Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện tăng thêm 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW; đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm 5.300 MW để quy mô công suất nguồn điện của tỉnh Ninh Thuận đạt 11.800 MW.
Theo kế hoạch, các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tới năm 2030 trên địa bàn tỉnh gồm 1 Dự án Điện khí LNG với tổng công suất 1.500 MW (Dự án LNG Cà Ná); 2 dự án thủy điện tích năng với tổng công suất 2.400 MW (Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa, đều công suất 1.200 MW).
Tổng công suất điện gió trên bờ đến năm 2025 của Ninh Thuận là 554 MW, bao gồm 14 dự án.
Cụ thể, Nhà máy điện gió Phước Hữu (50MW); Nhà máy Phong điện Việt Nam Power số 1 (30 MW); Nhà máy điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 2 (25 MW); Nhà máy điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 1 (3 MW); Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity – Ninh Thuận (65 MW); Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 (39,4 MW) và 4 (27,6 MW); Nhà máy điện gió Bim mở rộng giai đoạn 2 (50 MW).
Nhà máy điện gió 7A giai đoạn 2 (21 MW); Nhà máy điện gió Phước Dân (45MW); Nhà máy điện gió Bầu Ngứ (25, 2 MW); Nhà máy điện gió Tri Hải (39, 5MW); Một phần công suất Nhà máy điện gió Habaram (93 W); Nhà máy điện gió V2 (điện gió gần bờ, 40 MW).
Tổng công suất thủy điện nhỏ đến năm 2030 của tỉnh Ninh Thuận là 44 MW. Bao gồm, 3 dự án với tổng công suất 40 MW là Nhà máy thuỷ điện Phước Hoà (22 MW); Nhà máy thuỷ điện Thượng Sông Ông 2 (7 MW); Nhà máy thuỷ điện Lâm Sơn (11 MW).
Các dự án điện mặt trời tập trung được xem xét sau năm 2030 được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện hình thức tự sản, tự tiêu với tổng công suất 224 MW gồm 2 dự án là Dự án điện mặt trời Phước Trung (40 MW) và Dự án điện mặt trời Phước Hữu 2 (184 MW). Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đưa vào kế hoạch phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu quy mô công suất 320 MW cho Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối…
Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành các giải pháp như khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư đối với Dự án LNG Cà Ná; phê duyệt danh mục các dự án nguồn điện để tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tăng cường thu hút các dự án sử dụng điện công suất lớn và tạo ra nguồn năng lượng mới.
“Kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, Tập Đoàn điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải 500 kV, 220 kV để giải toả công suất các dự án năng lượng phát triển mới trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của chính phủ”, UBND tỉnh Ninh Thuận nêu giải pháp.
Tính đến quý I/2024, các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư và đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 3.749,942 MW. Bao gồm, thủy điện với 11 dự án, công suất 329,5 MW; điện gió trên bờ với 11 dự án, công suất 667,25 MW, điện mặt trời tập trung với 35 dự án, công suất 2.466,8 MW; điện mặt trời mái nhà tổng công suất 286,4 MW.