Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 18/8, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Cụ thể, thói quen làm việc là giai đoạn đầu năm tập trung vào công tác thẩm định dự án, hoàn thiện thủ tục, giải phóng mặt bằng, cuối năm mới thực hiện triển khai các hạng mục công việc, dẫn đến thực tế giai đoạn đầu năm giải ngân rất chậm và giải ngân dồn mạnh vào những tháng cuối năm...
Với các dự án trọng điểm, sử dụng quỹ đất lớn gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Sự phối hợp của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan còn hạn chế, công tác giao vốn theo tiến độ gặp khó khăn…
Một nguyên nhân khách quan khác là thời tiết. Theo ông Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các vùng khí hậu khác nhau với mùa mưa rõ rệt gây khó khăn cho công tác thi công, xây dựng, dẫn đến khối lượng công việc hoàn thành bị hạn chế, không thực hiện được giải ngân.
Chia sẻ về khó khăn trong giải ngân, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: “Một số dự án giao thông đô thị lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bị chậm do việc tổng mức đầu tư bị điều chỉnh tăng nhiều lần.
Đặc biệt, có không ít dự án lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mặc dù các khâu chuẩn bị đã xong hết nhưng không thể ký kết hợp đồng với nhà thầu vì lý do không có cát xây dựng, giá cát tăng cao, Dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn bị chậm chễ”.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, "việc các nhà tài trợ dự án quan tâm nhiều đến vấn đề sinh thái, tái định cư của các dự án và đưa ra những yêu cầu rất chặt chẽ cũng là lý do dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn bị chậm”, ông Phương cho biết thêm.