Nền kinh tế phát triển thịnh vượng
Theo Quy hoạch, Thái Bình phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại, với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ với kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đặc biệt, Quy hoạch định hướng tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
Những mục tiêu cốt lõi, cơ bản đã được Quy hoạch đề ra gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8%. GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% (cả thành thị và nông thôn); tỷ lệ độ che phủ rừng từ 2,5% trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% trở lên. Số giường bệnh đạt 40 giường/vạn dân...
Các định hướng lớn
Biến mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng thành hiện thực, đưa Thái Bình trở thành mảnh đất thịnh vượng, hạnh phúc, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
Theo đó, 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế được xây dựng gồm:
Một là, phát huy thế mạnh của tỉnh có truyền thống về nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Hai là, xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp, năng lượng hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.
Ba là, xây dựng các khu đô thị xanh - sạch - đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân.
Bốn là, phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, động lực chính của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để mở rộng không gian phát triển hướng biển.
Quy hoạch cũng đề ra 3 khâu đột phá phát triển là: Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển kinh tế hướng biển, tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển... Mở rộng không gian lấn biển theo quy định để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển xanh, sạch, đẹp.
Phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội được Quy hoạch định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: một trung tâm là TP. Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm là đô thị Tiền Hải, đô thị Thái Thụy, đóng vai trò đô thị đối trọng với TP. Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam) và hướng về Hà Nội và một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối các tỉnh phía Bắc Trung Bộ về TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Không gian hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức thành 4 khu vực chính, đó là: Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực TP. Thái Bình và phụ cận); Không gian kinh tế - xã hội ven biển (huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy); Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng); Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).
Liên kết các không gian này là 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam và Hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường Vành đai 5 Vùng thủ đô.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, tận dụng cơ hội, bứt phá vươn lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Quy hoạch đề ra, tạo mốc son mới, xây dựng Thái Bình trở thành “Tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
(*) Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình