Luật sư Trương Thanh Đức, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải
Liên quan đến khái niệm TĐ, hiện có 4 cách sử dụng hoàn toàn khác nhau: TĐ là tên gọi chính thức cho một công ty như TĐ Bảo Việt; TĐ là tên gọi chính thức cho một nhóm công ty, như TĐ Tài chính bảo hiểm Bảo Việt (gồm TĐ Bảo Việt và một số công ty con, công ty thành viên); TĐ là tên gọi tắt của một công ty xuất phát trong cụm từ tên công ty mẹ có từ TĐ như TĐ Hoà Phát (gọi tắt của CTCP TĐ Hòa Phát, TĐ trong trường hợp này cũng đồng thời được sử dụng để gọi nhóm công ty, trong đo, có công ty mẹ); TĐ để chỉ một nhóm công ty, trong đo, không có tên công ty nào gắn liền với từ TĐ. Ví dụ, trong TĐ Sacombank thì Sacombank là công ty mẹ, nhưng có tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín.
Đặt tên TĐ theo cách thứ nhất và cách thứ hai thì cần có tiêu chí rõ ràng, còn theo cách thứ ba và thứ tư thì không cần thiết phải đặt ra tiêu chí về TĐ. Tuy nhiên, Điều 146, Luật Doanh nghiệp quy định, TĐ là một nhóm công ty. Vậy dùng từ TĐ để gọi một công ty, một pháp nhân như cách thứ nhất là không đúng quy định và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Gọi một nhóm công ty là TĐ như cách thứ hai thì TĐ ấy không có tư cách pháp nhân, không có người đại diện theo pháp luật, không có bảng cân đối kế toán, không phải là chủ thể để tham gia các giao dịch… Do đó, cũng không cần thiết phải đặt ra tiêu chí và ghi nhận nó bằng một văn bản pháp lý.
Cách gọi tên các TĐ kinh tế nhà nước hiện nay dường như coi khái niệm TĐ là một đặc ân mà Nhà nước dành cho một số DNNN. Ví dụ, một tổng công ty nhà nước đương nhiên gồm công ty mẹ và một nhóm công ty thành viên, vậy tại sao các đơn vị này lại không được phép sử dụng khái niệm TĐ?
Vì vậy, theo tôi, cần quy định, không được gọi một công ty đơn lẻ là TĐ. Trong trường hợp muốn gọi một công ty là TĐ thì phải ghi đầy đủ tên gọi trong các văn bản giao dịch. Còn từ 3 công ty trở lên thì được phép gọi là TĐ, nhưng không mang ý nghĩa là là một DN, một pháp nhân.
Ông Phạm Chí Công, Luật sư điều hành Công ty Luật Khai Phong
Cần pháp lý hóa mô hình về TĐ và tổng công ty (nhà nước lẫn tư nhân) theo mô hình công ty mẹ - con, trong đo, công ty mẹ có tư cách pháp nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với mô hình các TĐ kinh tế nhà nước lẫn tư nhân đang phát triển tại Việt Nam cũng như thông lệ phát triển của TĐ kinh tế trên thế giới.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp áp dụng đối với mọi thành phần kinh tế, nhưng lại có một số đơn vị không hoạt động theo các hình thức quy định trong Luật như Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí - CTCP; Tổng CTCP Kinh Bắc hay Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Rõ ràng, Luật Doanh nghiệp không có hình thức pháp lý tổng công ty. Vậy các DN nói trên ra đời (dù cái đuôi vẫn là loại hình CTCP) dựa trên cơ sở pháp lý nào? Bên cạnh đó, các TĐ kinh tế tư nhân hiện nay đang sử dụng thuật ngữ TĐ như tên thương hiệu, không chính danh với các tên gọi CTCP tập đoàn, Công ty TNHH tập đoàn. Vì vậy, cần thừa nhận tính chính danh cho các đơn vị này.
Ông Nguyễn Vĩnh Ban, Phó giám đốc Công ty Luật DNAS Lawyers
Nên có những tiêu chí về việc đặt thêm từ "TĐ" vào tên của DN. Bởi trên thực tế, hiện nhiều công ty có vốn chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng vẫn lấy tên TĐ A, B, C. Tôi cũng đồng quan điểm cho rằng, phải đưa ra một số tiêu chí như về vốn và/hoặc công ty đó là chủ sở hữu hoặc vốn góp chi phối hoặc là cổ đông lớn tại một số công ty khác.
Còn với những đơn vị mang danh TĐ, tổng công ty hiện nay, nếu không đảm bảo quy định như trong Dự thảo thì cần phải thay đổi tên gọi nếu không đáp ứng được các tiêu chí.
Còn về mục đích của việc ban hành tiêu chí đặt tên TĐ, tổng công ty, theo tôi, ngay cả khi chưa có quy định cụ thể thì các công ty có quy mô lớn, tự thân họ đã hình thành sự liên kết với các công ty con và/hoặc các công ty liên kết, để tạo thành tổ hợp DN gắn bó với nhau. Việc ban hành một văn bản pháp quy để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết, nhằm tạo nên sự rõ ràng trong mối liên kết giữa các công ty trong một nhóm và giảm thiểu tình trạng đặt tên tùy tiện như hiện nay.