Nước thải đục ngầu và hôi hám rò rỉ từ nhà máy ra bên ngoài
Mọc lên giữa cụm dân cư thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một nhà máy sản xuất gạch có tiếng tầm cỡ quốc tế của Cty CP Prime (Thái Lan - sản phẩm được bày bán ở nhiều nước trên thế giới). Thế nhưng, tường rào của nhà máy, nơi chỉ cách nhà dân một con đường nhỏ vào thôn, thậm chí chỉ một bờ rào chưa đầy 1 mét, đang diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo kiểu rất… đặc trưng Việt Nam!
“Hãy cứu chúng tôi…”
Bà Thao - một người sống ở thôn Xuôi Ngành - nói hôm nay tôi gặp may bởi đến đây đúng vào một ngày không khói bụi hiếm hoi. “Đây có thể coi là ngày duy nhất trong năm được bình yên như thế này. Bình thường tại đây rất ồn và bụi khủng khiếp, bàn ghế, mặt kính lúc nào cũng phủ một lớp bụi trắng phau, trẻ con có thể vẽ lên được. Còn vợ chồng tôi muốn nói chuyện từ đầu này đến đầu kia sân thì cứ phải hét lên mới nghe thấy” - bà Thao nói.
Ngay bên kia đường - nơi chỉ cách nhà người dân chưa đầy 1 mét là nhà máy sản xuất gạch thuộc Cty CP Prime (Công ty Prime), nằm ngay giữa thôn Xuôi Ngành. Theo phản ánh của nhiều người dân trong thôn, nhà máy hoạt động liên tục 24/24 giờ, rất ồn ào kể cả ban đêm, khiến họ không thể nào ngủ được. Cùng với tiếng ồn là mùi hóa chất nồng nặc mà theo mô tả là gần giống mùi thuốc phun lúa.
Bà Thao cho hay, nhiều đêm vừa ồn, vừa hôi hám, cơn đau đầu cứ thế hành hạ khiến bà không sao ngủ được, phải dậy đi lại trong vườn và trông trời mau sáng. Bé Hoàng Việt An (9 tháng tuổi) - con trai của một người dân ở ngay sát nhà máy - nhiều tháng nay cứ đều đặn mỗi tháng đi bệnh viện một lần. Mẹ bé cho biết, kết quả khám của bé đều là viêm mũi dị ứng, viêm họng, ho, điều trị kéo dài nhưng vẫn không khỏi.
Không chỉ ô nhiễm không khí và tiếng ồn, nguồn nước quanh khu vực nhà máy hiện cũng trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Theo quan sát của người viết, từ dưới tường rào bao quanh nhà máy, liên tục có nước rỉ ra ngoài và đổ trực tiếp vào dòng kênh chạy quanh nhà máy, màu đục ngầu, bốc mùi hôi thối.
Một người dân dẫn chúng tôi đi xem chiếc ao ngay sát nhà máy trước đây trồng lúa chiêm. Nhưng hiện tại, cá chết nổi đầy ao, đáy ao thì toàn bùn đen, xông lên mùi thối khủng khiếp. Ai lội xuống nước là sau đó chân bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ rất khó chịu.
Chị Lý - người dân sống ngay sau nhà máy - chỉ tôi xem con kênh bé tẹo trước nhà mình, xót xa: “Trước đây quanh nhà tôi là đầm lúa xanh mát, nay là kênh nước đen ngòm thế này đây”. Chị Lý tiếp tục đưa tôi đến bên giếng khoan, là nguồn nước sinh hoạt chính của cả nhà. Tôi thấy dưới mặt giếng là một lớp bùn váng vàng khè, vớt lên rất nhầy và có mùi rất hôi và tanh. “Nhiều lúc gội đầu xong vẫn ngửi mùi thối, dù đã có dầu gội đầu!” - chị nói.
Người dân đã nhiều lần đề nghị Công ty Prime tìm cách khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, sau nhiều lần có ý kiến với nhà máy nhưng không được phản hồi, họ buộc phải gây áp lực, “chặn” cổng nhà máy, lúc đó lãnh đạo nhà máy mới có động thái tổ chức họp dân đúng một buổi và hỗ trợ 20 triệu đồng để quét dọn, vệ sinh nhà cửa. Song đáp ứng này chỉ có tính hình thức, bởi sau đó đâu lại vào đấy!
“Chúng tôi đã sống gần cả cuộc đời rồi, thôi thì chịu đựng một chút cũng không sao, nhưng hãy nhìn vào các con, các cháu nhỏ của chúng tôi để cứu lấy chúng tôi với! Nếu di dân thì đi đâu tôi cũng chấp nhận hết chứ không thể sống trong tình cảnh này được!” - chị Lý nghẹn ngào.
Chiếc ao ngay sát nhà máy lắng bùn đen ngòm, hôi hám
Mọi chỉ số đều… đạt chuẩn?
Công ty Prime thuộc Cụm công nghiệp Bình Xuyên - Hương Canh (thuộc KCN Bình Xuyên), được thành lập từ 2001. Toàn cụm công nghiệp còn có 4 DN khác đang hoạt động, trải rộng trên địa bàn hai xã Tam Hợp, Hương Canh. Theo anh Ngô Văn Dũng - cán bộ môi trường xã Tam Hợp - trước khi xây dựng nhà máy, DN này có tổ chức lấy ý kiến quy hoạch với mong muốn giải quyết lao động và đưa cơ sở hạ tầng vào cho xã mà hoàn toàn không nghĩ đến việc... gần nhà dân quá.
Ông Đào Trung Kiên - Giám đốc Nhà máy sản xuất gạch hoa cương, thuộc Công ty Prime - cho biết: “Xây nhà máy giữa khu dân cư có thuận lợi đối với chúng tôi là được... bao bọc bởi người dân, nhưng sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng nhất định tới dân. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin mà nói, chúng tôi quản lý rất tốt nguồn rác thải”.
Còn nguồn nước thải rò rỉ ra tường rào Công ty theo ghi nhận của người viết và phản ánh của người dân, thì ông Kiên cho hay là có thực trạng sau khi xử lý nước thải có đổ nước thải từ nhà máy ra ao, nhưng sau đó lại... bơm ngược lại để phục vụ sản xuất, tuyệt đối không có tình trạng nước thải rò rỉ ra ngoài.
Đối với tiếng ồn và bụi, ông Kiên cũng khẳng định là đã có đoàn về kiểm tra và mọi chỉ số đều... trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, về những chỉ số này, người dân trong thôn khẳng định họ chưa một lần được thông báo công khai kết quả cụ thể. Đã có rất nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành về làm việc, hỏi han và lấy mẫu nước kiểm tra, nhưng sau đó không có thông tin nào được phản hồi với họ.
Về hệ thống thoát nước, ông Kiên cho hay công ty sẽ có lộ trình cụ thể, sẽ xây dựng mương thoát nước bằng ximăng và đang tiến hành tách hai nguồn nước mưa và nước thải. Nghĩa là, mọi công việc xử lý nước thải đều đang nằm trong... lộ trình và trong tương lai, trong khi về nguyên tắc thực hiện DTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường), mọi hệ thống xử lý nước thải, rác thải đều phải được hoàn thiện trước khi vận hành nhà máy từ cách đây hơn... 10 năm.
Sự thật đắng cay về DTM
DTM được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 của nước ta, được xem là văn bản pháp lý, trong đó dự báo các tác động tích cực và tiêu cực có thể xảy ra của dự án đối với môi trường sống của dân cư. Đây là một trong những căn cứ để xem xét phê duyệt triển khai dự án hay không.
Tầm quan trọng của DTM không hề nhỏ, song theo ông Phạm Ngọc Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh - thực tế, chất lượng của nhiều hạng mục thực hiện quá sơ sài, thường rập khuôn theo các dự án.
Phần biện pháp giảm thiểu tác động xấu từ các sự cố môi trường cũng nêu quá chung chung và đa phần đều... phù hợp với mọi dự án. Sở TNTM tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần rà soát, phát hiện sai phạm tồn tại và có văn bản yêu cầu các đơn vị để nhắc nhở, đôn đốc các biện pháp khắc phục, song việc này vẫn thực hiện không xuể.
Trong quá trình tìm tư liệu cho phóng sự này, tôi gặp một đơn vị tư vấn môi trường, chuyên phụ trách DTM cho các nhà đầu tư, do chủ đầu tư chỉ định. Bản thân người của Cty này (xin phép được giấu tên) đã rất dũng cảm khi chia sẻ những sự thật cay đắng đằng sau bản báo cáo DTM.Theo đó, việc tham vấn cộng đồng không hề là khâu chủ yếu trong báo cáo, thậm chí còn làm rất sơ sài, chỉ mang tính thủ tục.
“Nhiều trường hợp chúng tôi có nói chuyện với dân nhưng chỉ... mất thời gian vì bản thân họ chưa phản ánh đúng thực chất của vấn đề, ý kiến rất chủ quan, trừ những dự án quá lớn buộc họ phải tìm hiểu. Nhiều dự án, DTM chỉ là thủ tục chứ không hề có tính chất quyết định lớn để giúp cải thiện tình hình. Nhiều khi cũng rất áy náy, nhưng muốn thay đổi cục diện vấn đề, chỉ một bản DTM thôi là chưa đủ” - cán bộ này chia sẻ.
Một ý kiến khác, đến từ TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ TNMT - rằng, thực hiện DTM tại Việt Nam còn quá nhiều bất cập và nhiều cái thiếu về thông tin, các hướng dẫn kỹ thuật cần thiết...
Thậm chí, năng lực lập và thẩm định DTM còn yếu, và tham gia của cộng động trong DTM còn quá mờ nhạt. Ông Kinh nhấn mạnh: “Với trường hợp của Prime, chắc chắn DTM phải đề cập đến vấn đề xử lý nước thải, rác thải. Thật khó hiểu khi nhà máy hoạt động hơn 10 năm nay rồi mà vẫn chưa xây dựng hệ thống này, điều này là quá chậm trễ, đi ngược quy trình. Ngay cả khi sản xuất, quá bụi, quá ồn thì họ mới tính đến việc lắp các hệ thống chống bụi, chống ồn thì đã là làm sai quy trình thực hiện dự án”.
Để thay đổi chất lượng và tính thực chất của DTM, theo TS Kinh và đơn vị tư vấn môi trường, là cần phải thay đổi cả hệ thống mà trong đó DTM chỉ là một mắt xích nhỏ.
Và thực tế, nhiều khu công nghiệp, nhà máy vẫn mọc lên sát khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của người dân (có khi phải đánh đổi bằng chính mạng sống), dù có DTM hay không, tính chất ô nhiễm vẫn không thay đổi. Tất nhiên, tình trạng này đang diễn ra không chỉ ở thôn Xuôi Ngành của Vĩnh Phúc!
>> SCG hoàn tất việc sở hữu 85% cổ phần Prime Group
>> VinaCapital kiếm 17,5 triệu USD từ bán cổ phần Prime