Đến hết tháng 8, dư nợ ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 220.545 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa công bố tình hình cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Được các tổ chức chính trị - xã hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, hàng triệu hội viên là hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh Được các tổ chức chính trị - xã hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, hàng triệu hội viên là hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh

Theo đó, tính đến 31/8/2020, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%.

Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,8%, Hội Nông dân chiếm 30,6%, Hội Cựu Chiến binh chiếm 16,7%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 13,9%.

Đặc biệt, với việc Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xây dựng, củng cố và sắp xếp lại mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2014 góp phần tiết kiệm được chi phí quản lý cho ngân sách Nhà nước, nâng cao tính ưu việt riêng có của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đến nay, số Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giảm hơn 24 nghìn tổ so với 31/12/2014 còn 173.712 tổ với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ; bình quân dư nợ 1,3 tỷ đồng/tổ và 37 tổ viên/tổ; bình quân một khách hàng có dư nợ 34 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với 31/12/2014.

Theo kết quả chấm điểm phân loại Tổ tiết kiệm và vay vốn đến 31/8/2020, số tổ tốt chiếm 83,7%, tổ khá chiếm 11,7%.

Chất lượng hoạt động của 4 tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng.

Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Tỷ lệ thu lãi tăng dần từ 88,3% những ngày đầu thực hiện lên 98% năm 2014, từ năm 2015 đến nay thường xuyên đạt gần 99%.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm và phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội làm tốt công tác vận động tổ viên thực hành tiết kiệm mang lại hiệu quả thiết thực.

Đến 31/8/2020, có trên 99,9% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi tổ viên với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia, số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng, tăng 7.790 tỷ đồng so với 31/12/2014.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tham gia hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt từ 95% trở lên. Dư nợ ủy thác tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ ủy thác. Tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 97%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục