Trong 6 tháng qua, thị trường Đông Nam Á đã ghi nhận 85 đợt IPO, huy động được 3,3 tỷ USD, tăng so với con số 73 đợt IPO và huy động được 3,1 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 16% về khối lượng và 5% về giá trị huy động trong nửa đầu năm 2023.
“Triển vọng tăng trưởng tích cực của Đông Nam Á đang khiến khu vực này trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư khi tiếp tục ghi nhận dòng vốn FDI vào khu vực do mở cửa trở lại, ngành du lịch phục hồi và nhu cầu trong nước đang bùng nổ. Những yếu tố này đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế tích cực trong khu vực bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu”, báo cáo của Deloitte cho biết.
Bên cạnh đó, một báo cáo của EY cũng cho thấy, hoạt động IPO toàn cầu đã chậm lại trong nửa đầu năm 2023, với số lượng IPO ít hơn 5% và số tiền huy động giảm 36% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Indonesia - Ngôi sao đang lên
Indonesia đã huy động được 70% tổng số tiền thu được từ IPO ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2023.
Thị trường IPO của Indonesia nổi bật với 3 thương vụ đã huy động được hơn 500 triệu USD mỗi thương vụ, so với chỉ một thương vụ IPO bom tấn là GoTo ở mức 1 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Các thương vụ đó bao gồm: Công ty niken PT Trimegah Bangun Persada Tbk, công ty vật liệu pin xe điện và khoáng sản PT Merdeka Battery Materials Tbk và nhà điều hành nhà máy điện địa nhiệt PT Pertamina Geothermal Energy Tbk.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra các biện pháp nhằm định vị quốc gia này như một trung tâm chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu, bao gồm ký kết thỏa thuận với Australia để hợp tác về các khoáng chất sản xuất EV chính là lithium và niken.
“Indonesia nắm giữ trữ lượng niken lớn nhất thế giới và đợt IPO gần đây của Harita Nickel (PT Trimegah Bangun Persada Tbk) là thước đo tốt về sự quan tâm của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, báo cáo của Deloitte nhận định.
Deloitte cho biết thêm, Indonesia “có vẻ sẽ có một năm tốt nhất từ trước đến nay về số tiền thu được từ niêm yết khi đã có 44 đợt IPO trong nửa đầu năm 2023”.
Thái Lan và Malaysia theo sau với lần lượt 18 và 16 thương vụ IPO trong nửa đầu năm 2023.
“Với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của mỗi quốc gia, kinh tế vĩ mô ổn định và nhân khẩu học khỏe mạnh của Đông Nam Á, cùng với tác động ngày càng tăng của các doanh nhân công nghệ đối với đầu tư và mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, vẫn còn rất nhiều cơ hội hấp dẫn tại thị trường vốn khu vực và một luồng giao dịch lành mạnh để các nhà đầu tư khám phá và khai thác”, báo cáo của Deloitte cho biết.
Tuy nhiên, Deloitte nhấn mạnh họ vẫn “lạc quan một cách thận trọng về triển vọng của khu vực” trong nửa cuối năm nay.
“Vẫn còn phải xem Đông Nam Á sẽ vượt qua cơn bão như thế nào để phục hồi kinh tế. Những yếu tố không chắc chắn như bất ổn như tăng lãi suất, rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lạm phát tiếp tục làm rung chuyển nền kinh tế”, Deloitte nhận định.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ chậm lại từ 5,7% năm 2022 xuống 4,6% vào năm 2023. IMF viện dẫn nhu cầu trong nước đối với Malaysia và Thái Lan giảm nhẹ, giá hàng hóa giảm ở Indonesia và Malaysia cũng như nhu cầu bên ngoài yếu hơn từ Mỹ và châu Âu.