Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “ Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI- Nhật Bản) tổ chức sáng 16/9 nhằm phân tích các thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay và đề xuất các kiến nghị chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.
Theo thống kê, Việt Nam vẫn còn nhập 80% hàng hóa nguyên, vật liệu thô. Theo ước tính của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam ước khoảng 32,1% (năm 2015) đối với các sản phẩm chế biến cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Trong các sản phẩm công nghiệp, thì chỉ có lĩnh vực mô tô xe máy thì tỷ lệ nội địa hóa cáo (95%), còn các lĩnh vực khác nhau như điện tử, ô tô, sản phẩm công nghệ cao thì tỷ lệ nội địa hóa đều dưới 20%.
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, hiện nay, Việt Nam có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về mặt thể chế, tín dụng, công nghệ, nhân lực… Tuy nhiên, hiệu quả thực thi các chính sách này còn chưa cao. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích công nghệ hỗ trợ theo Nghị định 111/ 2015/NĐ-CP về phát triển CNHT cũng chưa thực sự tạo cú hích cho CNHT phát triển bởi các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, nhân lực quy định trong Nghị định này chưa thực sự mới mà đã quy định ở đâu đó trong các văn bản pháp quy khác.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, thời gian qua, để thực hiện công nghiệp hỗ trợ các ngành như dệt may, cơ khí, ô tô hay điện tử, chúng ta đưa ra rất nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, chính sách ưu đãi vốn, đất, thuế thu nhập DN.... và sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa nữa. Ở khía cạnh thực thi, từ Bộ đến địa phương, thành lập rất nhiều trung tâm hỗ trợ. Theo GS. Mại, đây là vấn đề tồn tại hiện nay đối với việc hỗ trợ DN cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Việt Nam đã và đang thành lập quá nhiều trung tâm hỗ trợ CNHT chung ở địa phương. Ngoài 2 trung tâm mà các chuyên gia Nhật Bản nêu ra thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Công thương các địa phương, thì còn có các trung tâm, dự án hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ; các hợp tác xã... Những trung tâm đó được lập ra với những nhiệm vụ quan trọng nhưng về cơ sở và con người thì chưa đáp ứng được nên đó là sự rất lãng phí”, ông Mại phân tích.
Trước thực trạng này, chuyên gia của MRI -Nhật Bản đề xuất áp dụng thử nghiệm mô hình Trung tâm công nghệ công lập ở Việt Nam, mô hình này ở Nhật Bản đã có từ lâu đời, từ những năm 1920 và phát triển tương đối thành công ở Nhật Bản. Mô hình này là nơi các DNNVV sử dụng các dịch vụ thông qua các trang thiết bị máy móc của Trung tâm để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mà doanh nghiệp không có khả năng đầu tư máy móc để thử nghiệm. Mô hình của Nhật bản là Trung tâm công nghệ công lập trực thuộc chính quyền tỉnh và ngân sách hoạt động của Trung tâm công nghệ công lập chủ yếu từ ngân sách của tỉnh và có thu 1 phần từ lệ phí của doanh nghiệp.
TS. Sakurada, MRI - Nhật Bản cho biết, mục tiêu của báo cáo là phân tích các thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay; rà soát các mô hình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề xuất các kiến nghị chính sách hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thông qua áp dụng mô hình Trung tâm công nghệ công lập.
Tuy nhiên, đại diện CIEM cũng đặt vấn đề khi áp dụng ở Việt Nam, cần thảo luận cụ thể ngành công nghiệp nào cần hỗ trợ. “Hiện nay, đã có nhiều Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nên chăng chúng ta chỉ cần lựa chọn nâng cấp các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay bằng việc đầu tư ban đầu các thiết bị máy móc. Cái khó nhất hiện nay là làm sao duy trì trung tâm hoạt động có hiệu quả, về ngân sách, bộ máy, con người…?”, bà Tuệ Anh nếu quan điểm.
Theo đề xuất của bà Tuệ Anh, nên loại bỏ bớt các trung tâm hỗ trợ để gom vào lập ra một trung tâm hỗ trợ có tính liên kết ở nhiều địa phương với nhau theo hình thức xã hội hóa, trợ giúp và có thu phí, không sử dụng nguồn ngân sách và có sự tham gia của nhiều bên.
Theo khuyến nghị của GS Nguyễn Mại, CIEM cần kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có những chính sách cụ thể cho doanh nghiệp phát triển CNHT để trình Chính phủ. Đặc biệt, GS Mại cho rằng, cần nghiên cứu và tìm ra được những ngành thực sự cần hỗ trợ “Không nên đưa ra các khái niệm khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ và chúng ta cần xây dựng công nghệ hỗ trợ cho từng ngành”, ông Mại nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nên đặt vị trí Trung tâm công nghệ công lập ở những cụm doanh nghiệp theo ngành để tận dụng lợi thế và ở địa phương có khả năng ngân sách để hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm công nghệ công lập.