Đến giữa tháng 4, phải bàn giao đất Dự án Hóa dầu Long Sơn

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thúc tiến độ triển khai Dự án Hóa dầu Long Sơn. Đây là dự án trọng điểm, song do những vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, nên bị chậm tiến độ.
Đến giữa tháng 4, phải bàn giao đất Dự án Hóa dầu Long Sơn

Chính vì thế, trong một cuộc làm việc mới đây với PVN, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, đến ngày 15/4/2015 phải giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc để bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Dự án Hóa dầu Long Sơn có tổng diện tích đất thu hồi 464 ha, đến nay đã bàn giao cho nhà đầu tư 318,5 ha, trong đó 66 ha đất mặt nước; còn 145,5 ha chưa bàn giao, trong đó 24 ha của 4 hộ dân mua đất của Nhà nước, nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, 8,5 ha của 11 hộ dân (có 6 ha của 7 hộ đã nhận tiền), 113 ha của 47 hộ dân thuộc Tập đoàn Muối Trảng Cây Đu.

Dự án Hóa dầu Long Sơn được khởi công từ tháng 9/2008, với công suất thiết kế 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, Dự án dự kiến phải đến quý II/2019 mới có thể hoàn thành.

Liên quan đến dự án trên, trung tuần tháng 11/2014, PVN đã ký thỏa thuận nhận chuyển nhượng toàn bộ 11% vốn góp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, chủ đầu tư Dự án Hóa dầu Long Sơn.

Như vậy, với thương vụ này, PVN sẽ là đại diện Việt Nam duy nhất nắm vốn tại Hóa dầu Long Sơn, với tỷ lệ 29%, bên cạnh Tập đoàn SCG của Thái Lan (46%) và Tập đoàn QP của Qatar (25%).

Hiện ngoài Dự án Hóa dầu Long Sơn, Việt Nam còn một số dự án liên quan đến lĩnh vực lọc hóa dầu. Chẳng hạn, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,9 tỷ USD - Thanh Hóa), Lọc hóa dầu Victory (22 tỷ USD - Bình Định), Lọc dầu Vũng Rô (3,2 tỷ USD - Phú Yên).

Hiện nay, ngoài Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang tiếp tục triển khai xây dựng với tiến độ được đánh giá là khá tốt, thì phần lớn các dự án còn lại chưa có động thái nào lạc quan hơn. Ngoài Lọc dầu Vũng Rô năm trước đã tăng vốn đầu tư lên gần 3,2 tỷ USD và đã tiến hành lễ động thổ, còn có Lọc dầu Nam Vân Phong cũng đang trong giai đoạn đầu triển khai. Cuối năm 2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký biên bản ghi nhớ với JX NOE (Nhật Bản) để xây dựng một liên doanh nhằm triển khai dự án này.

Và trong khi Lọc hóa dầu Victory vẫn đang chờ cấp phép, mới đây, Cần Thơ đã đề xuất thu hồi Dự án Lọc dầu Cần Thơ (vốn đầu tư trên 538 triệu USD) vì chậm triển khai.

Nguyên Đức
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục