“Đến năm 2010, giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 100 tỷ USD”

(ĐTCK-online) Ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital được biết đến là một trong số không nhiều người nước ngoài am hiểu TTCK Việt Nam và theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn. Nhân dịp kỷ niệm 7 năm thành lập TTCK, ông đã chia sẻ với ĐTCK-online những nhận định của mình về TTCK trong tương lai.
Ông Dominic Scriven Ông Dominic Scriven

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam 7 năm qua?

Sau 7 năm không có ai thất vọng về thị trường, nhưng không có nghĩa là ai cũng có thu nhập từ TTCK. Sự phát triển của thị trường có ý nghĩa nhất ở chỗ nó bất ngờ hơn tưởng tượng của bất cứ ai. Nên nhớ rằng, xuất phát điểm của Việt Nam không giống như Thái Lan , Malaysia , Singapore là những nước có thị trường từ mấy chục năm nay. Việt Nam xây dựng thị trường mới 7 năm nay, nhiều cái chưa được, còn thiếu nhiều thứ nhưng không thể phủ nhận thành công ban đầu. Vấn đề là tới đây phải điều chỉnh kế hoạch, chứ không phải lập ra kế hoạch.

 

Ông có thể dự báo khái quát về TTCK Việt Nam trong một vài năm tới?

Tôi ước đoán đến năm 2010, giá trị vốn hoá toàn thị trường đạt 100 tỷ USD, giá trị giao dịch hàng ngày đạt 500 triệu USD, số lượng tài khoản tăng đến 1 triệu, gấp 5 lần  số tài khoản hiện nay. Riêng số lượng công ty chứng khoán sẽ giảm do xu thế cạnh tranh, sáp nhập.

Thị trường trái phiếu sẽ phát triển mạnh. Trong 2 năm qua, giá trị vốn hoá thị trường tăng từ 500 triệu USD lên 25 tỷ USD (cộng cả thị trường OTC), trong khi cùng thời gian đó, thị trường trái phiếu chỉ tăng gấp đôi từ 3 tỷ USD lên 6 tỷ USD.

 

Với một thị trường phát triển như vậy, chiến lược của Dragon Capital là gì, thưa ông?

Chúng tôi sẽ đa dạng hoá (có trọng tâm) các lĩnh vực đầu tư để có tầm nhìn về huy động vốn và phân phối vốn (là các hoạt động tư vấn, bảo lãnh, kinh doanh trên thị trường vốn); địa phương hoá bằng cách thành lập các công ty trên lãnh thổ Việt Nam để cùng với đối tác phục vụ khách hàng Việt Nam, chứ không chỉ phục vụ khách hàng nước ngoài.

 

Điều đó chứng tỏ sự phát triển của Dragon Capital sẽ gắn kết với thị trường Việt Nam, trong khi một vài tổ chức khác tháng 10 năm ngoái khuyến cáo đầu tư vào Việt Nam nay lại có quan điểm ngược lại. Hành động theo cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam , ông thấy Dragon Capital có được ưu ái hơn?

Theo phân tích của tôi, qua nhiều bước, thực hiện nhiều biện pháp, Việt Nam đã khẳng định được là điểm đến. Nhưng sau khi đặt vấn đề là điểm đến, cần có chính sách chi tiết hơn, xác định Việt Nam là điểm đến như thế nào? Nhà đầu tư dài hạn phải cam kết gì và ngược lại sẽ được gì so với những người chưa bước chân vào thị trường này? Thu hút nhà đầu tư ngắn hạn như thế nào?

Qua việc có những đánh giá khác nhau về thị trường Việt Nam, có thể nhận diện nhà đầu tư là ai để tự bảo vệ mình, phát triển những thành quả đạt được, khai thác những gì có lợi nhất. Khuyến khích nhà đầu tư dài hạn là cần thiết nhưng cũng không nên để lãng phí nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Thực tế đang dạy chúng ta những bài học, dần dần chúng ta tiến tới xây dựng tư duy ứng xử phù hợp với những nhà đầu tư có mục đích khác nhau.

 

Nếu là nhà tư vấn cho Chính phủ, quan điểm của ông về xây dựng chính sách với nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Ỏ đây, tài chính quốc gia là vấn đề quan trọng, chứ không phải là quyền lợi của bất kỳ đối tượng đầu tư nào. Có 3 vấn đề đang được bàn ở Việt Nam: chế độ ngoại hối được điều tiết bởi Ngân hàng Nhà nước; chế độ quản lý đối tượng nằm chủ yếu ở Uỷ ban Chứng khoán; chính sách thuế do Bộ Tài chính xây dựng. Quan trọng là cả 3 chính sách kết hợp với nhau.

 

Với TTCK, sau 7 năm, ông có đề xuất gì cho việc phát triển bền vững của thị trường?

Thứ nhất, hành lang pháp lý cho thị trường là quan trọng vì nó xác định quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia. Đáng mừng là chúng ta đã có Luật Chứng khoán, bước quan trọng để luật hoá các vấn đề của thị trường. Dù sao từ Luật thành nghị định, thông tư đòi hỏi phải có thời gian. Thứ hai là vấn đề hạ tầng cơ sở thị trường, gồm hệ thống công nghệ, hệ thống công ty kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán và nhà phát hành). Yếu tố thứ ba tuy không quan trọng trong ngắn hạn nhưng quan trọng về dài hạn là xây dựng các định chế tài chính, tổ chức tạo ra sự phát triển của thị trường như quỹ hưu trí, công ty định mức tín nhiệm…

Nhìn tổng thể, thời gian vừa qua, thị trường khá thành công với vai trò của công ty trong nước, công ty nước ngoài, hệ thống pháp luật, hệ thống tài chính… nên phải có sự kết hợp của cả 3 yếu tố trên, thị trường mới phát triển được.

Thành Nam thực hiện
Thành Nam thực hiện

Tin cùng chuyên mục