Dệt may châu Á điêu đứng
Theo một Báo cáo nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thương mại toàn cầu trong ngành may mặc “gần như sụp đổ trong nửa đầu 2020”.
Doanh số bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp trong toàn bộ các chuỗi cung ứng.
Nhập khẩu hàng may mặc của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật đều giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, nhập khẩu hàng may mặc của Liên minh châu Âu (EU) giảm 46%, 47%, 27% lần lượt trong các tháng 4, 5, 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số giảm ở Mỹ lần lượt là 37%, 51%, 32% cùng thời gian.
Chỉ tính riêng lượng hàng dệt may từ Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu của ba thị trường Mỹ, EU Nhật cũng giảm mạnh, ở mức khoảng 20%, 40% và 70% trong các tháng 4, 5, 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghiên cứu mới của ILO đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19 đối với các chuỗi cung ứng, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực là: Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.
Lũy kế 9 tháng 2020, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 26,5 tỷ USD, trong đó dệt may đạt 22,063 tỷ USD, giảm 10,3%, vải các loại đạt 1,305 tỷ USD, giảm 16,6%, vải mành kỹ thuật đạt 314 triệu USD, giảm 31,4%, xơ sợi 2,573 tỷ USD, giảm 16,7%.
Báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh, nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, do các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và do gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.
Tính đến tháng 9/2020, gần một nửa số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may đều phải phụ thuộc vào nhu cầu hàng dệt may của người tiêu dùng tại các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất mà tại đó doanh số bán lẻ đã giảm mạnh. Năm 2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác định đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến phụ nữ, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành dệt may. Tình trạng cho công nhân nghỉ việc tạm thời và sa thải nhân công tăng mạnh. Còn những nhà máy có thể hoạt động trở lại đa phần chỉ hoạt động với số lượng nhân công đã bị cắt giảm so với trước.
Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 đến 4 tuần làm việc, và ghi nhận chỉ có 3% số đồng nghiệp của mình được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong Quý II năm 2020”.
Dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 33,5 tỷ USD
Vẫn theo ILO, trong cơn ảnh hưởng dây chuyền của dịch bệnh, 80% doanh nghiệp dệt may Việt Nam từng phải sa thải nhân công, và khoảng 500-600 nghìn công nhân vẫn nghỉ không lương vào tháng 7 vì dịch Covid-19.
Ngoài ra, ILO dẫn thông tin từ VITAS cho biết dệt may là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất của Việt Nam. 70% nhà sản xuất phải giảm giờ làm, cho nhân công làm luân phiên vào tháng 3, và thêm 10% nữa vào tháng 4-5.
Một báo cáo gần đây nhất của Bộ Công Thương đã chỉ ra rằnng, trong năm 2020, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày, do tác động của dịch Covid-19 từ cả phía cung và phía cầu. Hầu hết doanh nghiệp đang trong tình trạng tìm mọi cách duy trì hoạt động, tìm kiếm đơn hàng.
Với sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã và đang sẽ tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may).
"Dự kiến, dệt may Việt Nam sẽ có 1 năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu khá sâu, ước xuất khẩu đạt khoảng 33,5 tỷ USD, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước và trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục phức tạp, xuất khẩu dệt may khả năng chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD", Bộ Công Thương dự báo.