Đến lượt ngân hàng giảm lợi nhuận

Lợi nhuận trung bình của hệ thống ngân hàng giảm. Sự phân hoá về hiệu quả kinh doanh giữa các ngân hàng ngày càng mạnh.
Các sàn giao dịch vàng có thời từng đem lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng Các sàn giao dịch vàng có thời từng đem lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng

Dư nợ tín dụng giảm là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng giảm. Song, khoản lỗ lớn kéo lùi kết quả kinh doanh chung của ngân hàng phần lớn đến từ các hoạt động đầu tư, trong đó điển hình là ACB với khoản lỗ kinh doanh vàng trong 9 tháng đầu năm lên tới 1.251,2 tỉ đồng.

 

Tín dụng giảm là thủ phạm chính

 

Trong số các ngân hàng báo lãi, Vietinbank vẫn dẫn đầu hệ thống với con số 2.711,9 tỉ đồng trong quý 3 năm nay, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Quân đội (MB) cũng thu về 651,9 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, Vietinbank và MB chỉ là “hàng hiếm” trong trong bức tranh chung của ngành ngân hàng. Các ngân hàng còn lại, lợi nhuận đều thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái và các kỳ trước. Như Vietcombank, lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.477 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, song luỹ kế chín tháng đạt 4.394 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, quý 3, thu nhập từ tín dụng giảm tới 25% so với quý 3/2011, lũy kế chín tháng cũng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, tăng trưởng tín dụng chững lại, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, chi phí dự phòng rủi ro tăng cao. Trong chín tháng qua, VCB đã trích lập dự phòng rủi ro 2.575 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011. Huy động vốn của VCB cuối quý 3 tăng 15,46% so với đầu năm trong khi dư nợ cho vay là chỉ tăng 8,55% so với đầu năm cũng làm chi phí của ngân hàng đội lên.

 

Đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng nói chung. Như ngân hàng Eximbank, tổng dư nợ tín dụng chín tháng qua giảm tới 14,6% so với cuối năm 2011; tổng thu nhập hoạt động trong chín tháng tăng 3%, trong khi chi phí hoạt động tăng 29% và chi phí dự phòng tăng 21,8%. Ngoài ra, kinh doanh vàng và kinh doanh chứng khoán không hiệu quả cũng góp phần kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng.

 

Thống kê tình hình kinh doanh hợp nhất của 12 ngân hàng TMCP cho thấy, lợi nhuận bình quân của các nhà băng này đã giảm 42,9% trong quý 3 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nửa năm đầu làm ăn tốt hơn, nên mức giảm lợi nhuận này trong chín tháng đầu năm chỉ dừng ở 11,1%.

 

Hay như Sacombank, lợi nhuận quý 3 cũng giảm 6,4% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần đã làm lỗ của ngân hàng xấp xỉ 200 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý 3 của ngân hàng Bảo Việt giảm tới 84,8%, còn vỏn vẹn 5,2 tỉ đồng; ngân hàng Liên Việt giảm 81% còn 67,7 tỉ đồng; ngân hàng Nam Việt (Navibank) giảm tới hơn 87% (năm nay chỉ đạt hơn 6,5 tỉ đồng trong khi năm ngoái đạt gần 52 tỉ đồng). Đáng chú ý, hồi tháng 2 vừa qua, khi phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN do nợ xấu gia tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý..., vốn chủ sở hữu thực của Navibank chỉ còn lại 2.513 tỉ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định là 3.000 tỉ đồng. Mặc dù diễn ra từ hồi đầu năm, song đến nay, Navibank mới công khai thông tin, vì sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu giải trình...

 

Lỗ lớn vì kinh doanh vàng

 

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2012 của ngân hàng ACB ghi nhận khoản lỗ hơn 520,67 tỉ đồng, kéo lùi lợi nhuận sau thuế của ngân hàng chín tháng đầu năm chỉ còn 1.086,9 tỉ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, ACB thu về 658,6 tỉ đồng lợi nhuận, luỹ kế chín tháng là hơn 1.858,4 tỉ đồng. Dù các hoạt động kinh doanh khác vẫn cho thu nhập tương đương cùng kỳ năm ngoái (thu nhập lãi thuần, thu nhập từ dịch vụ...), song vẫn không gánh nổi khoản lỗ lớn từ vàng. Do phải mua vàng thời điểm giá cao để chấm dứt huy động – cho vay vàng theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước, trong quý 3 hoạt động kinh doanh vàng của ACB lỗ 1.144,4 tỉ đồng.

 

Ngân hàng SHB cũng có khoản lợi nhuận âm khá lớn: 1.105 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm. Nguyên do là họ phải gánh những khoản lỗ lên tới 1.715 tỉ đồng từ các đơn vị kinh doanh của ngân hàng Habubank vừa mới sáp nhập, đồng thời phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 2.103 tỉ đồng. Tính đến 1.11.2012, ngân hàng này cũng đã thu hồi được 1.200 tỉ đồng nợ xấu, nợ quá hạn và đặt mục tiêu giảm nợ xấu của các đơn vị thuộc Habubank xuống dưới 10% vào cuối năm nay.

 

Còn nhiều báo cáo tài chính chưa được các ngân hàng công bố. Theo một chuyên gia tài chính, nếu các ngân hàng công khai đầy đủ, trung thực, danh sách báo cáo tài chính có lợi nhuận âm sẽ không dừng lại ở hai ngân hàng kể trên.


SGTT

Tin cùng chuyên mục