Theo đó, tính đến ngày 25/9/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức phát hành trái phiếu được 5.500 tỷ đồng (hoàn thành 27% kế hoạch để tạo nguồn vốn triển khai cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP).
Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 10.411 tỷ đồng, trong đó:
Thứ nhất, chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính 768 tỷ đồng, cho hơn 78,8 nghìn lượt khách hàng mua máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến cho con em;
Thứ hai, chương trình cho vay Nhà ở xã hội đạt 2.408 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng gần 6,9 nghìn căn nhà ở xã hội;
Thứ ba, chương trình cho vay Hỗ trợ việc làm đạt 7.000 tỷ đồng, với hơn 147,8 nghìn lượt khách hàng được vay vốn giải quyết tạo việc làm;
Thứ tư, chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 184 tỷ đồng cho hơn 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập;
Thứ năm, cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 51 tỷ đồng với hơn 1.000 khách hàng.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 448/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2022) đã phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 tối đa là 19.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh được 5.000 tỷ đồng.