Đến Hua Tạt nghe gió hát tình ca

(ĐTCK) Có những chuyến đi ban đầu chỉ là sự ngẫu hứng bất chợt, nhưng hóa ra lại mang đến nhiều trải nghiệm thú vị hơn tôi tưởng. Chuyến rẽ ngang từ Mộc Châu sang vùng đất Hua Tạt là một chuyến đi như thế.
Đến Hua Tạt nghe gió hát tình ca

A Chu làm du lịch

Ban đầu tôi chỉ định đến Mộc Châu xử lý công việc rồi quay về trong ngày, nhưng cuối cùng, tôi lại bị vẻ đẹp hấp dẫn của Hua Tạt thu hút và quyết định ở lại tới tận ngày thứ ba mới rời đi được.

Bản Hua Tạt (hay còn gọi Hua Tát) cách Mộc Châu 20 km, nằm ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Vì nằm sát với Mộc Châu, nên Hua Tạt cũng mang đậm nét thời tiết của vùng cao nguyên này.

Thời điểm chớm Đông, Hua Tạt đẹp một cách lạ lùng và đầy kiêu hãnh. Hoa đào, hoa mận chưa nở, nhưng vườn nhà ai cũng sặc sỡ sắc vàng của hoa cải mèo. Thấp thoáng trong vườn là những bộ quần áo đỏ rực rỡ của các cô gái Mông.

Đường từ Mộc Châu đi vào Hua Tạt chỉ có đèo và gió. Cung đường mê hoặc tôi bởi những ngọn gió réo rắt không ngừng thổi đêm ngày như đang hát một bản tình ca. Từ ngày Quốc lộ 6 mới được đưa vào hoạt động, vùng đất Hua Tạt trong đường 6 cũ ít hẳn người qua lại.

Do đó, một phần của đèo Hua Tạt không có sự sống, không có cây trái, chỉ có những đồi đất bạc màu. Ngoại trừ một số điểm chạy qua xã có khoảng chục nóc nhà ẩn mình giữa những rặng ngô, thì đoạn đường còn lại hoàn toàn vắng lặng.

Theo lời giới thiệu của những người từng đến Hua Tạt trước đó, thì Homestay Tráng A Chu là một nơi rất đáng để dừng chân. Khi tôi tới nơi, A Chu đã đứng đợi ở bậc thềm. Anh giới thiệu mình năm nay gần 40 tuổi, là ông chủ của homestay ở đây.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hua Tạt dành riêng cho người Mông, A Chu không chỉ am hiểu phong tục dân tộc mình, mà còn được trời phú cho tài thổi kèn hay, vẽ đẹp. Thời gian 4 năm học đại học dưới Hà Nội đã giúp A Chu có cái nhìn khác về cuộc sống và cách làm kinh tế của người vùng cao.

Thay vì quanh năm vất vả lên nương, lên rẫy trồng trọt kiếm cái ăn, thì nay người Mông có thể dựa vào chính tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của mình để vươn lên làm giàu. Bắt đầu từ suy nghĩ ấy, ngay sau khi ra trường, A Chu quyết tâm trở về quê hương tìm cách dựng nhà homestay.

Ban đầu không có kinh nghiệm anh phải tự lên mạng mày mò. Từ cách thiết kế, bố trí nội thất, công năng sử dụng cho đến dịch vụ thu hút du khách ghé chơi… đều do một mình A Chu tự nghĩ. Anh kể rằng, vì homestay nằm phía trong Quốc lộ 6 cũ, nên thời gian đầu chỉ có khách nước ngoài ghé qua, còn khách nội địa thì ở ngoài Mộc Châu là chính.

Những vị khách ban đầu thấy cảnh ở đây đẹp, đồ ăn ngon, rẻ, chủ nhà dễ thương, phục vụ khách chu đáo, thậm chí vợ chồng A Chu cũng không ngại biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách mỗi tối, nên dần dần họ giới thiệu bạn bè ghé chơi nhiều hơn.

Công việc làm ăn nhờ đó thêm ổn định, thu nhập đem về đủ nuôi sống cả gia đình 4 người mà chẳng cần phải lên nương rẫy vất vả nữa. Không chỉ tự làm giàu cho mình, A Chu còn giúp đỡ anh em, họ hàng và bà con trong bản cùng phát triển mô hình này.

Trong lúc chờ cơm tối dọn lên, A Chu tranh thủ dẫn tôi đi tham quan cơ ngơi của mình. Nơi đây có 2 phòng suite, 1 căn bungalow, 1 villas Thái 4 phòng mới hoàn thiện và 1 nhà sàn lớn chứa được từ 15 - 20 khách. Nội thất trong các phòng đều làm từ vật liệu thiên nhiên gỗ, tre, nứa, các mảnh vải dệt thổ cẩm, mây tre đan người Thái… Ấn tượng nhất chính là lò sưởi được sử dụng để thay thế cho điều hòa 2 chiều, vừa gần gũi, vừa ấm áp.

Ngồi trong cơ ngơi của ông chủ người Mông đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Hua Tạt, tôi không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực vươn lên của Tráng A Chu, một người đàn ông nhạy bén với thời cuộc, dám nghĩ dám làm.

Bữa cơm tối dọn lên, nhìn những món ăn đặc sản của người Mông đã kích thích cơn đói của tôi. Những món của người Mông như gà xương đen, cá suối, lợn bản, rau rừng… được chị Hàng A Sua (vợ anh Chu) khéo léo gia giảm, hợp khẩu vị với du khách.

Chỉ bảo, đến Hua Tạt mà không được thử món thịt chả băm nướng cùng lá dong thì phí hoài cả quãng đường dài. Thịt lợn hoặc bò sau khi băm nhỏ thủ công sẽ được đem trộn với các loại gia vị đặc trưng Tây Bắc như ớt rừng, tiêu rừng, mắc khén, hành xả… Khi thịt ngấm cho vào gói với 2 - 3 lớp lá dong và nướng trên than hồng rực lửa. Mùi thơm của lá dong sẽ quyện vào từng thớ thịt đem lại hương vị quyến rũ khó quên.

Từ Hua Tạt ra tới vùng sông Đà còn khá xa, nhưng món cá trắm sông 2 - 3 kg, được nhồi gia vị vào từng khứa thịt đem hấp hoặc nướng vẫn rất phổ biến ở đây. Vị ngọt của cá lẫn vị bùi cay nồng của mắc khén khiến thực khách là tôi đây cứ muốn “tranh phần” ăn mãi cho đến hết.

Cuối cùng là món rau rừng Hua Tạt. Đây là một hỗn hợp của nhiều loại rau lấy trên rừng như rau Dớn, Tầm bóp… được rửa sạch, luộc lẫn với nhau. Một món ăn khác là món gà xương đen luộc cũng có thể khiến nhiều người thích thú.

Đêm xuống, trời trở lạnh. A Chu bỏ thêm củi vào lò sưởi cho hơi ấm nồng lên. Đốt củi mà căn phòng không có tí khói nào, khi lửa yếu thì kéo một que bơm bên cạnh là không khí lại thổi bùng lên. Thiết kế thông minh đâu có kém gì kiến trúc sư lành nghề.

Ngày ở Hua Tạt an yên

Hua Tạt, một vùng đất bí ẩn tưởng chừng chẳng có gì thú vị, nhưng hóa ra sau cái vẻ ngoài đơn giản, không hoa lệ, không bóng bẩy ấy lại là một mạch ngầm thú vị vẫn luôn chực trào nhựa sống.

Bình minh ở Hua Tạt, Mặt Trời thường lên sớm hơn các nơi khác. Từ lúc trời còn lờ nhờ tối, không khí trong lành từ rừng, từ các con suối róc ránh chảy đêm ngày đã ùa vào phòng đánh thức du khách. Mấy chú gà, vịt, lợn, chó đã ra sân rủ nhau hòa âm từ lâu.

Khó mà ngủ nướng thêm và cũng khó bung ra khỏi chăn ấm sau một đêm co ro bởi cái lạnh. Thế nhưng, tôi phải dậy thôi, bởi không phải sáng nào cũng được thức dậy giữa thiên đường như vậy. Mặc thêm áo ấm, quấn nguyên cả khăn trùm kín mặt, tôi xuống rủ A Chu đi bộ lên rừng thông ngay gần homestay.

Khu rừng này càng lên cao, cây càng thấp dần. Có lẽ do gió mạnh và sương buốt giá hơn chỗ thấp. Từ đây nhìn xuống chỉ thấy toàn là núi xanh mờ chen lẫn những thửa ruộng dài tít mù xa. Khi lên tới đỉnh đồi, tôi bắt gặp một thảm cỏ đẹp như tranh, ít dấu chân người qua lại ở đây. Một làn gió mạnh tạt ngang như muốn nâng tôi lên giữa tầng trời cao rộng.

Cảm giác ngất ngây, lâng lâng, kỳ diệu, thật khó tả khiến tôi như quên hết quãng đường dài vào Hua Tạt chiều qua. Tôi chỉ mong bây giờ mình có thể diện một bộ áo dân tộc Mông duyên dáng để ghi lại khoảnh khắc thân yêu của núi rừng trong phong cảnh hữu tình này.

Chưa chụp được mấy tấm ảnh thì nắng đã vội chói chang trên đầu, A Chu phải về đón khách rồi. Trên đường trở xuống, nắng đã xuyên qua vách núi, đổ dài giữa lòng thung lũng. Nắng hào phóng đi vào từng khu vườn cải, vườn su su.

Nắng như chán nơi đô thị xô bồ, nắng dồn hết về với hành tinh của người thật thà, của bản Hua Tạt. Đôi lúc ngược đường, tôi bắt gặp từng tốp thanh niên bản Mông dắt tay nhau lên đồi. Hóa ra bấy lâu nay, đồi thông bản Hua Tạt chính là “chốn thần tiên” của trai gái người Mông.

Thời gian còn lại trong ngày, tôi cùng vợ A Chu và các nhân viên nhà bếp hái rau cải mèo, bắt gà đồi nấu ăn. Hôm nay có thêm 2 gia đình đem theo con nhỏ đến với Hua Tạt. Bọn trẻ con thành phố đang thích thú học cách làm giấy, học cách giã bánh dày của người Mông và tự thưởng thức các sản phẩm mình làm ra.

Trong lúc đó, tôi tranh thủ dạo bộ bên dòng suối qua các nương ngô, nương lúa, cùng hoà nhịp với cuộc sống vùng cao bình dị, lãng mạn để cảm nhận cuộc sống vẫn bình yên trôi qua như mỗi ngày vẫn thế.

Chia tay bản Hua Tạt trở lại Mộc Châu khi màn đêm dần buông xuống, phía sau lưng tôi những ánh lửa bập bùng từ những gian bếp làm cho khung cảnh lung linh huyền ảo, cùng với đó là tiếng khèn A Chu đang ngân xa du dương như mê hoặc lòng người. Tôi cảm nhận cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang lan tỏa khắp nơi.

Ngày hôm qua, lúc rời Mộc Châu, tôi cứ nghĩ vùng đất cao nguyên này sẽ chẳng còn nơi nào để lại cho tôi nhiều cảm xúc ấn tượng đến vậy. Nhưng tôi đã nhầm. Hua Tạt, nơi bước chân khách lạ vẫn còn thưa vắng như chứa đựng một điều gì đó khác hẳn. Giống như một đóa hoa dại với nét mộc mạc nhưng căng tràn sức sống, được ươm mầm giữa chốn phồn hoa Mộc Châu.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục