Đề xuất thuế quan của ông Trump sẽ giáng đòn đau lên các nhà bán lẻ và sản xuất giày dép

(ĐTCK) Thị trường lo lắng về mức thuế quan và chi phí tiêu dùng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Các nhà bán lẻ hàng giá rẻ như Five Below sẽ chịu tác động mạnh nếu đề xuất thuế quan của ông Trump được thực thi (Ảnh: Internet)

Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất áp 10% thuế quan lên tất cả hàng nhập khẩu và 60% lên hàng Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại. Các chuyên gia cho biết, đề xuất trên có thể ảnh hưởng nặng nề đến các hãng bán lẻ và các nhà sản xuất giày dép.

“Nhà bán lẻ giá rẻ như Five Below (chuỗi cửa hàng chuyên bán đồ từ dưới 5 USD) chịu nhiều thiệt hại từ thuế quan hơn so với các công ty khác, bởi họ chắc chắn phải tăng giá”, ông Arun Sundaram, chuyên gia phân tích từ CFRA Research cho biết.

Cổ phiếu của một số nhà bán lẻ giá rẻ lớn tại Mỹ như Dollar General, Dollar Tree và Five Below đều đóng cửa giảm mạnh trong phiên thứ Tư (6/11) khi có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, với mức giảm lần lượt là 5,10%, 6,53% và 9,89%.

Cũng sau thứ Tư, cổ phiếu của nền tảng bán nội thất Wayfair giảm 8,8%, của nhà bán lẻ điện dụng Best Buy giảm 3,71% và của siêu thị đồ xây dựng Home Depot giảm 2,93%.

Việc tăng thuế nhập khẩu kết hợp với giảm thuế trong nước sẽ tạo áp lực lên lạm phát.

Theo Scott Lincicome của Trung tâm nghiên cứu Chính sách thương mại Stiefel, thuế quan là trở ngại cho mọi nhà bán lẻ đồ gia dụng, đặc biệt với các mặt hàng như trang phục, nội thất và đồ điện. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, các công ty phải đối phó với thuế áp lên hàng Trung Quốc bằng cách chấp nhận lỗ hoặc tăng giá bán.

Ông Niraj Shah, CEO của Wayfair cho biết, Công ty có hơn 20.000 đối tác cung ứng, bao gồm cả các nhà cung cấp trong nước.

“Thuế quan với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump lên đến 10%, rồi 25%... Sau đó, chúng ta đều biết rằng, rất nhiều nhà cung ứng đã di chuyển nhà máy sản xuất sang Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và nhiều nơi khác. Họ mong có thể ứng phó tốt hơn nếu tình hình thuế quan lại thay đổi”, Niraj Shah cho biết.

Không chỉ các nhà bán lẻ, ngành giày dép cũng phải đối diện với tương lai khó khăn. CEO hãng giày thể thao Brooks Running, Dan Sheridan gọi đây là “trở ngại khổng lồ”, trong bối cảnh ngành này đã phải đối mặt với 20% thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc và khoảng 27% lên hàng nhập khẩu Việt Nam.

"20-25% thuế quan nữa là rất nhiều. Chúng tôi phải tăng giá để bù đắp một phần chi phí từ thuế quan, nhưng không thể tăng giá tận 25%", ông nói.

John Vandemore, Giám đốc Tài chính của Hãng giày Skechers, chia sẻ quan điểm tương tự tại Hội thảo Bán lẻ Quốc tế của Goldman Sachs hồi tháng 9. Dù Skechers đã có kế hoạch đa dạng hóa nhà cung cấp ra ngoài Trung Quốc, nhưng nước này vẫn sẽ là trung tâm sản xuất quan trọng.

Ông Matt Priest, CEO của Hiệp hội Phân phối và Bán lẻ Giày dép tại Mỹ (FDRA) cho biết, ngành giày dép bắt đầu “rút khỏi” Trung Quốc từ lâu trước khi ông Trump nắm quyền năm 2016. Tuy nhiên, mức thuế mới của cựu Tổng thống đã thúc đẩy những công ty chưa chịu “rời đi”.

Dù vậy, chi phí sản xuất của Trung Quốc thường rẻ hơn. Các nhà bán lẻ đại trà phải lấy nguồn hàng từ nước này nếu muốn giữ giá cạnh tranh.

"Khả năng liên kết với nguồn cung nước ngoài rất quan trọng. Đồng thời, chúng tôi cùng hiểu… chính quyền ông Trump sau này có thể thấy cần tìm cách bảo vệ lợi ích thiết yếu của quốc gia”, ông Priest bổ sung.

"Chúng tôi cũng ủng hộ điều đó. Chúng tôi chỉ muốn chắc chắn rằng... chính quyền sẽ suy nghĩ kĩ về hành động của mình và Tổng thống đắc cử giữ đúng cam kết giảm lạm phát. Chúng tôi nghĩ ông ấy có thể cắt thuế nhập khẩu lên hàng tiêu dùng", Priest nói với Yahoo Finance.

Sau nhiều năm người Mỹ “chống chọi” với lạm phát, nhiều người kỳ vọng ông Trump sẽ chưa đưa ra chính sách gây tăng giá ngay.

"Chính quyền Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu đã tránh các sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc ngay từ lần đầu tiên... Tôi không nghĩ rằng, chính quyền ông Trump nhiệm kỳ tới sẽ áp mức thuế 60% đối với điện thoại thông minh từ Trung Quốc ngay từ ngày đầu, bởi phản ứng dữ dội sẽ khá lớn và ngay lập tức", Lincicome cho biết.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) của Mỹ ước tính, nếu mức thuế đề xuất có hiệu lực với các mặt hàng trang phục, đồ chơi, nội thất, đồ gia dụng, giày dép và đồ du lịch, sức chi tiêu mỗi năm của người Mỹ sẽ giảm khoảng 46 - 78 tỷ USD.

“Chính sách thương mại hiệu quả sẽ tăng lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới và bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược. Tuy nhiên, việc áp thuế quan rộng rãi lên hàng tiêu dùng và các mặt hàng nhập khẩu thông thường khác đồng nghĩa với việc áp thuế lên các gia đình Mỹ. Lạm phát tăng, giá cả tăng và mọi người mất việc”, Matthew Shay, CEO của NRF nêu quan điểm.

Nhật Linh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục