% doanh thu thuần, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 16% trong năm 2018. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng sản phẩm sợi tái chế sẽ chiếm 30% tổng doanh thu.

STK lên kế hoạch chủ động chiếm lĩnh thị phần trong nước và quốc tế. Năm 2019 - 2020, STK đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa (tỷ trọng mục tiêu 67%, bao gồm cả xuất khẩu gián tiếp), đồng thời phát triển thị trường mới như Mỹ, Mexico, Indonesia… nhằm tận dụng lợi thế của Việt Nam có được từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiệp định thương mại tự do. Theo đó, STK tự tin đạt và vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục