Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty báo doanh thu thuần 793 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ 2020, chủ yếu nhờ nguồn thu từ các trạm thu phí. Lãi gộp đạt 446 tỷ đồng, tăng mạnh gần 47%, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 56,2%, so với mức 55,3% của cùng kỳ.
Chi phí tài chính (là chi phí lãi vay) ghi nhận 307 tỷ đồng, tăng 27,5%, còn chi phí quản lý không có nhiều biến động.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế 137,7 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 123,4 tỷ đồng, gấp 5,43 lần so với 6 tháng đầu năm 2020, ROE khoảng 4% và EPS là 462 đồng. Với kết quả này, HHV hoàn thành 62% kế hoạch về doanh thu và 57% về lợi nhuận.
Mức ROE HHV tương đối thấp, tuy nhiên có sự tăng trưởng so với mức 1% cùng kỳ. Cũng cần lưu ý, đặc thù của lĩnh vực kinh doanh HHV là đơn vị đầu tư vào các dự án BOT, có vốn đầu tư các dự án lớn và thu phí hoàn vốn qua nhiều năm, và thường năm đầu sẽ có doanh thu thu phí thấp.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của HHV là 32.880 tỷ đồng, tăng 464 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, chủ yếu tập trung ở tài sản dài hạn là các tài sản cố định hữu hình.
Trong cơ cấu nguồn vốn, HHV đang có 20.845 tỷ đồng vay nợ tài chính dài hạn chủ yếu tại VietinBank. Đây là các khoản vay dài hạn tài trợ cho các dự án BOT của HHV. Tỷ lệ nợ lớn là đặc thù của các doanh nghiệp khi đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Tín hiệu tích cực tại HHV là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này ghi dương hơn 148 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so mức âm 351 tỷ của cùng kỳ.
Theo kế hoạch tạo nguồn vốn dài hạn ổn định, HHV dự định phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm hơn 859 tỷ lên mức 3.533 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HHV bình quân 10 phiên khoảng gần đây là 17.700 đồng, khối lượng giao dịch khớp lệnh dao động 1 - 2 triệu cổ/phiên.